Nghe theo tiếng gọi của tổ quốc, ông Nguyễn Đình Bảng, ở phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội lên đường làm nhiệm vụ. Như bao người lính khi đó, ông chỉ có mục tiêu duy nhất là “đưa viên đạn vào những kẻ đến xâm lược”. Với tâm thế ấy, không ít đồng đội của ông đã ngã xuống nơi chiến trường. May mắn hơn, ông chỉ bị thương nhẹ, được trở về, lập gia đình và sống trong hòa bình. Với thương tật 1/4, ông luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Cùng với khoản trợ cấp hàng tháng, cứ mỗi dịp lễ, Tết, ông còn được lãnh đạo chính quyền địa phương và các đoàn thể, đến thăm hỏi, động viên. Sự quan tâm ấy đã xoa dịu những vết thương trên cơ thể do chiến tranh gây ra. “Cầm súng tham gia bảo vệ Tổ quốc và hoàn thành nghĩa vụ trở về, tôi được các cấp, các ngành luôn quan tâm, thấy rất ấm lòng”, thương binh Nguyễn Đình Bảng chia sẻ.
Trong những năm tháng chiến tranh, bà Nguyễn Thị Mịn, ở phường Phương Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội không trực tiếp cầm súng ra trận. Dẫu vậy, đóng góp của bà cho Tổ quốc là không nhỏ khi trở thành hậu phương vững chắc để chồng yên tâm chiến đấu nơi tiền tuyến. Và không may, chồng bà đã hy sinh trong một trận quyết tử với kẻ thù.
Ghi nhận công lao, đóng góp của gia đình bà Mịn, chính quyền và các đoàn thể phường Phương Liệt thường xuyên tới thăm hỏi, động viên. Sự quan tâm đã giúp bà vơi bớt nỗi đau, hụt hẫng khi mất đi người bạn đời.
Không chỉ riêng bà Nguyễn Thị Mịn - vợ liệt sỹ hay thương binh Nguyễn Đình Bảng mà toàn bộ gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn thủ đô đều thường xuyên nhận được sự quan tâm từ chính quyền và đoàn thể.
Ông Khuất Đôn Quân, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, Hà Nội cho biết để thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa một cách thường xuyên, liên tục, đầy đủ và kịp thời, Đảng ủy phường đã ban hành một Nghị quyết về nội dung này. “Để thực hiện tốt công tác tri ân các gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, Đảng ủy, chính quyền đã ban hành một nghị quyết về nội dung này. Bên cạnh việc đảm bảo các chế độ, địa phương còn xây dựng quỹ, tổ chức các đợt khám, cấp thuốc miễn phí, tặng các suất quà cho các gia đình”, ông Quân cho biết.
Thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa còn là hình thức giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ. Xác định như vậy nên nhiều năm nay, chính quyền các tổ chức, đoàn thể ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng thực hiện tốt việc chăm lo đời sống về vật chất và tinh thần cho các gia đình có công với cách mạng. Đề cập công tác này, bà Lại Thị Hiên, cán bộ Phòng Lao động, thương binh và Xã hội quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết “Chúng tôi tham mưu cho chính quyền quận tổ chức các đợt thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách vào các dịp lễ, tế. Ngoài ra, chúng tôi tạo nguồn để tặng sổ tiết kiện cho một số gia đình”, bà Hiên chia sẻ.
Tại huyện Đan Phượng - nơi có hơn 2.400 gia đình liệt sỹ, gần 1.000 thương, bệnh binh, gần 200 người nhiễm chất độc hóa học..., công tác tri ân cũng được thực hiện rất tốt. “Chúng tôi luôn đảm bảo các chế độ, chính sách theo quy định cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Cùng với đó, chúng tôi còn tiến hành xây mới, sửa chữa nhà cho một số hộ gia đình’, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đan Phượng, chia sẻ.
Với khoảng 700 nghìn người có công với cách mạng, Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng người có công lớn nhất nước. Đây cũng là địa phương được đánh giá thực hiện có hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa, thể hiện sự tri ân đối với người có công, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Nghe bài viết dưới đây: