Gia đình ông bà Phan Chi- Hoàng Tú ở số nhà 11- ngõ 749 phố Nguyễn Khoái, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội nhiều năm qua là gia đình văn hóa của tổ dân phố. Bởi ông bà Phan Chi luôn giữ tổ ấm hạnh phúc, xây dựng gia đình ấm no, con cháu thảo hiền. Bên cạnh đó, bà Chi luôn gương mẫu trong các phong trào của tổ dân phố, trong đó có việc giữ gìn môi trường xanh, sạch bằng cách phân loại rác tại nguồn. “Gia đình tôi xác định được tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn nên đã cố gắng thực hành mỗi ngày để thành thói quen, việc xử lý rác cũng sẽ thuận lợi hơn”, bà Chi bày tỏ.

Gia đình bà Chi có 4 người lớn và 1 cháu nhỏ, lượng rác thải hàng ngày cũng khá lớn. Việc chợ búa, cơm nước do con dâu bà Chi đảm nhận và do được tuyên truyền về tác hại của túi nilon, bà thường bảo con dâu dùng làn đi chợ, còn rác thải trong sinh hoạt như thực phẩm thừa, các loại vỏ hoa quả, rau củ cho vào thùng nhựa ủ làm nguyên liệu bón cây. “ Đồ nhựa, túi nilon, vỏ củ quả phân loại riêng. Khi mà nhân viên vệ sinh đến thì giao cho họ các túi riêng đó", bà Chi bật mí cách phân loại rác của gia đình mình.

Bên cạnh ý thức phân loại rác thải từ bếp gia đình, bà Chi còn tích cực tham gia cuộc vận động bảo vệ môi trường xanh do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố phát động. Bà đại diện cho Hội phụ nữ phường Thanh Trì gửi bài tham dự cuộc thi “Phụ nữ Hoàng Mai hành động vì môi trường xanh”, với 3 tấm ảnh chụp triền đê Nguyễn Khoái đầy màu xanh cây cỏ do phụ nữ và người dân tổ dân phố 11 phường Thanh Trì tích cực vun trồng. Trước kia, dọc con đê chưa được cải tạo chứa đầy rác thải, ô nhiễm môi trường một cách trầm trọng, ngày nay nhờ bàn tay chăm sóc và ý thức giữ gìn môi trường của người dân, triền đê này đã trở thành một đường hoa xanh sạch đẹp của phường Thanh Trì.

Phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thuộc khu vực phát triển du lịch, là một phần của “Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm”. Phường có 5 tổ dân phố trong đó có nhiều di tích lịch sử, khách sạn, nhà hàng đặc biệt có đông người bán hàng rong, vì thế vấn đề vệ sinh môi trường ở đây được chính quyền rất quan tâm.

Gia đình chị Trần Thị Quỳnh Như ở số nhà 2 phố Lương Văn Can là một trong các hộ gia đình thuộc phường Hàng Trống. Nắm bắt được những đặc điểm của địa bàn nơi mình sinh sống nên chị Như đã có ý thức bảo vệ môi trường ngay từ gia đình. Tuy nhiên chị cũng không đồng tình với những hành vi hủy hoại môi trường của một số hộ dân trong khu phố. “Nhiều người dân còn chưa ý thức trong việc xả rác, họ cứ hồn nhiên vứt rác ra ngoài đường để sạch nhà họ. Những túi rác vứt đầy phố tạo thành chân rác rất mất vệ sinh và mỹ quan đô thị”- chị Như bức xúc.

Theo chị Như, việc đầu tiên để giúp cho môi trường không bị ô nhiễm thì cần phải phân loại rác thải ngay từ gia đình. “Bản thân tôi chia làm 3 loại rác: hữu cơ, rác vô cơ, túi nilon, vỏ mì ăn liền, cốc, thìa dùng 1 lần, chai nước uống nhựa, bát đĩa nhựa bị hỏng...Phụ nữ thường làm công việc bếp núc, cũng là những thải rác từ bếp ăn của gia đình mình, vì thế tôi luôn ý thức phân loại rác”- chị Như bày tỏ quyết tâm.

Để góp phần bảo vệ môi trường nơi gia đình mình sinh sống, đồng thời hưởng ứng phong trào phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon tầm nhìn đến 2025 trên địa bàn TP. Hà Nội, chị Như dành thời gian đến các hộ gia đình trong tổ dân phố để khảo sát thói quen vứt rác của các chị em, từ đó chị viết bài tham luận đề cập lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn. Với những tâm huyết dành cho hoạt động phân loại rác thải, chị đã giành giải thường trong cuộc thi bảo vệ môi trường do phường Hàng Trống tổ chức.

Với suy nghĩ phải làm gì để giữ cho Thủ đô xanh, sạch, chị Như đã cùng tổ trưởng, tổ phó, Chi hội phụ nữ, Chi hội Chữ Thập đỏ, Đoàn thanh niên… lập nhóm nòng cốt tham gia hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân, qua đó nhiều hộ gia đình ủng hộ và chấp hành việc phân loại rác tại nguồn.

Rác loại 1 gồm rác hữu cơ (dễ phân hủy) thì được đổ theo giờ thu gom, rác loại 2 là bìa giấy, bìa carton. Sau khi phân loại đúng, người dân có thể mang đem đổi lấy quà tại “Điểm thu gom rác tái chế” ở vỉa hè số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Còn rác loại 3 là rác thải nhựa giá trị thấp được làm sạch, khô cho vào túi buộc gọn gàng giao cho công ty Urenco Hoàn Kiếm thu gom hàng ngày, hàng tuần.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm thực tế, chị Như cho rằng, cần khuyến khích cá nhân thực hiện tốt việc phân loại rác cũng như sớm có chế tài xử phạt cá nhân, hộ gia đình vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. “Tôi thấy xử phạt và việc khuyến khích thì nên thực hiện song song. Đồng thời là khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường như dùng làn đi chợ, sử dụng ống hút giấy, túi ni lon thân thiện môi trường. Muốn cho người dân thực hiện tốt phân loại rác thải thì phải thường xuyên tuyên truyền vận động” - chị Như bày tỏ.

Phân loại rác tại nguồn đem lại nhiều lợi ích góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiểu chi phí xử lí rác thải, vì thế cần lan tỏa nhiều hơn nữa những nhân tố tích cực, qua đó nâng cao ý thức của những cá nhân, hộ gia đình trong cộng đồng./.