Đồn biên phòng Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh hiện đang thực hiện nhiệm vụ quản lý hơn 23 km đường biên và 7 cột mốc biên giới quốc gia khu vực biên giới Việt - Lào. Ngoài quản lý chủ quyền biên giới, Đồn Phú Gia còn phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới, như chương trình: “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”, “Câu lạc bộ phụ nữ với chiến sĩ quân hàm xanh”….

Để giúp người dân xóa đói giảm nghèo, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, xác định rõ thời gian, mục tiêu, nhiệm vụ, kịp thời nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của người dân, từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Từ một vùng quê nghèo, nay Phú Gia đã “thay da đổi thịt” với nhiều con đường được trải nhựa, bê tông, với những hàng cây xanh mướt thay cho những con đường đầy sỏi đá trước kia.

Nhìn những con lợn bụng no tròn trong chuồng, đàn gà trăm con trong vườn sắp đến lứa bán, ông Lê Văn Hòe, trưởng thôn Phú Lâm phấn khởi chia sẻ, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Phú Gia luôn quan tâm đến người dân, đặc biệt là các hộ gia đình khó khăn, học sinh nghèo, trẻ mồ côi. Đồng thời, đồn biên phòng còn cử cán bộ chiến sĩ hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà, bò và trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như cam, bưởi….Thậm chí như lời của ông Hoè, không chỉ với người dân trong xã mà, Đồn biên phòng Phú Gia còn giúp đỡ nhiều xã lân cận khác, từ việc khám chữa bệnh đến cưu mang, lo học hành cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Có thời gian người dân đi rừng sốt rét rất nhiều, bộ đội đồn biên phòng Phú Gia chung tay chữa trị cho bà con. Những năm gần đây, nhờ công nghệ thông tin, điện thoại thông minh nên Đồn biên phòng kêu gọi được rất nhiều nhà hảo tâm về hỗ trợ cho bà con dân bản như xây trường học, tặng sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh. Người dân chúng tôi không có gì giúp đỡ được đơn vị, chỉ cùng với đơn vị tham gia tuần tra bảo vệ biên cương”, ông Hoè xúc động.

Ngoài ra, để giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, mới đây, Đồn Biên phòng Phú Gia đã ra mắt Câu lạc bộ Phụ nữ với chiến sĩ quân hàm xanh. Ngoài nguồn đóng góp của chính cán bộ chiến sĩ, Đồn Biên phòng Phú Gia đã kêu gọi các nguồn tài trợ từ các tổ chức thiện nguyện với số tiền lên tới hàng chục triệu đồng, tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo vay vốn xoá đói giảm nghèo. Chị Trần Thị Hợi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Gia, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ với chiến sĩ quân hàm xanh cho biết: Các chương trình giúp đỡ của Đồn Biên phòng Phú Gia rất thiết thực, hiệu quả mang ý nghĩa rất nhân văn. Nhờ vào các mô hình sinh kế mà nhiều chị em là thành viên trong câu lạc bộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Bên cạnh đó đồn biên phòng còn phối hợp với Hội Phụ nữ xã nhận đỡ đầu một trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trong vòng 3 năm mỗi tháng 300 nghìn đồng.

Mới đây, Đồn Biên phòng Phú Gia cũng phối hợp với Đoàn thiện nguyện Cựu học sinh phổ thông trung học 1993-1996 Hà Nội tổ chức một loạt hoạt động thiện nguyện thiết thực cho người dân trong xã. Điển hình như chương trình tặng trang thiết bị học tập: tủ sách, tivi cùng hàng trăm cuốn sách, truyện và đồ dùng thiết yếu cho 2 điểm trường là Trường mầm non Phú Gia và Trường tiểu học Phú Gia, điểm Phú Lâm. Anh Nguyễn Phan Giang, Trưởng Ban Công tác xã hội, Cựu học sinh PTTH niên khóa 1993-1996 Hà Nội cho biết: Với quan điểm giúp đỡ những nơi còn khó khăn những thứ họ cần, Ban Công tác xã hội 1993-1996 đã lên chương trình và kêu gọi sự chung tay của toàn khóa để chương trình được thành công.

“Năm nào cũng vậy, chương trình chúng tôi kêu gọi thường rất nhanh, trong vòng 10 đến 15 ngày là đủ kinh phí để thực hiện chương trình. Qua hoạt động này, chúng tôi muốn lan tỏa giá trị nhân đạo cũng như lan tỏa giá trị thiết thực trong cuộc sống. Mời họ lên nhận quà không phải là giá trị vật chất mà là giá trị về tinh thần”, anh Giang chia sẻ.

Trước đó, Ban Công tác xã hội Cựu học sinh khóa 1993 -1996 cũng đã chuyển kinh phí gần 60 triệu đồng giúp điểm trường mầm non Phú Gia làm mái chống nóng và xây lại cổng trường khang trang, sạch đẹp. Những món quà thiết thực này đã mang đến niềm vui lớn cho thầy cô giáo và học sinh nơi miền sơn cước còn nhiều khó khăn. Thầy Trần Đình Chung, giáo viên trường tiểu học Phú Gia, điểm Phú Lâm chia sẻ: Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên cương, giữ gìn an ninh trật tự nơi biên giới thì các chiến sĩ Đồn biên phòng Phú Gia còn có đóng góp rất hiệu quả trong quá trình xây dựng nông thôn, cải thiện cơ sở vật chất ở các điểm trường.

“Đồn Biên phòng Phú Gia kêu gọi được rất nhiều tổ chức thiện nguyện, tặng người dân các vật dụng như chăn, màn, xe đạp, quạt điện và nhiều đồ dùng thiết thực, nhất là các dịp lễ Tết, 27/7…góp phần nâng cao đời sống của các hộ dân”, thầy Chung cho biết.

Cũng chính nhờ sự giúp đỡ chân thành, tận tình như vậy nên mối quan hệ giữa Đồn Biên phòng Phú Gia và người dân trong xã ngày càng gắn bó chặt chẽ, khăng khít, cùng chung sức bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh, trật tự. Đến nay, đã có 07 tập thể, 15 hộ gia đình tham gia ký kết thực hiện mô hình tự quản đường biên, cột mốc quốc gia, 12 tổ tự quản an ninh trật tự. Những vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, được giải quyết dứt điểm, không để xảy ra điểm nóng ở khu vực biên giới. Trung tá Nguyễn Đình Chuẩn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phú Gia cho biết, đơn vị đã đóng góp hàng nghìn ngày công, góp phần đưa xã Phú Gia về đích nông thôn mới vào 2018 và nông thôn mới nâng cao năm 2022:

“Qua những việc làm thiết thực như vậy, Đồn Biên phòng Phú Gia đã tạo được mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa đơn vị và cấp ủy chính quyền địa phương, tạo được niềm tin yêu của bà con nhân dân nơi biên giới đối với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Phú Gia. Qua đó huy động được sức mạnh toàn dân trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, vững mạnh”, Trung tá Nguyễn Đình Chuẩn khẳng định.

Có thể nói, hình ảnh những chiến sĩ quân hàm xanh “miệng nói, tay làm”, vừa tuyên truyền, vận động, vừa trực tiếp tham gia lao động sản xuất cùng nhân dân, xây dựng, tu sửa nhà cửa cho dân... đã trở nên rất gần gũi, thân thiết và là chỗ dựa tin cậy của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây. Người dân cũng vì thế càng thêm tin yêu, gắn bó và nguyện là những “cột mốc sống” cùng với bộ đội biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia./.