Là 1 trong những thợ rèn ở làng nghề Đa Sỹ, quận Hà Đông, Hà Nội, ông Nguyễn Công Trọng luôn phải thực hiện những công đoạn nguy hiểm. Chỉ cần sơ xẩy một chút là có thể dẫn đến tai nạn. Vậy nhưng ông chẳng bao giờ sử dụng bất kỳ một thiết bị bảo hộ lao động nào. Lý giải cho sự chủ quan này, ông Trọng cho rằng những người thợ như ông làm việc trong môi trường làng nghề đã vài chục năm rồi, tuy chỉ làm thủ công nhưng lại rất chuyên nghiệp nên khó có thể xảy ra tai nạn lao động.

Mặc dù làm công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nhiều lao động tại làng nghề Đa Sỹ như ông Trọng đều không sử dụng thiết bị bảo hộ lao động nào. Bên cạnh đó, khi được hỏi về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tự nguyện, nhiều người cũng chẳng hề quan tâm đến chính sách này. Ông Nghiêm Văn Kiên cho biết bản thân ông và nhiều anh em trong làng nghề không biết đến bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Nếu không may xảy ra tai nạn thì bản thân người lao động như ông sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí điều trị, còn chủ lao động cũng chỉ hỗ trợ phần nào. Ông Kiên nói vui, nếu nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí thì ông sẽ tham gia bảo hiểm.

Khó có thể lường trước những rủi ro, tai nạn trong quá trình làm việc. Nếu không may xảy ra tai nạn, người lao động sẽ thiệt thòi khi phải gánh chịu những hậu quả nặng nề. Thế nhưng, trên thực tế, không chỉ tại làng nghề Đa Sỹ mà nhiều làng nghề khác, tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là rất thấp. Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết dù Hiệp hội đã thường xuyên vận động người lao động giúp họ hiểu được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm tai nạn lao động khi thường xuyên phải lao động, sản xuất, kinh doanh ở những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn cao nhưng nhiều người vẫn còn thờ ơ và không muốn tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó cũng không có đơn vị nào hướng dẫn các thủ tục để tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với nhóm lao động trong khu vực lao động phi chính thức.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 60% lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, tương đương khoảng 34 triệu người. Số lao động này tự kiếm việc làm, không có hợp đồng và không tham gia bảo hiểm xã hội. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra do mất an toàn lao động trong khu vực này làm khoảng 1.400 người chết/năm. Ở khu vực có quan hệ lao động, Bộ luật Lao động cũng như các quy định hiện hành, Luật An toàn vệ sinh lao động đều nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc tổ chức các điều kiện về đảm bảo an toàn cho người lao động. Song với khu vực kinh tế phi chính thức, do không có hợp đồng, bản thân tự tạo việc làm nên vấn đề xác định ai chịu trách nhiệm, ai trang bị an toàn lao động là không hề đơn giản. Dù có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, góp phần lấp đầy khoảng trống thiếu hụt việc làm và thu nhập thế nhưng theo ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, trên thực tế các chính sách an sinh xã hội vẫn chưa bao phủ lên số đông người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức.

Theo các chuyên gia để lao động phi chính thức được tiếp cận với chính sách bảo hiểm cần có những quy định hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho lao động, hỗ trợ tài chính, giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; đẩy mạnh phát triển chương trình bảo hiểm xã hội tự nguyện trong khu vực kinh tế phi chính thức. Ngoài ra, cần khuyến khích khu vực phi chính thức chuyển đổi và tham gia vào các hoạt động kinh tế chính thức, góp phần tích cực đối với tăng trưởng kinh tế và cải thiện phúc lợi xã hội./.

Mời nghe chương trình tại đây: