Phát biểu tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, siêu bão Yagi là cơn bão lịch sử gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản; ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, sinh kế và đặc biệt là tâm lý của người dân. "Chúng ta đã nỗ lực hết mình. Chúng ta đã tìm phương án tốt nhất trong các phương án có thể, chúng ta tìm cái còn trong cái mất... Song mất mát không gì có thể bù đắp được là tính mạng và tinh thần của người dân, những gia đình có người thân thiệt mạng", người đứng đầu Chính phủ đã phải nhiều lần nghẹn ngào khi nhắc tới điều này.
Với cường độ rất lớn, tốc độ cao, sức tàn phá mạnh; phạm vi rộng; diện tác động nhiều; thời gian oanh tạc dài trên đất liền, bão Yagi đã trở thành nỗi ám ảnh với mỗi người dân Việt Nam. Không chỉ trong bão mà hoàn lưu sau bão Yagi cũng gây thảm họa về sạt lở, lũ ống, lũ quét kinh hoàng; hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản; tác hại đến sản xuất, kinh doanh và sinh kế, đặc biệt là tâm lý người dân.
Theo các tính toán, thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra khiến cho tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại, ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản. Điển hình nhiều địa phương chịu thiệt hại nặng nề do bão, như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai... GRDP năm nay có thể giảm trên 0.5%. Đặc biệt là các mục tiêu về đảm bảo an sinh cho người dân trong năm 2024 cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên; trên 262.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gãy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận định, nông nghiệp là lĩnh vực bị ảnh hưởng và tác động nặng nề nhất. Nhiều làng xã và các hộ gia đình gần như trắng tay bởi toàn bộ tài sản, cây trồng, vật nuôi bị mưa bão nhấn chìm. Cũng theo TS Việt, con số thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư về thiệt hại do mưa bão trong lĩnh vực nông nghiệp là giảm 0,33 % có thể sẽ chưa dừng ở đó. Thực tế, những thiệt hại này sẽ còn kéo dài nặng nề hơn khi mà nguồn chuỗi cung ứng cho xuất khẩu nông sản, vồn là một lợi thế, một thế mạnh trong những năm qua, đã và đang bị ảnh hưởng do cơn bão gây ra.
Cùng với đó, ngành dịch vụ cũng thiệt hại không kém, trước hết là do sự sụt giảm lượng khách du lịch trong và ngoài nước. Từ đó, cũng sẽ ảnh hướng đến dịch vụ bán buốn bán lẻ, thị trường trong nước…Đặc biệt một yếu tố liên quan nữa là tinh thần của việc đầu tư tiêu dùng, vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ trước và sau đại dịch covid- 19, giờ đây sẽ tiếp tục bị suy giảm rất lớn trong quá trình bão lũ và sau bão lũ. Tổng cục thống kê đã tính toán sẽ mất đi khoảng 0,22% từ các lĩnh vực dịch vụ bao gồm cả du lịch lẫn tiêu dùng hàng hóa trong nước .
Đối với lĩnh vực sản xuất đặc biệt là sản xuất phục vụ xuất khẩu, trực tiếp ở các khu, cụm công nghiệp, TS Việt cho rằng những tính toán của Tổng cục thống kê với con số khoảng 40.000 tỷ chỉ là bước đầu. Bởi chỉ riêng một tỉnh Quảng Ninh đã công bố khoảng 23.000 tỷ thì chắc chắn những thiệt hại khi được thống kê đầy đủ còn nhiều hơn nữa khi khu vực công nghiệp còn chịu những tác động lâu dài hơn. “Không chỉ trong quý III và quý IV mà tôi tin là nó còn ảnh hưởng đến quý I và quý II của năm 2025”, TS Nguyễn Quốc Việt nhận định.
Trong bối cảnh đó để giữ vững mục tiêu GDP năm 2024 khoảng 7% sẽ đòi hỏi một nỗ lực rất lớn. Theo TS Nguyễn Quốc Việt, ngoài việc xốc lại tinh thần bao gồm cả tinh thần khôi phục lại sản xuất và cả việc tạo tinh thần phấn chấn trong đầu tư vào kinh doanh thì sẽ còn phải phụ thuộc vào những giải pháp căn cơ, kể cả ngắn hạn và trung hạn của Chính phủ thì mới hy vọng nhanh chóng quay lại với quỹ đạo sản xuất như 6 tháng đầu năm và mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 7%.
Nêu những giải pháp cần phải tập trung trong thời gian tới để đạt được như kỳ vọng, TS Việt cho rằng, trước hết phải phục hồi nhanh chóng hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các lĩnh vực từ sản xuất nông nghiệp đến công nghiệp, dịch vụ. Trong lĩnh vực nông nghiệp cần khẩn trương khôi phục để tự chủ nguồn nguyên phụ liệu trong nuôi trồng thủy sản, vật nuôi cũng như các cây trồng chủ lực để xuất khẩu. Đối với lĩnh vực công nghiệp, việc khôi phục lại các cơ sở hạ tầng kết nối ở trong và ngoài khu, cụm công nghiệp là rất quan trọng cũng như giúp các doanh nghiệp lấy được tiền bồi thường bảo hiểm hoặc trợ cấp vốn để xây dựng lại nhà xưởng, nhập khẩu máy móc thiết yếu phục vụ cho việc quay trở lại sản xuất. Và một giải pháp nữa cũng hết sức quan trọng là làm sao để khôi phục lại lòng tin đối với thị trường, đối với nhà sản xuất cũng như đối với người tiêu dùng.
“Tôi cho rằng chúng ta đã trải qua thời kỳ Covid- 19 và đã rút ra nhiều kinh nghiệm cả phía cơ quan quản lý lẫn người dân và doanh nghiệp. Việc đầu tiên là phải kịp thời, nhanh chóng mà muốn như vậy thì trúng, đúng và đủ là một điều rất quan trọng”. Bởi vậy ở thời điểm này, TS Việt đề xuất, cần có các chính sách giống như thời kỳ Covid-19 đó là tiền tệ liên quan đến khoanh nợ, hỗ trợ cho vay và giảm lãi suất và chính sách tài khóa liên quan đến miễn giảm hoãn các loại thuế. Hoặc trước đó, có nhiều gói hỗ trợ chưa thực hiện được thì có thể tính toán nguồn lực này hỗ trợ trực tiếp cho những hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh phục hồi sau lũ…Đồng thời với những giải pháp này là phải đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công và nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để dùng nguồn lực công hỗ trợ, bệ đỡ cho tăng trưởng.
Mời quý vị nghe nội dung cuộc trao đổi với TS Nguyễn Quốc Việt tại đây: