Theo báo cáo của Chính phủ đánh giá những tháng đầu năm 2023, bình quân một tháng có khoảng 19.200 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa gặp khó mà còn cả những doanh nghiệp lớn cũng đối diện với tình trạng hạn chế đơn hàng, áp lực trả nợ lớn nên phải ngưng hoạt động, giải thể hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp. Hệ lụy là người lao động mất việc, thất nghiệp, giãn việc đang diễn ra tại nhiều khu công nghiệp. Trong số đó, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Thị trường lao động biến động - hàng trăm nghìn lao động bị ảnh hưởng việc làm

Theo báo cáo xu hướng triển vọng việc làm và xã hội thế giới 2023 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì năm 2023 hầu hết các quốc gia sẽ không thể phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch Covid-19, việc làm toàn cầu được dự báo chỉ tăng 1%, giảm đáng kể so với tốc độ tăng việc làm 2,3% của năm 2022.

Còn ở Việt Nam, theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm nay, số lao động bị mất việc lên tới gần 280,000 người, chiếm khoảng 55% tổng số lao động bị ảnh hưởng. Trong khi số lao động bị giảm giờ làm khoảng 195.000 người, hơn 17.000 người phải nghỉ việc không lương và hơn 8.300 người bị tạm hoãn hợp đồng.

Doanh nghiệp thuộc vùng Đông Nam Bộ bị cắt giảm lao động lớn nhất; sau đó đến doanh nghiệp thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình quản trị của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhận định, diễn biến của thị trường lao động thời gian vừa qua đang chủ yếu tập trung vào một số ngành thâm dụng lao động như dệt may da giày, chế biến gỗ, sản sản xuất và lắp ráp các linh kiện điện tử….Tuy nhiên theo bà Hương, những con số thống kê của các cơ quan chức năng thời gian vừa qua cũng mới chỉ tập trung vào nhóm lao động có quan hệ lao động. Trong khi đó số lượt người lao động ở khu vực phi chính thức bị ảnh hưởng bởi sự xáo trộn của nền kinh tế cũng tương đối lớn thì gần như chưa có một cuộc khảo sát chính thức nào.

Chẳng hạn rất nhiều lao động phi chính thức làm việc xung quanh các khu công nghiệp và nhà máy, những người bán hàng ăn uống hay thực phẩm…Đây là nhóm lao động cũng bị giảm sút thu nhập khá nặng nề. Bởi vậy rất cần có thêm những khảo sát về tác động đối với những nhóm lao động phi chính thức này, bà Hương đề xuất.

Cũng theo thông tin từ bà Hương, năm 2022 tổ chức Oxfam hợp tác với Viện Công nhân công đoàn của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tiến hành một nghiên cứu về về mức lương, điều kiện làm việc và mức sống của người lao động trong ngành dệt may, da giày trước và sau covid- 19. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy tới 58% người lao động được khảo sát đều khẳng định không có chút tích lũy nào khi làm rất nhiều năm trong ngành dệt may da giày. Số còn lại phải rất tằn tiện thì họ mới có một chút tiết kiệm, phòng ngừa rủi ro.

“Chính điều này khiến cho người lao động rất dễ “bị tổn thương” nếu không may gặp các biến cố về kinh tế xã hội ở mức độ diện rộng hoặc chỉ đơn giản là những thay đổi ở cấp độ gia đình như ốm đau, tai nạn bệnh tật thì họ cũng không đủ kinh tế để duy trì cuộc sống”.

Bên cạnh đó, một khảo sát khác của Oxfam phối hợp với Website Việc làm nhà máy của Công ty Santa về nhu cầu chuyển đổi việc làm của công nhân sang ngành khách sạn, du lịch cũng cho thấy, tới 83% số người tham gia khảo sát đang không có việc làm hoặc muốn chuyển việc đều có nhu cầu đào tạo chuyển đổi nghề.

Cũng từ những nghiên cứu mà Oxfam tiến hành, bà Nguyễn Thu Hương chỉ rõ, trong nhiều năm qua, Việt Nam phát triển với một thế mạnh là có lực lượng dân số trẻ, đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước. Thế nhưng do mức lương tối thiểu của Việt Nam thấp, không đủ sống khiến cho mức thu nhập của người lao động trong các ngành thâm dụng lao động vô cùng chật vật, dễ bị rơi vào nghèo đói. Trong khi đó hệ thống đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm của Việt Nam chưa phát huy được đầy đủ hiệu quả để tạo việc làm mới, kết nối người lao động với các doanh nghiệp.

Cần các chính sách an sinh xã hội kịp thời - bao trùm, toàn diện

Trước thực trạng người lao động bị mất việc làm, bị giảm giờ làm tăng cao như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải có một gói an sinh xã hội để giúp người lao động ứng phó trước các rủi ro và ổn định đời sống cả trước mắt và lâu dài.

Tuy nhiên, điều cần nhất lúc này là các địa phương phải có thống kê cụ thể tình hình mất việc, phân loại mất việc để báo cáo các bộ, ngành, Chính phủ từ đó đưa ra một phương án phù hợp.

Bà Nguyễn Thu Hương cho rằng, cần thiết phải có một gói an sinh hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước tình trạng đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng như thời gian vừa qua.

“Chính phủ phải huy động được sự tham gia của các bên và sáng kiến của các tổ chức trong việc giải quyết những khó khăn này, bà Hương khuyến nghị.

Trên thực tế, các chính sách an sinh xã hội luôn có mối liên hệ với việc xây dựng phát triển một thị trường lao động tạo việc làm đầy đủ, thu nhập ổn định, bền vững cho người lao động. Bởi vậy, theo bà Hương khi thiết kế các chính sách an sinh Việt Nam cần hướng tới sự phát triển bền vững bao trùm, đảm bảo được ba yếu tố: Phòng ngừa rủi ro, khắc phục rủi ro và chủ động ứng phó với rủi ro.

Bà Hương nhấn mạnh: “Cần đảm bảo hệ thống an sinh xã hội đa tầng, tức là tất cả người dân được bảo vệ trong suốt vòng đời từ khi sinh ra cho đến khi chết đi. Đây cũng là khuyến cáo của Tổ chức ILO”.

Trước tình trạng lao động mất việc gia tăng, mới đây, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 15 mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ nghiên cứu và triển khai xây dựng quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó với những rủi ro đột ngột. Việc thiết lập quỹ dự phòng sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Nói về đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động là một trong những vấn đề lớn. Vì vậy, để thành lập cần phải có đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, xem căn cứ như thế nào, hiệu quả ra sao và báo cáo cấp có thẩm quyền. Thậm chí, để thành lập được quỹ này cần phải báo cáo Quốc hội có cho phép hay không.

Còn theo quan điểm của bà Nguyễn Thu Hương, hiện tại chúng ta đang có quỹ bảo hiểm xã hội, (gồm cả quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ hưu trí và các quỹ khác nhau) thì liệu xây dựng thêm một quỹ dự phòng an sinh xã hội có cần thiết?

“Cần cân nhắc kỹ về việc xây dựng quỹ này. Quan trọng nhất vẫn phải là cải tổ hệ thống an sinh xã hội hiện tại để tạo ra lưới an sinh gồm nhiều tầng, nhiều lớp cho tất cả các thành viên xã hội phòng trong trường hợp bị giảm, bị mất thu nhập hay gặp phải những rủi ro khác mọi người đều có thể chủ động ứng phó, bà Hương nhấn mạnh.