Trong mọi giai đoạn phát triển, gia đình luôn giữ vai trò là nền tảng, là tế bào của xã hội, là môi trường đầu tiên và then chốt trong việc hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách, phẩm chất của mỗi con người, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số và phát triển nguồn nhân lực, hướng tới một quốc gia thịnh vượng.
Trải qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam dù đã có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch khẳng định, gia đình có một vị trí đặc biệt trong đời sống xã hội. Khi sơ kết Chỉ thị 49 của Ban bí thứ về công tác gia đình, cũng đã khẳng định xây dựng gia đình là một vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của thời đại. Đó là sự nuôi dưỡng trao truyền các giá trị truyền thống tốt đẹp, dạy dỗ con người luôn phải cần cù, lao động sáng tạo.
Trên thực tế, sự bền vững của gia đình luôn có mối quan hệ biện chứng với sự phát triển của xã hội. Nền tảng của một gia được xây dựng trên hệ giá trị về kinh tế, đạo đức, xã hội, về những phong tục tập quán tốt đẹp. Nếu nền tảng của gia đình không bền vững, các giá trị bị lung lay thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng và phát triển xã hội, đặc biệt là việc phát triển kinh tế của đất nước.
Cũng bởi lẽ đó mà hàng năm, Việt Nam luôn lựa chọn chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” cho Ngày Gia đình Việt Nam - 28/6 hàng năm nhằm tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình, gìn giữ và phát huy những ý nghĩa văn hóa, tinh thần đậm nét truyền thống Việt Nam.
“Gia đình như một hằng số đối với xã hội, truyền dạy những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Những giá trị đó là lòng yêu nước, tinh thần yêu dân tộc để hun đúc, xây dựng các giá trị bền vững của đất nước của quốc gia”. Khẳng định điều này, ông Quý cho rằng chúng ta cần phải quan tâm xây dựng giá trị bền vững của gia đình thì từ đó mới đạt được mục tiêu xây dựng xã hội phát triển thịnh vượng và phồn vinh. Còn khi một xã hội thu nhỏ là gia đình mà không bền vững và lung lay thì chắc chắn là xã hội lớn cũng sẽ khó có thể phát triển tốt đẹp, bền vững được.
Vai trò của gia đình là rất to lớn. Thứ nhưng, trước những biến đổi xã hội và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, gia đình Việt Nam đang phải đối diện với nhiều tác động tiêu cực của kinh tế thị trường. Trong đó, sự xuống cấp của một số mối quan hệ ứng xử văn hóa trong gia đình, đạo đức gia đình, đạo đức xã hội ngày càng trở nên nghiêm trọng. Bởi vậy, trong một bối cảnh như vậy thì giải pháp nào để xây dựng những gia đình “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh”, hướng tới một xã hội tốt đẹp?
Trả lời câu hỏi này, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình Khuất Văn Quý nhấn mạnh, trước hết cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường tuyên truyền các văn bản của Đảng của Nhà nước liên quan đến gia đình. Đặc biệt là những văn bản mang tính chất sát thực với các chức năng, nhiệm vụ của gia đình
Ngoài ra trong Luật hôn nhân gia đình năm 2014 cũng quy định rất rõ về trách nhiệm bổn phận của từng thành viên trong gia đình. Để một gia đình bền vững, hạnh phúc không chỉ trông chờ ở xã hội mà ngay trong mỗi gia đình, các thành viên cần phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo sự đoàn kết gắn bó. Đặc biệt trong thời kỳ công nghệ, các thiết bị điện tử nhiều, nếu mỗi người không quan tâm chú trọng thì dần dần mối quan hệ trong mỗi gia đình sẽ lỏng lẻo.
Gia đình tốt - xã hội tốt, không phải là trách nhiệm của riêng mỗi cá nhân, mỗi gia đình mà đây chính là ước nguyện, là khát vọng của tất cả người dân trong xã hội vì vậy tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm chung tay vun đắp và “thắp lửa” trong mỗi một tổ ấm để góp phần gìn giữ, xây dựng, vun đắp cho "ngôi nhà lớn" là quốc gia, văn minh, thịnh vượng.
Mời các bạn nghe nội dung cuộc trao đổi này ngay dưới đây.