Nhà sản xuất tự tái chế được là tốt nhất

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mục đích của Quy định "Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất" (EPR) không phải là thu tiền của doanh nghiệp. Ông Hùng giải thích: "Mục tiêu là thúc đẩy tái chế, hình thành doanh nghiệp tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường. Tiền đóng góp này dùng để hỗ trợ trực tiếp vào tài chế".

Trong rất nhiều hội thảo với các Hiệp hội, doanh nghiệp và báo giới, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: "Tiền này không phải tiền thuế, phí, thu ngân sách mà là nhà sản xuất gửi vào đây sẽ được dùng hỗ trợ hoạt động tái chế. Đây là khoản tự nguyện nhằm khuyến khích nhà sản xuất tự tái chế mà chỉ khi nhà sản xuất tự tái chế thì mới tối ưu hóa lợi ích cho chính họ".

Như vậy, việc đóng tiền vào quỹ bảo vệ môi trường là giải pháp cuối cùng. "Thực ra, nhiều nhà sản xuất đã đề nghị chi phí đóng góp phải cao hơn chi phí tái chế thông thường, để nhà sản xuất tự tái chế, tự tối ưu hóa" - ông Hùng chia sẻ.

Ngoài tự nguyện còn có bắt buộc đóng góp

Sẽ có thêm hai dòng tiền chảy vào quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam theo điều 54 và 55 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Điều 54 quy định trách nhiệm tái chế, để đạt được tỉ lệ tái chế bắt buộc doanh nghiệp có thể tự tái chế hoặc tự nguyện đóng tiền vào Qũy. Điều 55 bắt buộc doanh nghiệp phải đóng một khoản tiền hỗ trợ thu gom, xử lý những sản phẩm khó thu gom và tái chế.

Theo Phụ lục kèm theo Nghị định 08 sẽ có 13 loại sản phẩm, bao bì phải đóng góp tài chính như bao bì thuốc bảo vệ thực vật, pin dùng một lần, kẹo cao su, tã lót, bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần, thuốc lá…Cách tính mức đóng góp cũng đã được Bộ nêu rõ trong chương 6, điều 81 của Nghị định. Thậm chí ông Phan Tuấn Hùng kỳ vọng “tiền đóng sẽ giảm theo các năm thậm chí không đóng”.

Ông Fausto Tazzi -Tổng GĐ Công ty Lavi Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam cho rằng việc thực hiện EPR của mỗi nước là khác nhau. Thế nhưng việc đóng góp tài chính vào quỹ bảo vệ môi trường là điểm mới. "Chính sách phải hài hòa với doanh nghiệp, làm thế nào có một hệ thống đủ hấp dẫn để doanh nghiệp tham gia"- ông Fausto nói.

Bà Dương Thị Phương Anh - PGĐ Quỹ bảo vệ môi trường VN cho biết, Quỹ đã họp và có sự chuẩn bị để điều phối, sử dụng nguồn quỹ doanh nghiệp đóng góp thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất sao cho hợp lý.

Theo đó, mức đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải được điều chỉnh 5 năm một lần, tăng dần theo yêu cầu bảo vệ môi trường.

Nghe bài viết tại đây: