Đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây, đồng thời có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Do đó, các đại biểu đều bày tỏ ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cuộc sống.

Đại biểu Lâm Văn Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong thời gian 1 tháng vừa qua, các địa phương đều thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong việc triển khai lấy ý kiến về các dự thảo nghị định liên quan đến việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản áp dụng sớm hơn 5 tháng, tức là có hiệu tực thi hành từ 1/8/2024. Điều đó cho thấy quyết tâm của Chính phủ và các địa phương để chuẩn bị các nghị định hướng dẫn liên quan đến các Luật này.

Trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phân tích rất cụ thể về sự cần thiết, lợi ích của việc đẩy lên sớm trước 5 tháng của 3 Luật trên, giúp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về đất đai hiện nay ở các địa phương. Đặc biệt, giúp giải phóng được nguồn lực đất đai, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư công.

“Mong muốn Luật sớm đi vào cuộc sống, khơi thông các nguồn lực của Quốc gia về đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản để phát triển kinh tế, xã hội”, đại biểu Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, nhiều điểm mới của Luật Đất đai khi ban hành sẽ giúp địa phương tháo gỡ được nhiều vướng mắc, thực hiện được các nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số. “Từ trước đến nay đối với đồng bào dân tộc thiểu số hầu như đất ở hay đất sản xuất đều không được cấp sổ đỏ cũng như chứng nhận của chính quyền địa phương, Nếu Luật Đất đau 2024 sớm được đưa vào thực tiễn ngày nào sẽ giải quyết được cho đồng bào về đất ở, đất sản xuất cũng như cấp sổ đỏ cho đồng bào thì đây là điều đồng bảo rất mong mỏi.”

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng chỉ ra nhiều lợi ích khi Luật Đất đai sớm có hiệu lực thi hành. “Trong Luật Đất đai có rất nhiều chính sách có lợi cho người dân, doanh nghiệp, khơi dậy nguồn lực đất đai để phục vụ phát triển của đất nước. Ví dụ như chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, trong đó đưa ra những quy định đầy đủ, cụ thể với tinh thần thực hiện chỉ đạo tại Nghị quyết 18 của Trung ương là nơi ở mới phải bằng, hoặc hơn nơi ở cũ. Theo đó, Luật đã cụ thể hoá các tiêu chí cụ thể như tái định cư ở đô thị thì phải đạt tiêu chí của đô thị, tái định cư ở nông thôn phải đạt tiêu chí của nông thôn mới, nơi tái định cư phải đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…”

Về nội dung đánh giá tác động, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, cơ quan được giao là Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với Bộ Xây dựng đã có các bộ hồ sơ đánh giá tác động đầy đủ, tác động tốt, hiệu quả nếu luật có hiệu lực sớm. Vì luật có hiệu lực sớm sẽ giải quyết các tồn đọng, vướng mắc. Như việc người dân đang rất mong chờ Luật có hiệu lực để được cấp giấy sử dụng đất với những thửa đất không tranh chấp, vi phạm pháp luật từ 1/7/2014 trở về trước, làm sớm ngày nào, người dân được hưởng lợi ngày đó. Hay có nhiều địa phương xin thí điểm việc phân cấp phân quyền, chuyển đất lúa, đất rừng từ 10ha phải trình lên Chính phủ còn giờ phân cấp cho địa phương, thủ tục hành chính được rút ngắn và trong thẩm quyền cho địa phương. Như vậy thu hút, giải quyết các dự án đầu tư và khơi dậy được nguồn lực đất đai.

Để Luật Đất đai 2024 được triển khai hiệu quả từ ngày 1/8/2024, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh việc xây dựng các nghị định hướng dẫn chi tiết cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến luật cho các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, kiều bào người Việt Nam ở nước ngoài nắm và hiểu rõ hơn về những điểm mới của Luật./.