Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban chỉ đạo. Các bộ, cơ quan liên quan đã tập trung xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết. Các địa phương đã nhận thức, tổ chức triển khai, quán triệt về các cam kết COP26 thông qua thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...Các doanh nghiệp bước đầu đã nghiên cứu và giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch, thực hiện các mô hình phát triển kinh tế cacbon thấp. Một số tập đoàn đa quốc gia sẵn sàng hợp tác với các cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” (Net-zero) trong các hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Vũ Quốc Anh, Quản lý dự án của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Điều phối Liên minh Hành động vì khí hậu, cho rằng cam kết Net - zero là bước ngoặt rất lớn cả về mặt chính trị và triển khai hoạt động ở cấp địa phương, cũng như cấp Bộ ngành, các đối tác tại Việt Nam.

"Ngay sau tuyên bố tại COP26, chính phủ Việt Nam có nhiều đối tác nước ngoài, tổ chức phi chính phủ đã cùng đồng hành xây dựng chương trình, hỗ trợ trực tiếp Chính phủ triển khai mục tiêu Net-zero về lĩnh vực giảm phát thải trong 5 lĩnh vực thuộc NDC của Việt Nam. Trong đó, tái chế rác, thu hồi rác có các nhà đầu tư tư nhân cả quốc tế và trong nước đang tập trung thu hồi và phát điện từ rác để giảm phát thải" - ông Quốc Anh chia sẻ.

Cam kết Net-zero đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, hỗ trợ quốc tế dành cho Việt Nam, cũng như đặt ra nhiệm vụ xem xét và cập nhật các chính sách, chiến lược quốc gia trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có kinh tế tuần hoàn. Ông Vũ Quốc Anh cho rằng, kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng để đạt được mục tiêu đã cam kết. "Vì vậy cam kết chính trị được đưa ra, các chính sách liên quan cả về mặt môi trường, nông nghiệp, sản xuất đều tập trung vào mảng phát triển tuần hoàn để thúc đẩy giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải, tiêu dùng xanh. Tái chế và sử dụng rác là giải pháp hết sức hiệu quả".

Mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích như giúp giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị; tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí xử lý; giảm thiểu khai thác và tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên; hạn chế tối đa việc phát thải khí thải, chất thải rắn ra môi trường. Cùng với đó, xã hội sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trong quản lý, bảo vệ môi trường, tạo ra thị trường mới, cơ hội mới, việc làm mới, nâng cao sức khỏe cho người dân. Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết đây cũng là hướng đi của nước ta trong những năm qua.

"Việt Nam đã sớm ban hành và nhận thức được kinh tế tuần hoàn trong lộ trình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong đó có mục tiêu Net-zero. Luật bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về kinh tế tuần hoàn, Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án kinh tế tuần hoàn và cũng giao Bộ Tài nguyên - Môi trường xây dựng kế hoạch quốc gia về kinh tế tuần hoàn, các địa phương cũng đang xây dựng dự thảo đề án kinh tế tuần hoàn phù hợp với địa phương, tương tự các ngành như: công thương, nông nghiệp, giao thông vận tải xây dựng cũng có giải pháp cụ thể để áp dụng mô hình này trong giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên" - Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp phân tích các giải pháp cụ thể.

Tại Hội thảo “Lộ trình và giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu Net- zero của Việt Nam” do Viện Địa lí nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đáp chỉ ra thách thức của việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn cần phải có nền tài chính ban đầu, hay còn gọi là tài chính xanh. "Lợi ích của kinh tế tuần hoàn chúng ta đều biết. Phát triển xanh sạch đi cùng với nó là chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, đó là lý do mà chúng ta khơi thông nguồn tài chính xanh phục vụ doanh nghiệp, địa phương, ngành, chuyển đổi từ kinh tế nâu sang kinh tế xanh, đó là bước đầu tiên để thực hiện kinh tế tuần hoàn"..

Do vậy, các chuyên gia kiến nghị cần xây dựng cơ chế khuyến khích việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy, tham gia hợp tác quốc tế hiệu quả trong các hiệp định và cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu và phát triển xanh;) tập trung xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn ở một số ngành, lĩnh vực thành công để làm cơ sở phổ biến, nhân rộng; cùng với đó, hỗ trợ tiếp cận theo phương thức đầu tư hợp tác công tư nhằm huy động tối đa nguồn lực các bên liên quan./.

Nghe chương trình tại đây: