Đã nhiều người khốn khó

Hình ảnh hai vợ chồng anh Xồng Bá Xò quê ở Nghệ An cùng đứa con còn đỏ hỏn được bố mẹ cuốn trong chiếc khăn dầm dãi cả ngàn cây số đường trường để về quê gây xúc động mạnh.

Một người đàn ông, không một đồng tiền trong túi, đạp xe từ TP.HCM về nhà chị gái ở Bình Phước…Khi đêm xuống, tiện đâu ngủ đó, khi gầm cầu, lúc vệ đường, dọc đường đi, ai cho gì ăn nấy…

Từng đoàn người và xe máy với đồ đạc lỉnh kỉnh phía trước, phía sau, nối đuôi nhau rời bỏ TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai… nơi đang bị bủa vây bởi dịch bệnh để trở về quê nhà. Quãng đường nghìn dặm ấy đã có người lả đi vì mệt, vì đói khát…

Có lẽ, chính bản thân mỗi người lao động nghèo cũng chẳng bao giờ nghĩ lại có lúc họ phải về quê theo một cách đặc biệt như thế. Nhưng vạn bất đắc dĩ, họ mới phải trở về như vậy.

Quãng đường từ TP. HCM về các tỉnh, ngắn dài khác nhau, tùy theo tuyến đường. Nhưng thực sự đó là một hành trình gian nan đối với những công nhân, lao động tự do, người làm thuê… nghèo vốn đã phải từng ngày vật vã mưu sinh, giờ dịch bệnh xảy ra, họ mất việc làm, mất thu nhập và gần như tay trắng, chưa kể nguy cơ nhiễm bệnh luôn rình rập.

Vừa là nạn nhân, vừa là nguy cơ

Những chuyến về quê như trốn chạy của những người lao động là nạn nhân của dịch bệnh đó cũng là những mối nguy lớn cho cộng đồng. Trên hành trình chạy nạn ấy, họ đang vừa tự đối mặt với bao vấn đề, vừa tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh khi không được kiểm soát về y tế, có thể đi lại, tiếp xúc với biết bao người khác dọc hành trình.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam: Trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến mới, nếu người dân hoảng loạn và cho rằng, ở thành phố nguy hiểm hơn ở quê mà di tản đi về các nơi ở mới để phòng, chống dịch thì đó là nhận định sai lầm, phản khoa học.

“Sở dĩ tôi nói việc di tản khiến công tác phòng, chống dịch Covid-19 phức tạp và khó kiểm soát hơn, là bởi chúng ta không thể nhìn thấy được virus trong không gian, cũng không thể tự khẳng định tính an toàn với những người đang và chuẩn bị tiếp xúc với mình hoặc người thân. Thậm chí, biết đâu, chính chúng ta lại có nguy cơ lây nhiễm mà chúng ta không hề biết”, PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích.

Khi đứng trước những mối nguy lớn về lây lan dịch bệnh mà cộng đồng rất có thể phải gánh chịu từ hiện tượng di tản tự phát của người dân không ít người đã đặt câu hỏi: Chính quyền địa phương ở đâu?

“Chính quyền địa phương thực sự chậm trễ trong việc giải quyết thực trạng này”, đã có không ít ý kiến thẳng thắn chỉ ra như vậy. Thậm chí có người còn gay gắt hơn khi nói rằng: Hành động của mỗi chính quyền địa phương nếu không vượt ra ngoài “công văn, chỉ thị” thì có lẽ chẳng bao giờ có hồi kết đẹp.

Trước hết, chính quyền TP.HCM đã không làm tốt việc kiểm soát, hỗ trợ cư dân sinh sống trên địa bàn, không thực hiện nghiêm Chỉ thị 15, 16 khi thực hiện giãn cách.

Khi dịch bệnh ở TP. HCM ngày càng phức tạp và thành phố này quá tải, lúng túng, thì đã có những địa phương tổ chức các chuyến xe miễn phí, thậm chí là cả máy bay để đón người dân của tỉnh mình về, ưu tiên cho những người già yếu, bệnh tật, trẻ em, phụ nữ. Nhưng dường như những địa phương có hành động kịp thời như thế còn khá ít…Và cách mà các địa phương khác bao biện cho sự chậm trễ ấy là do nguồn lực, cơ sở vật chất, điều kiện cách ly…

Hỗ trợ người dân khó khăn, không để họ phải tự phát di chuyển

Trao đổi với phóng viên VOV2, nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho rằng, đây là lúc cần sự sáng tạo, quyết liệt hành động của mỗi địa phương. Và ông viện dẫn quyết sách của tỉnh Quảng Bình mà ông cho là vô cùng sáng suốt: Không tổ chức đón người dân về quê, mà tìm cách hỗ trợ tối đa cho người dân. Đây là giải pháp đem lại sự an toàn cao cho đồng bào sở tại cũng như đồng bào đang ở phía Nam, đồng thời tiết kiệm nguồn lực.

Ông cho rằng, giải pháp của Quảng Bình rất cần được tham khảo, xem xét nhân rộng. Cũng theo ông Vinh, việc huy động nguồn lực của xã hội lúc này là cần thiết. “ Hiện có rất nhiều các đơn vị vận tải, các công ty xăng dầu luôn sẵn sàng hỗ trợ tối đa các địa phương để tổ chức các chuyến xe đưa đón công dân của mình về quê. Vậy tại sao chúng ta lại không tận dụng những nguồn lực quan trọng như thế”, ông Vinh nhấn mạnh.

Cũng chung quan điểm này, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, để giảm gánh nặng chống dịch cho TP.HCM, đồng thời, tạo điều kiện cho công dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh được trở về quê hương thì vai trò của chính quyền địa phương là cực kỳ quan trọng.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, để giải quyết việc này, trước hết cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của chính quyền mỗi địa phương. “Đây là lúc để đo lường năng lực và sự thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo mỗi địa phương”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương, trước hết là của TP.HCM. Thành phố này, dù đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, các nội dung của Chỉ thị 16 khi thực hiện giãn cách. Và trong trường hợp này, cần thực hiện bằng được việc lo cho người dân đang sinh sống trên địa bàn của địa phương mình không được đói, không đứt bữa trong thời gian giãn cách, chống dịch. Nếu làm được việc đó, không có lý do để quá nhiều người cố ra đi khỏi thành phố như trốn chạy, mang theo vất vả cho chính mình và nguy cơ cho cộng đồng.

Các địa phương khác nên có trách nhiệm sát cách cùng TP.HCM và các tỉnh phía Nam trong việc lo cho những người của tỉnh mình theo cách chủ động, giúp họ vượt qua khó khăn, ở yên nơi cư trú trong thời gian cao điểm của ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh, như cách của Quảng Bình đang làm.

Còn với những người đã vượt cả nghìn km về với quê hương, chính quyền địa phương cần thể hiện cả sự chung tay, chia sẻ với những người trở về, hỗ trợ họ trong phạm vi và điều kiện của địa phương. Tất nhiên, bao gồm cả việc cách ly theo quy định phòng chống dịch bệnh.

Để những đoàn người rời Nam như trốn chạy như những ngày này với bao nguy cơ, những người lao động không có lỗi. Vấn đề chính là cách quản lý của TP.HCM còn quá nhiều lúng túng. Và sự phối hợp của nhiều địa phương chưa chủ động và hiệu quả.

Chủ trương của Chính phủ đã rất rõ, chúng ta không bỏ lại ai phía sau.

Vấn đề là chính quyền của TP. HCM cần thể hiện sự mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong tất cả các mặt của công cuộc phòng chống dịch Covid-19, các địa phương sát cánh và phối hợp hơn nữa cùng các tỉnh thành phía Nam. Nếu thế, sẽ không còn ngàn vạn những chuyến xe tự phát đang rời Nam như trốn chạy.

Chiều nay 31/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch covid-19 thống nhất, khi đã thực hiện Chỉ thị 16 thì người dân không được di chuyển, đồng thời đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm, siết chặt quản lý người dân ra-vào địa bàn. Địa phương nào để người dân đi ra tỉnh ngoài phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Với trường hợp người dân đã ra tỉnh ngoài, các địa phương phải bố trí xe ô tô để đưa người dân về quê an toàn. Đặc biệt, tất cả các địa phương phải đảm bảo đời sống và trợ giúp y tế để người dân yên tâm thực hiện giãn cách.