Nghề công tác xã hội ở Việt Nam chính thức được công nhận từ năm 2010 sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32 ngày 25/3 về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020.

Ngành Công tác xã hội ra đời với sứ mệnh giúp đỡ con người: cá nhân, gia đình và cộng đồng, hàn gắn những rạn nứt của xã hội trong quá trình phát triển, giảm thiểu sự bất bình đẳng xã hội và hướng tới sự phát triển bền vững, nhân văn và nhân ái. Công tác xã hội với trẻ em là một phần trong các lĩnh vực chuyên biệt của ngành công tác xã hội với mục tiêu đem lại sự hỗ trợ cho trẻ em có nhu cầu và trẻ em cần được bảo vệ.

Với vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực trẻ em, Cục Trẻ em là cơ quan tham mưu để ban hành các văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em và cung cấp trực tiếp các dịch vụ trẻ em thông qua các hoạt động của Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Ông Nguyễn Công Hiệu - Phó giám đốc Trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông, Cục trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Tổng đài 111 cung cấp các dịch vụ về tư vấn tâm lý cho trẻ em và gia đình; tư vấn chính sách, luật pháp; tiếp nhận các ca, các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên phạm vi cả nước; đồng thời kết nối để can thiệp bảo vệ trẻ em. Cùng với đó, ở mỗi một tổng đài khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, cũng đồng thời triển khai một số các dịch vụ như: đánh giá và trị liệu tâm lý cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại; đánh giá trị liệu tâm lý cho trẻ em bị tự kỷ, bị rối nhiễu tâm trí; bảo vệ trẻ em trong tình huống khẩn cấp với đội ngũ các chuyên gia tâm lý đi trực tiếp xuống các địa phương có những ca trẻ em bị bạo lực, xâm hại nghiêm trọng.

Năm 2023, Tổng đài 111 đã tiếp nhận 323.615 cuộc gọi đến (giảm 44.829 cuộc so với năm 2022) và tiếp nhận 1.313 lượt thông báo qua ứng dụng app và zalo của tổng đài. 688 ca bạo lực trẻ em được Tổng đài 111 hỗ trợ, can thiệp, chiếm 55,89% tổng số ca hỗ trợ, can thiệp, trong đó có những trường hợp trẻ em bị bạo lực với mức độ rất nghiêm trọng. Trẻ em bị bạn bè bạo hành, bắt nạt, cô lập trong trường học có tính chất nghiêm trọng để lại tổn thương nặng nề về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Các trường hợp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại tình dục là 150 ca, giảm hơn so với năm 2022 (170 ca) tuy nhiên tính chất các vụ việc lại nghiêm trọng hơn. Trẻ em bị xâm hại tình dục dẫn đến hậu quả mang thai và sinh con ở độ tuổi rất nhỏ khiến các em dang dở việc học tập và tổn thương nặng nề về thể chất cũng như tâm lý.

Tổng đài 111 cũng đã tư vấn 404 cuộc điện thoại trong năm 2023 liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (chiếm 4% trong tổng số cuộc gọi tư vấn chuyên sâu) và can thiệp 19 trường hợp liên quan đến việc trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng (chiếm 1,5% trong tổng số ca can thiệp, tăng 0,2% so với năm 2022). Trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc có xu hướng tăng khi Tổng đài 111 tiếp nhận thông tin và hỗ trợ 65 ca (tăng 21 ca so với năm 2022).

Cùng với việc hỗ trợ, can thiệp trực tiếp qua Tổng đài 111, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Trẻ em cũng tổ chức những buổi tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dịch vụ hỗ trợ trẻ em ở địa phương, nâng cao chất lượng bảo vệ trẻ em trên toàn quốc.

Hiện nay, Trung tâm Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng được đánh giá là một trong những đơn vị làm tốt các dịch vụ hỗ trợ cho ngay từ giai đoạn phòng ngừa các hành vi xâm hại với trẻ em. Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng hiện đang cung cấp toàn diện các dịch vụ công tác xã hội khẩn cấp cho trẻ em; Tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý cho đối tượng; Tư vấn và trợ giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức phù hợp khác để bảo vệ, trợ giúp đối tượng; tìm kiếm, sắp xếp các hình thức chăm sóc; Thực hiện các biện pháp phòng ngừa đối tượng rơi vào hoàn cảnh khó khăn và bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi và một số hoạt động khác.

Tùy theo tính chất của từng vụ việc, giải pháp bảo vệ trẻ em được triển khai theo cấp độ khác nhau:

- Cấp độ phòng ngừa: gồm các biện pháp áp dụng với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường an toàn, giảm nguy cơ trẻ em bị xâm hại.

- Cấp độ hỗ trợ: gồm các biện pháp áp dụng với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm, loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em.

- Cấp độ can thiệp: gồm các biện pháp áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

(Luật Trẻ em 2016)

Theo bà Nguyễn Thị Mai, PGĐ Trung tâm Công tác xã hội thànhh phố Đà Nẵng thì bảo vệ trẻ em không phải là trách nhiệm của riêng ai. Gia đình, cộng đồng, xã hội đều có trách nhiệm trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, hỗ trợ và phục hồi cho trẻ em để bảo đảm mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, không có các hành vi xâm hại, bóc lột và sao nhãng.

Các hoạt động của Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng cũng tập trung theo 3 cấp độ hỗ trợ được quy định trong Luật Trẻ em 2016.

Ở cấp độ phòng ngừa, Trung tâm triển khai các hoạt động truyền thông tại cộng đồng và trường học; nâng cao năng lực của giáo viên, cán bộ địa phương trong việc phát hiện, nhận diện trẻ có nguy cơ, trẻ bị xâm hại, bạo lực; Trung tâm đã và đang duy trì cung cấp thông tin hữu ích, cần thiết thông qua website, Fanpage để nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận thông tin các các dịch vụ hỗ trợ khi cần thiết cho phụ huynh và trẻ em.

Ở cấp độ hỗ trợ, Trung tâm tiếp nhận, phối hợp với cán bộ địa phương đánh giá nhu cầu xây dựng kế hoạch can thiệp và trợ giúp các nhóm trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn và bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi.

Ở cấp độ can thiệp, đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Trung tâm hướng dẫn cán bộ địa phương thực hiện theo Quy trình hỗ trợ, can thiệp được quy định trong Nghị định 56/NĐ-CP…

Bà Nguyễn Thị Mai - Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng cho biết trong những năm qua, Trung tâm đã hỗ trợ can thiệp cho nhiều trẻ em, trong đó có trường hợp trẻ bị ghép hình ảnh vào hình ảnh khiêu dâm khác hoặc có trường hợp trẻ bị thủ phạm cho xem những hình ảnh khiêu dâm trên mạng, trẻ bị bạn bè lập nhóm nói xấu, đặt điều trên mạng...

"Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm đã cử cán bộ liên hệ với UBND phường để xác minh sự việc, hỗ trợ chuyên môn cho cán bộ phường tiến hành đánh giá rủi ro, lập và triển khai kế hoạch hỗ trợ cho trẻ, đồng thời kết nối các dịch vụ can thiệp - hỗ trợ, bao gồm kiểm tra sức khỏe thể chất và tinh thần, tham vấn tâm lý cho trẻ và trang bị kỹ năng sử dụng internet an toàn, bảo vệ bản thân khỏi những xâm hại trên mạng…", bà Nguyễn Thị Mai chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo bà Mai trong quá trình trợ giúp các trường hợp trẻ em bị xâm hại, Trung tâm vẫn gặp một số khó khăn, nhất là việc một số gia đình không hợp tác, từ chối việc hỗ trợ vì không muốn làm lớn chuyện và sợ dư luận ảnh hưởng đến gia đình…

"Bên cạnh đó, nhiều người vẫn chưa biết và tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ trẻ em ở trung ương và địa phương. Vì thế các đơn vị, các tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, trên các kênh khác nhau, đa dạng và phù hợp với xu hướng tiếp cận của các nhóm đối tượng muốn hướng đến. Đồng thời đối với các ấn phẩm, nội dung truyền thông cho trẻ em cần có nội dung dễ hiểu, thiết kế thân thiện", bà Nguyễn Thị Mai đề xuất.

Ngoài những khó khăn từ thực tế hoạt động của Trung tâm Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng, trên phạm vi toàn quốc, theo ông Nguyễn Công Hiệu, PGĐ Trung tâm tư vấn và dịch vụ truyền thông, Cục Trẻ em, mặc dù Việt Nam đã có một hệ thống các chính sách, quy phạm pháp luật để bảo vệ trẻ em như Luật trẻ em năm 2016, các văn bản hướng dẫn thi hành, chương trình hành động quốc gia vì trẻ em, có nhiều dịch vụ để hỗ trợ, trẻ em nhưng công tác bảo vệ trẻ em ở nước ta vẫn chưa theo kịp sự phát triển, thay đổi của xã hội, nhất là trong giai đoạn bùng nổ internet hiện nay.

"Những người có trách nhiệm thực thi việc bảo vệ trẻ em, gia đình và cộng đồng cần tìm giải pháp giảm tỷ lệ trẻ em bị bóc lột, xâm hại. Cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp quản lý internet và toàn xã hội cần chung tay để tạo ra hành lang pháp lý tốt nhất cho môi trường mạng lành mạnh cho trẻ em." - ông Nguyễn Công Hiệu nhấn mạnh.

Theo Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ hai năm 2018 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 1.031.944 trẻ trong độ tuổi từ 5-17 là lao động trẻ em, trong số đó 20% trẻ làm việc hơn 40 giờ một tuần, và trên 50% trẻ phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Theo Nghiên cứu "Ngăn chặn hành vi gây tổn hại - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng” năm 2022, tại Việt Nam, 1% người dùng là trẻ em từ 12-17 tuổi là nạn nhân của bóc lột và xâm hại tình dục. Ước tính lên tới 94.000 em. Các nhà nghiên cứu cho rằng có khả năng con số này còn cao hơn do trẻ ngại chia sẻ về vấn đề này.

Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của các chuyên gia về việc mở rộng các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em tại đây: