Những ngày qua, tình hình dịch bệnh ở Hà Nội diễn biến phức tạp, số ca mắc gia tăng mạnh. Tính từ ngày 11/10 đến nay, bình quân mỗi ngày thành phố phát sinh hơn 60 F0, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước. Tỷ lệ F1 chuyển thành F0 và tỷ lệ người đã tiêm 2 mũi vaccine nhưng vẫn mắc Covid-19 có xu hướng tăng nhanh. Bên cạnh đó, số ca mắc Covid-19 trong khu cách ly tập trung của Hà Nội cũng tăng do lây nhiễm chéo.

Nhớ lại thời điểm cách đây 2 tháng khi biết tin mình là F1, chị Võ Thùy Linh, ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã rất lo lắng khi phải đi cách ly tập trung. Khi đó, chị cũng đề nghị y tế phường cho 3 mẹ con được cách ly tại nhà nhưng không được chấp thuận do Hà Nội chưa triển khai thực hiện phương án này. Do đó, 3 mẹ con chị vẫn chấp hành cách ly tập trung trong sự lo lắng: "Thực ra lúc đó tôi không ngại khi phải đi cách ly tập trung vì đây là quy định rồi, nhưng điều tôi sợ đó là nguy cơ lây nhiễm chéo khi một phòng có đông người, tất cả lại dùng chung nhà vệ sinh, rồi không phải ai cũng ý thức tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế".

Theo anh Nguyễn Mạnh T, ở Cát Linh, Hà Nội, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, anh tự đề ra những nguyên tắc nghiêm ngặt cho mình để phòng, chống dịch, trong đó có việc không tiếp xúc với người ngoài nếu không thật sự cần thiết. Vậy mà bỗng dưng anh trở thành F1 sau khi một đồng nghiệp cùng văn phòng có kết quả dương tính với SARS-CoV2. Anh T mong muốn được cách ly tại nhà khi gia đình anh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế, tuy nhiên điều này lại không hề đơn giản: "Nhiều nơi họ vẫn sợ trách nhiệm, còn người dân, hàng xóm thì kỳ thị, sợ lây nhiễm nên không đồng ý để F1 cách ly tại nhà", anh T. chia sẻ.

Khi số ca mắc tăng cao, đồng nghĩa với việc các F1, F2 cũng tăng theo cấp số nhân, lúc này áp lực đối với các khu cách ly tập trung là vô cùng lớn. Vì vậy, theo Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Quang Thái, Phó trưởng văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, việc thay đổi phương thức cách ly để phù hợp trong tình hình mới là điều cần thiết và cách ly F1 tại nhà nếu thực hiện đúng sẽ mang lại nhiều lợi ích: giảm tải tại các cơ sở điều trị, giảm số người phải phục vụ tại cơ sở cách ly, tâm lý người phải cách ly cũng nhẹ nhàng hơn vì không bị các sức ép liên quan đến môi trường điều trị trong bệnh viện…

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện khẩn cấp công cộng, Bộ Y tế cũng hoàn toàn ủng hộ phương án cách ly F1 tại nhà, tuy nhiên theo ông, với đặc thù của Hà Nội "đất chật, người đông", là nơi giao lưu kinh tế, giao thông nên nguy cơ lây lan dịch rất lớn. Do đó, ý thức của F1 thực hiện cách ly tại nhà là vô cùng quan trọng.

"Ý thức là vô cùng quan trọng, đó cũng là trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, nhất là trong trường hợp gia đình có người mắc bệnh nền, người già, trẻ em chưa tiêm vaccine… Ngoài ý thức của người dân còn phải có sự theo dõi, giám sát khi cách ly. Trong quy định là có sự tư vấn của cán bộ y tế để F1 biết cách thực hiện hành vi của họ để thực hiện cách ly cho tốt, rồi giám sát người được cách ly để biết họ có triệu chứng gì còn đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời". PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Có thể nói, việc thực hiện cách ly F1 tại nhà là bước đi phù hợp điều kiện thực tế hiện nay, giúp người bị cách ly đỡ tốn kém, bớt bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, chưa kể dự phòng tình huống lây nhiễm chéo nếu trong khu cách ly tập trung không tuân thủ theo đúng quy định.

Mời nghe âm thanh tại đây: