Năm 2021 - những cuộc “hồi hương” về quê tránh dịch đã tạo ra áp lực rất lớn về việc làm, an sinh không chỉ đối với người lao động, mà còn với các cấp chính quyền sở tại. Nhưng đến thời điểm này khi dịch bệnh tạm lắng xuống, trở về với trạng thái bình thường, nỗi lo ấy đang phần nào được giải tỏa, khi nhiều người đã tìm được việc làm, ổn định cuộc sống tại quê nhà.

Muôn nẻo mưu sinh

Gần một năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại những ngày tháng dịch bệnh vạ vật nơi đất khách quê người, không công ăn việc làm, nhốt mình trong căn phòng trọ chật chội ẩm thấp, anh Lê Xuân Vân, thôn Hòa Lâm, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa vẫn lắc đầu ngao ngán.

“Khi dịch xảy ra, rồi phải giãn cách xã hội, chỉ nằm một chỗ không công ăn việc làm trong khi tiền thì vẫn phải tiêu nên những ngày tháng đó đúng là ám ảnh, thiếu thốn trăm bề. May mắn là cũng được nhiều người hảo tâm hỗ trợ gạo, thức ăn nên vượt qua”, anh Vân kể lại.

Chán cảnh nằm không và thụ động chờ sự giúp đỡ, anh Vân quyết định theo dòng người hồi hương về quê tránh dịch. Muôn nẻo mưu sinh, quay về nơi chôn rau cắt rốn, trong lòng anh Vân khi đó cũng ngổn ngang những tâm tư. Trên vai anh là nỗi lo cơm áo gạo tiền, là sự hoang mang, khi tất cả dường như trở về vạch xuất phát. Kết thúc thời gian cách ly, anh Vân nộp hồ sơ xin việc vào một số doanh nghiệp trên địa bàn nhưng không có đơn vị nào tiếp nhận. Sẵn có nghề điện nước trong tay, nhà lại sát mặt đường nên anh mạnh dạn vay vốn ưu đãi về mở cửa hàng bán đồ điện tử và nhận thi công điện nước. Túc tắc gây dựng, đến nay sau gần một năm, cửa hàng điện tử của gia đình anh đã đầy đủ các mặt hàng và nghề thi công điện nước cũng ngày càng nhiều việc hơn.

Anh Vân tâm sự: “Khi đến cửa hàng thấy có đầy đủ, cần gì mình đáp ứng yêu cầu của khách hàng thì tự khắc họ tin tưởng và giới thiệu cho nhiều người khác, giờ ngày càng đông khách”. Nhìn “cơ ngơi”, sau một năm khởi nghiệp dẫu chưa thể bề thế, hoành tráng, nhưng chỉ bằng một phép tính cộng, trừ đơn giản, anh cũng chỉ ra được vài "cái hơn" khi ổn định cuộc sống nơi quê nhà: Đó là không mất tiền thuê nhà, không mất tiền tàu xe đi lại, được gần vợ con, chăm sóc cho gia đình….Cân nhắc cái được-mất, anh Vân khẳng định "như đinh đóng cột": cuộc sống mưu sinh xa quê không bao giờ là lựa chọn của anh nữa.

“Tôi sẽ bám trụ ở quê hương thôi, với cả bây giờ đầu tư vào cửa hàng rất nhiều tiền vốn rồi thì mình phải dành thời gian để phát triển, làm giàu”. Trải lòng này của anh Lê Xuân Vân cũng là suy nghĩ của anh Lê Hữu Hùng ở thôn Hồng Kỳ, xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. Tháng 8 năm ngoái, khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, mất việc làm, không nguồn thu nhập, anh Hùng nhận được rất nhiều lời khuyên của người thân, của bạn bè, nên quay về quê để tìm cơ hội mới. Bao năm bươn trải khắp nơi, giờ phải lựa chọn ở hay về, với anh Hùng chẳng thể dễ dàng.

“Mình đi làm thuê khắp nơi, cũng có đồng ra đồng vào, cho con cái ăn học, giờ về quê không biết có việc gì làm để nuôi gia đình không?”. Đắn đo, trăn trở nhưng cuối cùng, anh cũng lựa chọn bỏ phố để về quê. Kết thúc thời gian cách ly, anh Hùng xoay xở tìm một vài công việc tạm thời để lo trang trải hàng ngày. Đến khi dịch bệnh ổn định, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh quyết định ở lại quê, mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội về đầu tư phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Ngoài ra, anh Hùng còn nộp hồ sơ xin vào làm công nhân của công ty mía đường ngay gần nhà. Bận rộn sớm hôm, nhưng khi nhẩm tính tổng thu nhập hàng tháng, anh cũng cầm trong tay từ 10 đến 15 triệu. Tuy không bằng mức lương đi làm ăn xa trước đây, nhưng đổi lại anh không phải mất tiền thuê nhà, tiền tàu xe đi lại và cái được hơn cả là gần vợ, gần con, chăm lo cho gia đình.

Quê hương là chốn tìm về

Ông Cầm Bá Quyền, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Thường Xuân cho biết, với đặc thù của một huyện nghèo 30A, nhiều năm nay, Thường Xuân luôn là địa phương có đông lao động rời quê đi làm ăn ở các tỉnh, thành khác trong cả nước. Đợt dịch năm ngoái, Thường Xuân đã đón nhận hàng nghìn lao động từ các tỉnh trở về.

Với quyết tâm không để người lao động nào bị bỏ lại phía sau, huyện lập tức triển khai nhiều cách thức trợ giúp khác nhau để người dân ổn định cuộc sống trước mắt.

Lúc đầu trở về hầu hết số lao động này đều mang tâm lý lo ngại. Không chỉ vì nỗi lo dịch bệnh mà gánh nặng cơm áo, cuộc sống mưu sinh mới khiến họ trăn trở hơn cả. Nhưng với sự trợ giúp kịp thời của chính quyền địa phương, họ cũng phần nào yên tâm, ông Cầm Bá Quyền chia sẻ.

Thế nhưng, ngoài những giải pháp trước mắt thì về lâu dài cần làm gì để tạo việc làm ổn định cho người lao động trở về là một bài toán gây áp lực rất lớn cho chính quyền địa phương. Với số lượng hàng nghìn người lao động từ các tỉnh, thành phố trở về, dẫu không thể giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn khảo sát và kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn giúp người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp. Đặc biệt, huyện Thường Xuân còn mở các lớp dạy nghề; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện thuận lợi để người dân vay vốn, thực hiện mô hình kinh tế như chăn nuôi, trồng cây ăn quả.

Theo anh Lê Xuân Vân, khi từ bỏ ước mơ nơi đô thị để trở về quê hương, về với người thân trong lòng luôn nặng trĩu những tâm tư nhưng với sự yêu thương, đùm bọc của cả cộng đồng, những lao động hồi hương như anh cũng bớt đi âu âu lo, tạm quên đi bao vất vả, cơ cực để tìm cơ hội mới. Không những thế, từ ngày xây dựng nông thôn mới, cơ sở vật chất, đường xá ngày càng khang trang, sạch đẹp thuận lợi cho việc giao thương.

Ở quê nhưng giờ là nơi đáng sống nhất, đầy đù hết mọi thứ, nhu cầu của người dân ngày càng tăng cao nên mình làm bất cứ dịch vụ gì cũng phát triển….Có đi xa, có gặp biến cố thì mới thấy, quê hương vẫn là chốn tìm về, không bao giờ lo đói cả. Rời xa đô thị, quên dần nhịp sống mưu sinh vội vàng, có lẽ không chỉ anh Vân mà còn biết bao người lao động hồi hương khác cũng đang từng ngày chắt nhặt ngọt ngào nơi miền quê. Bởi với họ đó mới là chốn bình yên nhất…