Mời quý vị nghe chương trình tại đây:
Năm 1973, ông Nguyễn Gia Vừa là Trung đội trưởng Đội sửa chữa xe tăng thiết giáp, thuộc Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn xe tăng 273, Quân đoàn 3. Trong những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Tiểu đoàn của ông Vừa được lệnh vào chiến trường B3 Tây Nguyên. Khi ấy Miền Bắc chưa kịp chuyển gạo, đạn vào cho các đơn vị nên Tiểu đoàn của ông Vừa phải đi gùi đạn, gùi gạo tiếp tế cho các đại đội trực tiếp chiến đấu. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ đảm nhiệm hướng tấn công phía Tây Bắc Sài Gòn. Mục tiêu then chốt lúc đó là đập tan tuyến phòng thủ của địch ở căn cứ Đồng Dù – Củ Chi. Trong trận đánh ấy, đơn vị cũng bị tổn thất nhiều nhưng ông Vừa nhớ mãi hình ảnh của người đồng đội - Nguyễn Văn Đông đã anh dũng hy sinh khi tiến vào cửa ngõ Sài Gòn. “Với tôi, mỗi dịp 30/4 về là hình ảnh anh Nguyễn Văn Đông hy sinh khi vẫn ở tư thế lái xe, hai tay cầm chặt tay lái và dải băng đỏ buộc ở cổ tay phải. Chúng tôi khi vào trận chiến đấu cuối cùng mỗi người đều đem cho mình tâm thế chững chạc, đàng hoàng, để vào với đồng bào mình trong đó”, ông Vừa nhớ lại.

Sau khi làm chủ căn cứ Đồng Dù, ông Vừa cùng một đồng chí chính trị viên đại đội trực tiếp làm công tác tử sĩ cho liệt sỹ Nguyễn Văn Đông. Công việc hoàn tất cũng là lúc tin thắng trận ùa về, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Khi đó, ông mới thực sự vỡ òa khi quyết tâm của mình và đồng đội trước trận đánh đã thành hiện thực. Trưa 30/4/1975, được hòa cùng niềm vui chiến thắng của người dân Sài Gòn, ông Vừa mong muốn được trở về nhà gặp gia đình sau nhiều năm xa cách và thực hiện nốt giấc mơ còn dang dở. “Khi biết tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn giải phóng, một mình tôi ngồi trên tháp pháo xe tăng, tôi chợt nghĩ về bố mẹ, quê hương, anh chị em, gia đình, đó là cảm nhận rất gần gũi. Mình nghĩ chiến tranh đi qua thì những người lính như chúng tôi đều mong muốn được trở về nhà với quê hương và người thân. Điều đầu tiên là tôi sẽ đi học tiếp để sau này có kiến thức góp phần xây dựng quê hương”, ông Vừa chia sẻ.
Sau khi rời quân ngũ, năm 2005, ông Nguyễn Gia Vừa nghỉ hưu, trở về đời thường với những vết thương và mảnh đạn trong người. Dù sức khỏe không tốt nhưng ông không chọn nghỉ ngơi, an phận tuổi già mà lúc nào cũng đau đáu mong muốn được đóng góp công sức để giữ bình yên cho khu phố.

Tổ dân phố nơi ông sinh sống có mật độ dân số đông, người thuê trọ từ các nơi khác đến. Thêm vào đó, trên địa bàn có nhiều trường học, tuyến đường, các nút giao thông, tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ... nên luôn là điểm nóng về an ninh trật tự, an toàn giao thông. Vì vậy, dù đã ngoài 70 tuổi, sức khỏe không còn dẻo dai như trước nhưng hàng ngày ông vẫn đều đặn đi tuần tra, nắm bắt tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Để người dân tin tưởng cung cấp thông tin, ông Vừa cùng các thành viên trong Tổ thường xuyên tuyên truyền, vận động các gia đình, khu phố thực hiện tốt công tác an ninh trật tự; nhận được tin báo của người dân là sẵn sàng lên đường bất cứ thời điểm nào. Tổ tự quản do ông Vừa làm tổ trưởng đã phối hợp với Công an phường tuần tra, kiểm tra, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ hiện trường nhiều vụ tai nạn giao thông trên địa bàn, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, trợ giúp người dân khi có sự cố xảy ra. "Quá trình tham gia giữ đối tượng phạm tội quả tang, nhiều lần ông đối mặt với nguy hiểm, nhưng ông vẫn tận tụy, hết mình với công việc", ông Tạ Văn Toàn - Bí thư Chi bộ nơi ông Vừa sinh hoạt chia sẻ.
Không chỉ tận tâm, tận tình vì bình yên khu phố, ông Nguyễn Gia Vừa còn luôn đi đầu trong việc thực hiện quy định về nếp sống văn minh đô thị. Hằng tuần, vào Thứ bảy hoặc Chủ nhật, ông lại cần mẫn quét dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, tỉ mỉ bóc từng tờ quảng cáo dán trên tường, vận động người dân không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Nhờ sự tâm huyết của ông mà nhiều gia đình đã thay đổi nhận thức, trong đó có gia đình ông Phạm Quyết Thắng. “Vài năm trở lại đây khi, có đoạn đường cựu chiến binh tự quản thì những chuyện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường đã không xảy ra. Bản thân gia đình tôi cũng thấy nếu cứ cơi nới lấn chiếm như vậy thì sẽ cản trở giao thông, làm mất mỹ quan đường phố”, ông Thắng cho biết.

Không chỉ tham gia tổ tự quản, cựu chiến binh Nguyễn Gia Vừa còn là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu phố. Dưới sự dẫn dắt của người “thuyền trưởng”, nhiều phong trào thi đua của khu phố đã trở nên sôi nổi và hiệu quả. "Bác Vừa nhiệt tình lắm, có bác Vừa người dân yên tâm hơn nhiều. Những việc từ mất xe, gây lộn đến việc vệ sinh môi trường bác đều đứng ra giải quyết", ông Phạm Minh Sơn - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh số 34 bày tỏ.
Suốt 20 năm nay, ông Vừa luôn miệt mài với những công việc lớn nhỏ của khu phố: từ hòa giải mâu thuẫn gia đình, vận động người dân đổ rác đúng giờ đến túc trực tuần tra đêm với lực lượng dân phòng. Không những vậy, ông còn là người khởi xướng mô hình “Tuyến phố an toàn, không có tội phạm” giúp tình trạng trộm cắp, gây rối trên địa bàn giảm rõ rệt.
Không màu mè, không hào nhoáng, cựu chiến binh Nguyễn Gia Vừa góp phần giữ bình yên khu phố bằng chính trái tim và nhiệt huyết của người lính. Ông là minh chứng cho sức sống mãnh liệt của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” giữa đời thường./.