Theo con số thống kê của các cơ quan chức năng, trong những tháng cuối của năm 2023, thị trường lao động của nước ta đã có nhiều dấu hiệu phục hồi khi số người có việc làm và thu nhập đều tăng so với năm 2022.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy: Số lượng lao động có việc làm quý IV/2023 đạt 51,5 triệu người, tăng 130,4 nghìn người so với quý trước và tăng 414,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tính chung cả năm 2023 ước đạt 51,3 triệu người, tăng 683 nghìn người so với năm 2022. Thu nhập bình quân của lao động quý IV/2023 ước đạt 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 180 nghìn đồng/tháng so với quý trước và tăng 444 nghìn đồng/tháng so với cùng kỳ năm trước; tính chung cả năm 2023 đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 459 nghìn đồng/tháng so với năm 2022.

Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27-27,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị khoảng 2,76%, đạt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định, năm 2024 tình hình thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, kinh tế tiếp tục còn đối mặt khó khăn, thách thức nhưng thị trường lao động Việt Nam đang có những tiến triển nhất định. Năm 2024 cũng là năm mà ngành Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tăng tốc, bứt phá.

Các doanh nghiệp có những đơn hàng mới, mở rộng kinh doanh và nhiều dự án trọng điểm bắt đầu đi vào hoạt động. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng dần khởi sắc trở lại. Dự báo thị trường lao động trong quý I năm nay là 51,7 triệu người có việc làm, tăng 217.000 người so với quý trước.

3 ngành nghề sẽ có nhu cầu tăng việc làm là sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, nhu cầu nhân lực Thành phố trong quý I/2024 là khoảng 77.500 - 86.000 lao động.

Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, qua khảo sát nhu cầu sử dụng lao động, thu thập thông tin nhu cầu lao động tại gần 75.000 lượt doanh nghiệp, cho thấy tổng nhu cầu nhân lực quý I/2024, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu gồm: Cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực thực phẩm, hóa dược - nhựa - cao su sẽ cần từ 13.800 - 15.300 chỗ làm việc.

Trong cuộc trao đổi với PV VOV2, TS Phạm Thị Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng nhận định, thị trường lao động của Việt Nam trong năm 2024 chắc chắn sẽ có nhiều tín hiệu khởi sắc nhưng thực tế vẫn còn khá bấp bênh và không thể đạt được như thời điểm trước đại dịch covid- 19.

Một trong những bất cập, hạn chế lớn nhất của thị trường lao động cũng được TS Lan chỉ ra đó là hiện nay có một tỷ lệ không nhỏ người lao động sau khi mất việc đã có xu hướng tìm kiếm các cơ hội việc làm mới thay vì quay lại việc làm cũ. Bà Lan dẫn chứng một khảo sát của Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos cho thấy có từ 10 đến 20% người lao động ở tất cả các ngành đã chuyển đổi công việc sang các nhóm ngành khác và từ 30 đến 50% người lao động của tất cả các cấp ngành cũng đang cân nhắc về dự định chuyển đổi công việc.

“Khi người lao động phải chuyển đổi công việc sang các nhóm ngành khác bao giờ cũng tiềm ẩn sự bấp bênh”, TS Lan phân tích.

Bên cạnh đó, một đặc điểm nữa của thị trường lao động cũng được TS Lan nhắc tới, đó chính là sự xuất hiện của những việc làm thông qua các nền tảng xã hội ngày càng nhiều như vận chuyển, giao hàng, giúp việc, dịch vụ sửa chữa. Điều này ở một góc độ nào đó sẽ tạo sự linh hoạt cho thị trường lao động, nhưng thực tế hiện nay, hệ thống pháp luật lại chưa có quy định bảo vệ người lao động tìm việc làm thông qua các nền tảng mạng xã hội như vậy.

Ngoài ra, thị trường lao động cũng đang tồn tại nghịch lý rằng nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm, thế nhưng nhiều doanh nghiệp lại không tuyển dụng được lao động theo ý muốn. Nhân lực phân bố không đồng đều giữa các khu vực, ngành kinh tế, làm mất cân đối nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm. Hiện quy mô đào tạo lao động kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, thua rất nhiều so với quy mô đào tạo trình độ cao đẳng, đại học.

Với một loạt thách thức đặt ra như vậy, TS Phạm Thị Thu Lan cho rằng, trong năm 2024, các cơ quan chức năng cần phải thay đổi cách tiếp cận về chính sách, an ninh việc làm cho người lao động. Hệ thống pháp luật lao động Việt Nam cũng cần phải sửa đổi, mở rộng các quy định để gia tăng sự bảo vệ cho mọi đối tượng không chỉ là người lao động có hợp đồng lao động mà với cả những lao động tự do, lao động làm việc bán thời gian hay những người lao động ở khu vực phi chính thức.

Bà Phạm Thị Thu Lan nhấn mạnh, gia tăng các quy định bảo vệ người lao động để tạo sự bình đẳng đối với mọi người và họ có thể dễ dàng dịch chuyển việc làm từ khu vực này sang khu vực khác, từ chính thức sang phi chính thức, từ nhà nước sang tư nhân mà không sợ mất đi sự bảo vệ.

Đặc biệt, để sự linh hoạt cho thị trường lao động, người lao động dễ dàng tìm lại được việc làm mới khi bị mất công việc cũ thì nhà nước cần có các chương trình xây dựng năng lực, kỹ năng cho người lao động

“Những người lao động lớn tuổi trên 35 tuổi chẳng hạn, hoặc ở một số tỉnh, thành có tình trạng kỳ thị trong tuyển dụng thì rất cần nâng cao kỹ nặng cho người lao động để họ có thể tự thương lượng về việc làm của mình”. Theo TS Lan, đây là yếu tố then chốt để tạo ra thị trường lao động. Nếu không có thương lượng, người lao động đôi khi sẽ phải chấp nhận bất kỳ việc làm nào, bất kỳ mức tiền lương nào và điều kiện làm việc không đảm bảo. Như vậy, một mặt không tạo ra thị trường, mặt khác người lao động sẽ không phát huy được khả năng, sức sức sáng tạo của mình.

Và một giải pháp nữa cũng cần phải đẩy mạnh, đó là phát huy vai trò của Nhà nước trong hoạch định các chính sách liên quan tới thị trường lao động như chính sách về bảo đảm việc làm, kết nối cung cầu hay kích thích tăng năng suất lao động.

Theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự kiến, trong quý I năm 2024, sẽ khởi công khai trương sàn giao dịch việc làm quốc gia. Đây là sàn giao dịch phục vụ yêu cầu phát triển đất nước. Bộ LĐ-TB&XH được giao chủ trì hoàn thành khung chính sách quốc gia, chiến lược thích ứng quá trình già hóa và mất cân bằng giới trong dân số...

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết toàn ngành sẽ nỗ lực hoàn thành năm 2024 với kết quả cao hơn năm 2023. Đặc biệt, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: năm 2024, phấn đấu tỷ lệ thất nghiệp đạt dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 69%, trong đó lao động được cấp chứng chỉ, bằng cấp đạt 28%.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Bộ trưởng nhấn mạnh, trước hết sẽ tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2003 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội... của Trung ương, tham mưu cho Chính phủ ban hành chương trình hành động phát triển của cơ quan điều hành đất nước, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng thể chế, trọng tâm là trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi).