Sự ra đời của hàng loạt website thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki,...và vô vàn trang cá nhân bán hàng online trong thời gian qua làm cho thị trường mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên sôi động. Người tiêu dùng, nhất là giới trẻ tham gia vào việc mua bán trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok,... ngày càng nhiều và coi đây là một kênh mua sắm thiết thực. Chị Nguyễn Ngọc Liên ở Vĩnh Phúc chia sẻ: "Em nhận thấy việc mua hàng online khá đơn giản, chỉ cần gõ tên sản phẩm cần mua trên mạng xã hội sẽ tìm thấy rất nhiều thành viên tham gia buôn bán. Một mặt hàng có nhiều người bán nên em có thể thoải mái lựa chọn về giá cả".

Tuy nhiên, ngoài sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng, việc mua sắm online cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, bởi khi mua bán, trao đổi, người mua và người bán không thể gặp gỡ trực tiếp. Trường hợp của chị Lê Thị Trà ở công ty TNHH Quang Minh là một ví dụ. "Một lần em mua hàng đã trả đầy đủ tiền rồi nhưng khi nhận hàng thì lại bị thiếu, khiếu nại thì họ cãi, em đành chấp nhận vì mình đã không quay video lúc nhận hàng", chị Trà chia sẻ.

Với anh Phan Tuấn Đạt ở khu đô thị Lideco thì khác: muốn mua một chiếc máy ảnh phục vụ cho chuyến dã ngoại của gia đình, anh liên hệ với shop để được lấy hàng sớm và đã được chấp nhận, nhưng cuối cùng thì: "họ bảo tầm 4 ngày thì nhận được nhưng phải mất 2 tuần em mới nhận được hàng làm lõ việc của mình".

Lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, nhiều đối tượng đã trà trộn hàng kém chất lượng, thậm chí lừa đảo bằng những chiêu trò, thủ đoạn hết sức tinh vi, trong đó phải kể đến việc rò rỉ thông tin cá nhân khi mua hàng qua mạng. Chị Tuệ Linh ở quận Ba Đình, Hà Nội kể: "Em mua quần áo, khi giao hàng em không có nhà mà bố mẹ em nhận hàng hộ mở ra thấy 1 mớ giẻ rách chứ không phải là chiếc váy mình cần mua.."

Ngậm đắng nuốt cay, trao đi đổi lại với sàn Shoppee và với shop chị Linh chỉ nhận được câu trả lời: chị cứ yên tâm để họ liên hệ và chị sẽ nhận được đúng mã hàng chị cần. Đến lần giao hàng thứ 3 thì chị cũng nhận được mặt hàng mà mình đã đặt, và tất nhiên, để được nhận hàng thì chị cũng phải bỏ ra số tiền tương ứng. Không đồng ý với cách giải quyết như vậy thì kết quả là cuộc cãi vã không hồi kết và người thua thiệt vẫn là khách hàng.

Mua sắm trực tuyến được xem là mảnh đất màu mỡ và giàu tiềm năng để các nhà bán lẻ khai thác và cũng mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Để hạn chế rủi ro khi mua hàng online, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai. Và dù mua sắm ở hình thức nào, trực tuyến hay truyền thống, thì hãy là người tiêu dùng thông thái để bảo vệ quyền lợi của mình./.