“Sứ mệnh giữ gìn biển, đảo của ta”

Sau thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954), để bảo vệ, giữ vững trật tự an ninh trên các vùng duyên hải, chống mọi hoạt động của bọn hải phỉ, biệt kích, đặc vụ, bảo đảm an toàn cho nhân dân đi lại làm ăn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, cuối tháng 7/1954, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị cho Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương tổ chức nghiên cứu đề án xây dựng lực lượng bảo vệ vùng biển.

Ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng thành lập Cục Phòng thủ bờ bể - tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay, đánh dấu một mốc son quan trọng trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, mở đầu cho thời kỳ xây dựng và phát triển của Quân chủng.

Bộ đội Hải quân đã 3 lần được vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Lần thứ nhất (30/3/1959), lần thứ hai (15/3/1961) và lần thứ ba (13/11/1962). Trong các lần về thăm, Bác đã ân cần thăm hỏi và căn dặn cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng Hải quân rất nhiều điều. Người dạy: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.

Từ năm 1955-1975 đánh dấu bước phát triển của Hải quân nhân dân Việt Nam cả về quy mô tổ chức và sức mạnh chiến đấu, là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền và chiến đấu trên chiến trường sông biển, hải đảo của Tổ quốc. Từ con số ban đầu 141 cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên đã phát triển thành lực lượng tinh nhuệ, mạnh về con số, giàu về ý chí chiến đấu, hoàn thiện về khí tài để xứng đáng là phên giậu Tổ quốc trên biển.

Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, mưu lược và anh dũng, Hải quân nhân dân Việt Nam đã đóng góp vào nhiều chiến thắng quan trọng như: kháng chiến chống Mỹ, cùng đất nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 với khí phách “còn người còn tàu, còn một người cũng chiến đấu, còn một viên đạn cũng bắn thù”; Hải quân nhân dân Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế cao cả đối với Campuchia và Lào giai đoạn 1975-2020.

Tiếp nối hành trình vẻ vang

Trải qua gần 70 năm xây dựng, chiến đấu, phát triển và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng Hải quân đã nối tiếp nhau xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Chiến đấu anh dũng; Mưu trí sáng tạo; Làm chủ vùng biển; Quyết chiến, quyết thắng”.

Truyền thống đó là sự kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, của quân đội trong điều kiện mới, đồng thời là kết quả của sự giác ngộ về mục tiêu lý tưởng chiến đấu của biết bao thế hệ nhằm giành lại độc lập dân tộc, bảo vệ công cuộc lao động hòa bình trên biển.

Đất nước hòa bình nhưng trên biển chưa bao giờ bình yên. Hải quân nhân dân Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép: Giữ vững chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa và xây dựng phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho người dân trên đảo, điểm đảo, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.

Trong chuyến công tác tháng 4 vừa qua đến thăm quân, dân quần đảo Trường Sa, trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân đã căn dặn với các chiến sĩ: “Huấn luyện giỏi sẵn sàng chiến đấu cao, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh và xây dựng mối đoàn kết quân dân. Chúng ta đã có âu tàu là điểm đến tin cậy cho ngư dân. Vì vậy, các cán bộ, chiến sĩ quân và dân trên đảo trong mọi điều kiện hoàn cảnh phải bảo vệ dân, giúp đỡ dân, điều gì làm tốt nhất cho ngư dân thì các đồng chí phải cố gắng chia sẻ để ngư dân của chúng ta đánh bắt trên vùng biển được yên tâm, an toàn nhất. Ở đâu có ngư dân của chúng ta, ở đó có chủ quyền lãnh thổ, ở đó có cột mốc sống, có thế trận chiến tranh nhân dân”.

Các đảo hiện nay đã có trường học, dạy con em trên đảo từ lớp 1 đến lớp 5; Bệnh xá khang trang, có các bác sĩ tay nghề cao trực tiếp khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo và ngư dân; tại các đảo hệ thống điện gió, điện mặt trời đã được lắp đặt…Đời sống tinh thần của các cán bộ chiến sĩ được quan tâm: Nhà văn hóa đa năng, có thư viện sách để cán bộ chiến sĩ học tập, giải trí, có tivi, có sóng điện thoại…Mọi nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Bộ quốc phòng, nhân dân trong và ngoài nước hướng về Trường Sa để Trường Sa gần đất liền, để một phần của Tổ quốc ngoài biển cả ngày một phát triển, vững mạnh.

Nghe chương trình tại đây:

NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ CỦA QUÂN CHỦNG HẢI QUÂN

- Được Đảng, Nhà nước 2 lần tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

- Được tặng thưởng: 02 Huân chương Sao Vàng; 02 Huân chương Hồ Chí Minh; 02 Huân chương Độc lập hạng Nhất và hạng Nhì; 3 Huân chương Quân công (1hạng Nhất và 2 hạng Nhì); 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; 01 Huân chương Lao động hạng Ba;