Tại Đại hội lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã đưa chỉ số “hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội, mục tiêu là nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân qua các năm, phấn đấu đến hết nhiệm kỳ tăng chỉ số hạnh phúc lên 15%. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, có thể khẳng định, chỉ số hạnh phúc đã thực sự trở thành động lực, nền tảng tinh thần quan trọng, thể hiện quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở với mục tiêu “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”. Phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Đức Duy, Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Bí Thư tỉnh ủy Yên Bái về nội dung này:
Phóng viên VOV2: Thưa đồng chí, được biết, tỉnh Yên Bái đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh bằng việc ban hành 11 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, 80 nghị quyết, chỉ thị, quy định, đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy... Vậy sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2020 - 2025, Yên Bái đã đạt được những kết quả gì ?
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy: Vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo kết quả đánh giá sơ bộ, dự ước sẽ có 18/19 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Một chỉ tiêu còn lại thì cần phải tập trung chỉ đạo quyết liệt và có giải pháp tích cực để phấn đấu hoàn thành. Trong đó, nổi bật là :
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân từ đầu nhiệm kỳ đạt 7,86 %/ năm, đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, cao hơn mục tiêu nghị quyết Đại hội là 7,5% năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách nhà nước vượt cao so với dự toán Trung ương giao và tăng đều qua các năm. Giải ngân vốn đầu tư công đạt khá, luôn nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng.
Văn hóa - Xã hội được quan tâm chăm lo và có bước phát triển toàn diện. Chất lượng giáo dục và đào tạo, y tế không ngừng được nâng lên. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn đạt kết quả tích cực. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời đầy đủ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững. Đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Quốc phòng - An ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Năng lực lãnh đạo của cấp ủy, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Phóng viên VOV2: Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, thực hiện nghị quyết Đại hội thì tỉnh Yên Bái đã hoàn thành 18/19 chỉ tiêu, đứng thứ 13 trong số những tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ, là 1 trong 20 tỉnh mà tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất toàn quốc. Trong khi đó thì từ đầu nhiệm kỳ tới nay là giai đoạn rất khó khăn. Vậy, đâu là yếu tố dẫn đến thành công của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Yên Bái ?
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy: Để thực hiện điều này, tỉnh Yên Bái đã tập trung, chú trọng vào một số nội dung quan trọng sau:
Thứ nhất là không ngừng xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh; củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Thứ hai là bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh và các chủ trương, định hướng, nghị quyết của Trung ương, kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Thứ ba là quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả; đồng thời, khi có các yếu tố tác động, biến động lớn như là thiên tai, dịch bệnh thì linh hoạt, điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp với điều kiện thực tiễn để đạt được mục tiêu đã đề ra. Chúng tôi hay dùng một câu để nói về phương châm đó là kiên định về mục tiêu nhưng linh hoạt về giải pháp.
Thứ tư là đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị. Đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương, tinh thần “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”, nhất là người đứng đầu, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm.
Thứ năm là huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, cùng với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp để trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội.
Thứ sáu là đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội các cấp. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, giá trị bản sắc văn hóa, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Phóng viên VOV2: Yên Bái là Đảng bộ đầu tiên và duy nhất trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 đưa mục tiêu xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân vào Nghị quyết Đại hội. Với cách làm chắc chắn, thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, việc triển khai thực hiện mục tiêu xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân đã đạt được những kết quả ra sao, thưa đồng chí?
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy: Là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa vào Nghị quyết Đại hội việc xây dựng và thực hiện bộ chỉ số hạnh phúc, Yên Bái xác định quan điểm không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện, kể cả phương pháp đo lường và bộ tiêu chí đánh giá, trên cơ sở nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm của quốc tế và có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Trên cơ sở bộ chỉ số đo lường đã ban hành, hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh Yên Bái đều ban hành Kế hoạch nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân và chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp, cách làm hay, thiết thực và đã mang lại kết quả rất tích cực. Các phong trào như xây dựng gia đình hạnh phúc, tổ dân phố hạnh phúc, khu dân cư hạnh phúc, trường học hạnh phúc, xã hạnh phúc, huyện hạnh phúc... đã trở thành rất phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh.
Năm 2022, thông qua cuộc khảo sát quy mô lớn với 12.320 phiếu đánh giá, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 62,57%, ở mức 2 là mức khá hạnh phúc, vượt 1,37% so với kế hoạch năm và tăng 9,47% so với đầu nhiệm kỳ, vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội đề ra là bình quân mỗi năm tăng khoảng 3%/năm. Thực ra, chúng ta nói chỉ số hạnh phúc thì nghe có vẻ hơi mông lung. Tuy nhiên, nó là những tiêu chí rất cụ thể, đó là đời sống vật chất, đời sống văn hóa, tinh thần và việc chăm sóc sức khỏe. Tất cả những yếu tố đó được cải thiện thì người dân sẽ cảm thấy cuộc sống vui tươi hơn, hạnh phúc hơn.
Phóng viên VOV2: Dù đã có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên khó khăn đặt ra cũng không phải là ít, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh nửa nhiệm kỳ còn lại, Yên Bái đã đề ra các giải pháp đột phá nào, thưa đồng chí ?
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy: Tỉnh Yên Bái đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó có những nội dung cốt lõi:
Thứ nhất là tiếp tục rà soát, đánh giá để tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kịp thời, đồng bộ quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn để phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong từng năm, tạo tiền đề vững chắc để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong cả nhiệm kỳ.
Thứ hai là tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tích cực đấu tranh phòng ngừa, chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng tiêu cực.
Thứ ba là tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy và quy hoạch tỉnh, quyết tâm đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Tập trung huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, tạo động lực mạnh mẽ, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của vùng và liên vùng.
Thứ tư là phát triển kinh tế hài hòa với văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường; chăm lo phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc cho người dân.
Thứ năm là thực hiện hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chiến lược pháp luật của Đảng, Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc; không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang tỉnh, đáp ứng với yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phóng viên VOV2: Thưa đồng chí, từ thực tế nửa nhiệm kỳ vừa qua, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Yên Bái còn có những khó khăn gì cần đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách để địa phương thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cũng như nghị quyết của Đảng bộ tỉnh từ nay đến 2025?
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy: Cũng như các địa phương khác, chúng tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay, nhất là pháp luật liên quan đến quy hoạch, đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, lâm nghiệp... Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, ủy quyền cho các địa phương trong việc giải quyết một số thủ tục hành chính. Ví dụ như Quyết định chủ trương đầu tư các khu công nghiệp; chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng... Ngoài ra, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng Trung du và miền núi phía Bắc theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, trong đó có tỉnh Yên Bái.
Hai là Trung ương sớm ban hành đầy đủ cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/09/2021 của Bộ Chính trị; khắc phục tình trạng hiện nay đang có một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, e dè khi thực hiện nhiệm vụ được phân công, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Ba là Chính phủ quan tâm điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu phục hồi và tăng trưởng kinh tế với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, tiếp tục có chính sách, giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp lĩnh vực nông, lâm nghiệp để phục hồi và phát triển, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
Phóng viên VOV2: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV2, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Mời quý vị và các bạn nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn giữa phóng viên VOV2 và đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tại đây: