Cơn mưa lớn rạng sáng ngày 16/9 vừa qua đã khiến Hà Nội rời vào tình trạng ngập sâu, làm đảo lộn đời sống sinh hoạt của các hộ gia đình, gây tắc nghẽn giao thông và một số vấn đề an ninh, an toàn khác. Và nó cũng lại một lần nữa minh chứng cho một điều đã trở thành chuyện thường ngày ở đô thị: cứ mưa lớn là ngập. Theo ghi nhận, số điểm ngập úng tại các đô thị ngày càng nhiều, thậm chí bất kể là đồng bằng hay miền núi, bất kể là đô thị vùng cửa sông hay ven biển, có khi không mưa cũng ngập. Vì sao tình trạng ngập úng đô thị vẫn diễn ra theo chiều hướng trầm trọng hơn? Và nhìn nhận về các giải pháp chống ngập úng hiện nay còn có những vấn đề gì? Phóng viên VOV2 đã có cuộc phỏng vấn với GS.TS. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây Dựng Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam.

Phóng viên: Thưa Giáo sư Nguyễn Việt Anh, dưới góc nhìn chuyên gia, ông nhìn nhận như thế nào về tình trạng ngập úng tại thủ đô như hiện nay?

GS.TS Nguyễn Việt Anh: Tôi nghĩ là địa bàn Hà Nội rất rộng, những trận mưa trải qua trong những ngày vừa rồi rất lớn. Hà Nội chia thành 5 lưu vực chính: lưu vực sông Tô Lịch trong thời gian 20 năm qua đã được đầu tư nhiều tiền của nên tình hình thoát nước mưa được cải thiện. Còn lưu vực Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Long Biên, Hà Đông chưa đầu tư nhiều, không theo kịp với mức độ đô thị hoá nên nếu có mưa thì khu vực này ngập rất là nặng.

Theo Công ty thoát nước Hà Nội thông tin: nếu lượng mưa dưới 50mm trong vòng 2 giờ thì lưu vực Tô Lịch có thể chống chịu được tốt, còn nếu 50-100mm thì Hà Nội có 10 điểm ngập, trên 100mm trong 2 giờ sẽ có 40-50 điểm ngập. Và ở lưu vực khác nhau thì mức độ ngập sẽ khác nhau.

Phóng viên: Thưa ông, hiện đã có những nghiên cứu, đánh giá như thế nào về thiệt hại kinh tế và các ảnh hưởng khác do ngập úng gây ra?

GS.TS Nguyễn Việt Anh: Thiệt hại do ngập úng có nhiều. Thiệt hại trực tiếp có thể kể đến như là hỏng xe, hỏng nhà, hỏng đường, tắc đường, mất việc, dịch bệnh lan tràn theo đường nước. Hiện chưa có nghiên cứu quy mô về tác hại của ngập úng nhưng quy chiếu từ giao thông, Hà Nội mất 1,2 tỷ USD do tắc đường, thành phố Hồ Chí Minh mất 6 tỷ USD, như vậy, nếu như chúng ta xử lý được thì sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền để đầu tư cải thiện hạ tầng. Qua đây cũng thấy là cần có đánh giá để tăng thêm tính thuyết phục cho vấn đề thoát nước.

Phóng viên: Điểm lại các đợt ngập úng tại các đô thị lớn, có thể thấy tình trạng này xảy ra với tần suất ngày một dày đặc hơn và cả ở những đô thị tưởng như là sẽ khó có thể ngập như ven biển, ven sông hay khu vực miền núi. Ông có lý giải như thế nào về điều này?

GS.TS Nguyễn Việt Anh: Xét về kỹ thuật có nhiều nguyên nhân gây ngập như là: thiếu cống, cống không đủ tiết diện, cống dưới cao hơn cống trên không có sự kết nối, thiếu công trình đầu mối như các trạm bơm tiêu thoát nước.

Thứ 2, không đảm bảo sự liên thông của dòng chảy như có cống không có trạm bơm. Ví dụ như Hà Nội có trạm bơm nhưng không có mương dẫn như khu vực Láng Hoà Lạc bị ngập nhiều là vì thế.

Thứ 3, là nguyên nhân do thiếu dung tích đệm như hồ nước, thảm cỏ, bể đựng nước mưa. Chúng ta đã mất rất nhiều diện tích hồ trong thời gian vừa rồi.

Thứ 4, những thành phố ven biển ảnh hưởng triều cường vì mưa xuống nước biển dâng lên, nước không biết thoát đi đâu. Rồi cả yếu tố do sụt lún.

Thứ 5, là nguyên nhân từ ý thức coi cống thoát nước như nơi xả rác, người ta không ai muốn hố ga ở trước cửa nhà mình. Đó là chưa kể làm nhà không tuân thủ cốt san nền mà anh sau lúc nào cũng xây cao hơn anh trước.

Thứ 6, do không được quan tâm đầu tư vì các chính quyền không coi thoát nước là việc ưu tiên.

Và cuối cùng là quy hoạch không hợp lý.

Phóng viên: Nhìn nhận nhiều chiều hơn, theo ông, đâu là vấn đề trong công tác phòng chống ngập úng đô thị?

GS.TS Nguyễn Việt Anh: Khi đối chiếu lại chúng ta thấy tình hình úng ngập chưa cải thiện thì ai cũng thấy phần trách nhiệm.

Chính quyền đô thị thì cần rà soát lại xem quy hoạch có phù hợp không, ngân sách đầu tư hàng năm cho thoát nước có đúng mức chưa, quản lý trật tự xây dựng có nghiêm không.

Nhà đầu tư thì xem trách nhiệm của mình khi xây dựng khu đô thị mới có kết nối với hệ thống thoát nước đường phố thì có đóng góp được gì không, hay chỉ là tăng diện tích bê tông hoá làm tăng khả năng úng ngập.

Các hộ gia đình, người dân liệu đã sẵn sàng tăng sự đóng góp để tăng nguồn lực chia sẻ với chính quyền, nhà nước để thoát nước mưa, chống ngập chưa.

Phóng viên: TP.HCM từng có “đại dự án” về xây hồ điều tiết chống ngập từ năm 2015, trong đó sẽ xây 3 hồ điều tiết nhằm giải quyết tình trạng ngập ở khu trung tâm. Hà Nội cũng không ngoại lệ với những kế hoạch phòng chống ngập úng hàng năm. Thế nhưng, nhưng “càng chống càng ngập” – là lời than thở của rất nhiều người dân đô thị. Ông có góc nhìn như thế nào về điều này?

GS.TS Nguyễn Việt Anh: Nói càng chống càng ngập chưa hẳn chính xác mà đúng hơn là càng đô thị hoá càng ngập. Vì phát triển đô thị là phát triển các khu ở còn hạ tầng đi theo đó thì chúng ta không phát triển kịp theo và đầu tư nguồn lực chưa thoả đáng.

Các nhà đầu tư các khu nhà ở đô thị phải có chính sách riêng vì khi bê tông hoá mặt bằng thì nguy cơ úng ngập tăng lên. Chính vì vậy cần huy động thêm nguồn lực xã hội hoá cho thoát nước mưa chứ không chỉ trông vào ngân sách và chỉ là nhiệm vụ của công ty thoát nước.

Phóng viên: Theo ông, các thành phố lớn trong cả nước cần phải làm gì để hạn chế tình trạng “cứ mưa lớn là ngập úng”?

GS.TS Nguyễn Việt Anh: Tôi đề xuất giải pháp 8 T bao gồm:

-Tách: chia tách các lưu vực thoát nước ra thành các lưu vực nhỏ

-Thấm: tăng cường khả năng thấm xuống bổ cập nước ngầm

-Trữ: đó là chúng ta nói đến các hồ điều hoà. Vì 50 năm vừa rồi Hà Nội mất đến 80% diện tích hồ.

-Thoát: cống phải đủ, phải có tính kết nối, có đủ tiết diện.

-Trung chuyển: Nếu nước không tự chảy được phải xây dựng các trạm bơm, các công trình đầu mối lớn để thoát nước cưỡng bức ra sông

-Thông tin: tăng cường khả năng dự báo, áp dụng chuyển đổi số, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành

-Thích ứng: người dân tự cứu mình, tìm giải pháp phòng ngừa

-Tiền: nguồn lực đầu tư đủ mới cải thiện được tình trạng này

Phóng viên: Đặt trong bối cảnh cụ thể của Hà Nội vào thời điểm này – nguy cơ ngập úng có thể tái diễn bất cứ lúc nào, theo ông, cần có những giải pháp gì để hạn chế tối đa?

GS.TS Nguyễn Việt Anh: Theo tôi Hà Nội cần có những giải pháp cụ thể như sau:

-Tìm cách tăng cường năng lực của hệ thống thoát nước hiện có. Phát huy tối đa nguồn lực cho việc này

-Tăng cường khả năng dự báo, số liệu kết nối giữa cơ quan dự báo thời tiết với các thành phố để có thể dự báo về khả năng ngập lụt chính xác.

-Phải có sự phối hợp tốt giữa các ngành như thuỷ lợi, đô thị, tài nguyên môi trường, công thương và kết hợp tốt giữa các địa phương ở trên thượng lưu và hạ lưu, nơi có các hồ chứa thuỷ điện với bên hạ lưu và các đôi thị.

-Phải nâng cao nhận thức, người dân biết cách tự cứu mình, hạn chế thiệt hại tài sản.

-Xây dựng chương trình mục tiêu lớn của quốc gia, của thành phố và đầu tư nguồn lực thoả đáng cho thoát nước.

Phóng viên: Cảm ơn Giáo sư Nguyễn Việt Anh!

Xin mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với GS.TS Nguyễn Việt Anh tại đây: