Theo Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nhu cầu mua sắm dịp tết năm nay sẽ tăng nhưng ở một mức khiêm tốn, trong khoảng từ 15 đến 20%. Lý giải điều này, ông Phú cho rằng sau đại dịch, đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn nên vẫn phải tiết kiệm chi tiêu. Ngoài ra từ cuối tháng 11 đến nay hàng vạn công nhân bị nghỉ việc, giãn việc và ngay cả thu nhập của người lao động ở các đơn vị hành chính sự nghiệp cũng bị giảm sút đáng kể.
“Năm nay khả năng mua sắm sẽ tăng vừa phải nên các doanh nghiệp bán lẻ phải hết sức thận trọng trong việc chuẩn bị lên kế hoạch nguồn hàng cung ứng”, ông Phú khuyến cáo.
Ở thời điểm này, nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2023 đã được các địa phương, doanh nghiệp, nhà bán lẻ chuẩn bị đầy đủ. Nhiều chương trình bình ổn, khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng mùa Tết cũng được tung ra.
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, các đơn vị bán lẻ đã lên kế hoạch cho hàng Tết từ vài tháng trước. Nhờ chuẩn bị trước nguồn nguyên liệu, nên sẽ cố gắng không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, giá cả tăng đột biến.
Tại một số địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng..., ngay từ đầu tháng 11, Sở Công thương đã đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai thực hiện kế hoạch Tết đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân địa phương.
Có thể nói, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, các chương trình khuyến mãi có ý nghĩa lớn, mang lại lợi ích thiết thực, thể hiện sự chia sẻ của doanh nghiệp với người tiêu dùng. Tuy nhiên theo chia sẻ của ông Vũ Vinh Phú, các chương trình khuyến mại phải trung thực, trách nhiệm, phản ánh đúng giá trị của sản phẩm.
“Không thể khuyến mại theo kiểu đẩy giá sản phẩm lên cao rồi trưng biển giảm giá. Như vậy thì việc khuyến mại, giảm giá sẽ vô nghĩa”. Ngoài ra ông Phú cũng lưu ý, các doanh nghiệp bán lẻ cũng phải tổ chức bán hàng một cách thuận tiện nhất cho người dân, với những phân khúc hàng hóa đủ chủng loại từ cao cấp đến bình dân và ở đa dạng các kênh không chỉ đơn thuần ở siêu thị.
Với vai trò của các bộ ngành trong việc đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa dịp Tết nguyên đán, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhắc tới đầu tiên là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn với nhiệm vụ đảm bảo các nguồn nguyên liệu đầu vào như các mặt hàng nông sản, thịt lợn, các loại rau màu
“Quan trọng là sự liên kết giữa sản xuất nông nghiệp và bán lẻ. Hoạt động này phải làm từ lâu, làm đều đặn liên tục, chia sẻ với nhau chứ không phải chờ đến dịp Tết mới đưa hàng vào, lúc đó nếu nhiều quá sẽ gây ứ đọng còn nếu ít quá sẽ bị đứt đoạn nguồn cung”.
Đối với trách nhiệm của Bộ Công thương, cần phải tổ chức sản xuất hàng hóa có chất lượng, có truy xuất nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, tạo niềm tin cho người dân về chất lượng hàng hóa.
Bên cạnh chất lượng hàng hoá, một điều nữa khiến người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng, đó là tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng cơ hội này để đầu cơ, tăng giá cả hàng hoá gây ảnh hưởng xấu đến thị trường. Bởi vậy, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Chỉ thị số 03 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có giải pháp ứng phó phù hợp; cập nhật sát tình hình cung cầu, giá cả thị trường trong nước để kịp thời tham mưu các biện pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết; tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; qua đó tránh để xảy ra các biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế, công tác hoàn thuế.
Tại chỉ thị này, Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức trung ương thuộc Bộ Tài chính đóng tại địa phương có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ban, ngành tổ chức triển khai công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn.
Đánh giá cao về những chỉ đạo kịp thời này của Bộ Tài chính, ông Vũ Vinh Phú cho rằng để thực hiện bình ổn giá, trước hết vấn đề cung cầu phải đảm bảo lưu thông thông suốt. Đối với các mặt hàng thiết yếu, có sự đột biến, lực lượng chức năng phải sự kiểm soát ngay lập tức. Cần tuyên dương kịp thời những đơn vị làm ăn tốt, đảm bảo ổn định mặt bằng giá, đồng thời phê bình, xử lý nghiêm khắc các doanh nghiệp vi phạm quy định về giá hoặc lợi dụng hình thức khuyến mại để bán hàng kém chất lượng.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng.
Tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đặc biệt chú trọng công tác cung ứng hàng hóa cho các vùng bị thiệt hại do bão, lũ với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm...
Hy vọng với sự tích cực chủ động của các cơ quan chức năng, cùng với đó là những chương trình khuyến mãi được nhiều nhãn hàng, siêu thị, trung tâm thương mại tung ra nhằm kích cầu người tiêu dùng, hy vọng sẽ giúp người dân được tiếp cận hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp dịp tết nguyên đán Quý Mão năm nay.
Khai Tết Xanh - Gieo Lộc lành
Bắt đầu từ tháng 11/2022 Hệ thống siêu thị coopmart Sài Gòn nói chung và Sài Gòn Co.opmart tại Hà Nội nói riêng đã triển khai chương trình tết đã với các kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa Tết dồi dào, phong phú cùng nhiều chương trình kích cầu mua sắm. Đặc biệt bắt đầu từ hôm nay 31/12, hệ thống siêu thị Co.opmart Sài Gòn chính thức khai trương chương trình “Khai Tết xanh - Gieo lộc lành”. Đây là một trong những chương trình đinh của Sài Gòn Co.op trong dịp khuyến mãi Tết Quý Mão năm nay với 3 hoạt động chính. Một là kích cầu mua sắm với một loạt sản phẩm được giảm giá đến 50% chủ yếu tập trung vào mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ tết 2023.
Ngoài ra nhằm phục vụ nhu cầu quà biếu, gửi tặng khách hàng, người thân nhân dịp tết Quý Mão 2023, hệ thống Co.opmart thiết kế các mẫu giỏ quà với mức giá khác nhau để khách hàng có sự lựa chọn phù hợp. Chương trình này triết khấu lên đến 15%.
Đặc biệt trong chương trình “Khai Tết Xanh - Gieo lộc lành”, lần đầu tiên Sài Gòn Co.opmart triển khai “Chuyến xe hạnh phúc”, để hỗ trợ công nhân xa nhà về quê đón tết đầm ấm.