Theo báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ tại phiên họp thứ 2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào giữa tháng 8 vừa qua, số nợ đóng, chậm đóng Bảo hiểm xã hội dự báo có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng trong năm nay và những năm tiếp theo, trong đó, đáng lưu ý là nhóm chậm đóng từ 3 năm trở lên.

Được biết, hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 đã được triển khai như: Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh; chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều công ty, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô gặp nhiều khó khăn.

Chị Nguyễn Ngọc Tuyến, phụ trách bộ phận lao động tiền lương của một công ty xây dựng tại Hà Nội cho biết, gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội, các công trình dừng thi công nhưng hàng tháng, công ty vẫn phải lo đủ tiền lương cho người lao động và đảm bảo đóng Bảo hiểm Xã hội đúng thời hạn, nếu không muốn chịu lãi suất cao. Do đó, việc gia hạn đóng Bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp giai đoạn này là rất cần thiết.

Theo anh Lê Viết Cường, kế toán của một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Hà Nội thì việc gia hạn thời gian đóng Bảo hiểm xã hội sẽ giúp doanh nghiệp bớt khó khăn về vốn, có khả năng “cầm cự” để sớm phục hồi sau khi dịch tạm lắng. Tuy nhiên, chị Vũ Thị Hồng, phụ trách chi nhánh của một doanh nghiệp về logistics tại Hà Nội thì cho rằng, việc gia hạn nộp Bảo hiểm xã hội cho các công ty, doanh nghiệp (nếu có) cũng cần được nghiên cứu, tính toán cụ thể, tránh cào bằng giữa các đơn vị, gây ảnh hưởng ngân sách nhà nước.

Để khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động do đại dịch COVID-19, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã kịp thời thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Giữa những khó khăn chung, nhà nước, doanh nghiệp cùng nỗ lực, cố gắng nhằm duy trì ổn định, lấy đà để sớm tăng tốc trở lại sau đại dịch.