Nhiều năm qua, anh Nguyễn Văn Tuyến, ở xã Hòa Xuân Đông, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên đi dọc các tỉnh, thành phố miền Trung để tìm hiểu nguyên liệu sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ các phế phẩm nông nghiệp. Từng thành công với xưởng sản xuất sản phẩm từ mo cau ở tỉnh Quảng Ngãi, anh Tuyến về quê hương Phú Yên tiếp tục nghiên cứu các loại lá chuối, lá sen, lá tra, mo tre… để làm các sản phẩm mới như đĩa, khay đựng thức ăn thay thế đĩa nhựa. Đầu năm 2021, anh Tuyến phát hiện lá tra (hay còn gọi là lá nho biển) phù hợp để ép thành những chiếc đĩa đựng thức ăn nên đã đưa lá tra từ Phú Yên ra Quảng Ngãi để ép.

Anh Nguyễn Văn Tuyến đầu tư 120 triệu đồng làm một máy ép thủy lực. Lúc đầu dùng lá khô để ép, nhưng đĩa không đẹp và dễ vỡ nên phải dùng lá tươi đã già để ép. Anh Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ, tại tỉnh Phú Yên quê hương anh, cây tra được trồng nhiều ở ven biển nên không lo thiếu nguồn nguyên liệu. Khi sử dụng đĩa làm từ lá tra sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, vì lá này hoàn toàn có thể phân hủy được. Hiện nay, anh Tuyến đang làm đĩa đựng thức ăn với nhiều hình dáng như: hình trái tim, hình tam giác, sắp tới có thể thể làm chén, đĩa vuông từ 12-15 cm. Tới đây, anh Tuyến đang tìm cách ghép 2 lá lại với nhau để cho ra sản phẩm to hơn và chắc chắn hơn.

Khoảng đầu tháng 4 năm ngoái, lô hàng gồm 7.000 chiếc đĩa đựng thức ăn được làm từ lá tra của cơ sở anh Nguyễn Văn Tuyến đã xuất khẩu sang Ba Lan và được đánh giá là sản phẩm thân thiện với môi trường. Do tình hình dịch Covid-19 vào giữa năm 2021, sản phẩm không được tiêu thụ. Từ giữa tháng 3 năm nay, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động du lịch trở lại, cơ sở của anh Nguyễn Văn Tuyến nhận được nhiều đơn hàng, chủ yếu là các hãng hàng không, công ty lữ hành đặt mua. Cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Văn Tuyến phải thuê thêm từ 2 đến 3 lao động mới làm kịp đơn hàng. Anh Đồng Văn Ớt – công nhân làm việc tại cơ sở này cho biết: Lá tra hái xong được đem về phơi khoảng 2 nắng sau đó rửa và vệ sinh lá. Khi lá còn ướt lấy khăn sạch lau cho khô rồi sau đó đưa vào bàn ép. Sau 2 năm làm việc ở đây, tự tay anh Ớt đã làm được hơn 10.000 sản phẩm. Bình quân mỗi tháng anh thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng.

Hiện mỗi ngày, cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ của anh Nguyễn Văn Tuyến sản xuất khoảng 2.000 sản phẩm từ lá tra. Mỗi chiếc đĩa ép từ lá tra bán ra thị trường với giá 2.000 đồng, được nhiều đơn vị du lịch, lữ hành trong nước đặt mua. Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên cho rằng, các sản phẩm làm từ lá tra của anh Nguyễn Văn Tuyến là sản phẩm mới, thân thiện với môi trường. Vì vậy, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ chủ trì, phối hợp cùng với các ngành khác như: Công thương, Khoa học công nghệ xem xét, tạo điều kiện cho cơ sở này phát triển, đồng thời sẽ có các cơ chế chính sách để hỗ trợ theo quy định./.

(Theo VOV Miền trung)

Mời nghe bài viết tại đây: