Theo con số thống kê của cơ quan quản lý nhà nước, hiện có khoảng 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau, thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 đến 4 tỷ USD/năm.

Năm 2024, Việt Nam đưa được gần 159 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 126,9% kế hoạch năm. Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là những thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam. Cùng với đó, một số thị trường ở Châu Âu tiếp tục rộng mở đối với người lao động.

- Tính bình quân, trong những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam đưa được khoảng 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2021 đến 2024, đã có gần 500.000 người Việt đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong các thị trường xuất khẩu lao động hiện nay thì Hàn Quốc là một trong những quốc gia được nhiều người lao động Việt Nam lựa chọn thông qua chương trình đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc (gọi tắt là EPS). Đây là một chương trình phi lợi nhuận, được triển khai từ năm 2004. Đ ến nay sau hơn 20 năm thực hiện, Việt Nam đã đưa được gần 140.000 lượt lao động đi làm việc tại Hàn Quốc chủ yếu làm việc trong các ngành nghề như: Sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp, với thu nhập từ 1.500 đến 2.000 đôla Mỹ/người/tháng.

“Chương trình EPS đã mang lại cơ hội về việc làm tốt, thu nhập cao, giúp nâng cao đời sống cho người lao động và gia đình người lao động, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội. Qua thời gian sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc, những người lao động này có khả năng giao tiếp tiếng Hàn, am hiểu văn hóa Hàn Quốc, cách thức làm việc của các doanh nghiệp Hàn Quốc”, ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (nay thuộc Bộ Nội vụ) cho biết, đồng thời cũng khẳng định, trong số những lao động về nước, nhiều người bằng kinh nghiệm, kiến thức và số vốn tích lũy được đã khởi nghiệp thành công, hoặc đảm nhận những vị trí việc làm quan trọng trong các doanh nghiệp, như trường hợp của anh Đào Ngọc Hùng quê ở Nghệ An là một ví dụ.

Tốt nghiệp Trung học phổ thông, anh Đào Ngọc Hùng thi đỗ vào trường đại học danh tiếng, một ước mơ của rất nhiều bạn bè cùng trang lứa lúc đó. Một tương lai tươi sáng tưởng như được mở ra, nhưng rồi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh đành ngậm ngùi cất đi giấy báo trúng tuyển để lựa chọn một ngã rẽ khác. Sau nhiều đắn đo, cân nhắc, anh chọn cách đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (gọi tắt là Chương trình EPS) theo diện lao động huyện nghèo với khát khao thay đổi cuộc sống gia đình.

Mang theo ước mơ của bản thân và sự kỳ vọng của gia đình, anh Hùng nỗ lực làm việc và học tiếng Hàn để nhanh chóng hoà nhập cuộc sống mới. Được làm việc trong ngành sản xuất chế tạo, một thế mạnh của bản thân, cộng với vốn tiếng Hàn tốt và niềm đam mê kỹ thuật máy móc, ngay lập tức anh được công ty tin tưởng giao nhiệm vụ tổ trưởng, quản lý 15 người gồm cả người Hàn Quốc và người nước ngoài. Sau đó, anh Hùng được bổ nhiệm vị trí phó trưởng phòng, quản lý gần 20 người chuyên sản xuất phụ tùng cao cấp cho hãng xe Volvo. Trong quá trình làm việc, anh Hùng có nhiều sáng kiến đưa vào ứng dụng hiệu quả, luôn đứng Top đầu bảng nhân viên xuất sắc với số tiền thưởng và phụ cấp trách nhiệm đáng kể.

Sau 11 năm gắn bó với công ty tại Hàn Quốc, hành trang mà anh Hùng có được là ngôn ngữ giỏi, kỹ năng làm việc và quản lý, đặc biệt là mối quan hệ tốt với những người Hàn Quốc có uy tín trên thương trường. Điều này đã giúp anh thành công trong việc đổi sang visa D8 (Visa đầu tư) và hiện anh Đào Ngọc Hùng là chủ 3 doanh nghiệp, với doanh thu khoảng 20 tỷ đồng mỗi năm. Anh cũng là người được Trung tâm lao động ngoài nước phối hợp với Văn phòng Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Koea) tại Việt Nam trao giải Nhì Cuộc thi “Lao động EPS lập nghiệp thành công năm 2024”:

Năm 2025, ngành lao động không chỉ đặt mục tiêu tiếp tục ổn định, duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… mà còn phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam. Trong đó phải kể tới việc, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (trước đây) và Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan đã Ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ của Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan. Đây là khung pháp lý để chuyên gia, lao động có kỹ năng và lao động thời vụ của Việt Nam có thể sang Phần Lan làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe với mức lương hấp dẫn.

Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Nội vụ cho biết, Phần Lan cũng như một số nước châu Âu khác có tốc độ già hóa dân số nên cần nhu cầu về lao động nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin hay chăm sóc sức khỏe. Theo dự báo, trong 15 năm tới, Phần Lan sẽ có nhu cầu khoảng 1,5 triệu lao động, trong đó khoảng 10% lao động các nước thứ 3. Chính vì thế, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp tuyển chọn, đưa lao động sang làm việc tại Phần Lan. Đặc biệt là sau khi Việt Nam và Phần Lan ký bản ghi nhớ MOU hợp tác lao động giữa hai nước, là cơ hội tốt để các doanh nghiệp có thể triển khai đưa lao động sang làm việc tại Phần Lan.

Ông Phạm Viết Hương cũng nhấn mạnh, việc ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ của Việt Nam đi làm việc tại Phần Lan là một cơ hội rất tốt. Tuy nhiên, thị trường Châu Âu nói chung, Phần Lan nói riêng đòi hỏi những yêu cầu khắt khen nên người lao động phải chuẩn bị kỹ năng và khả năng ngoại ngữ tốt. “Ngoài tiếng anh người lao động cần trang bị thêm cả tiếng Phần Lan để đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động”, ông Hương khuyến cáo.