Chương trình nhà ở xã hội có vai trò rất quan trọng, nó không chỉ đơn giản là vấn đề nhà ở mà còn tác động tới nhiều vấn đề khác như an sinh xã hội, mục tiêu phát triển kinh tế đô thị, chiến lược nhà ở quốc gia, một phân khúc quan trọng của thị trường bất động sản… của cả nước và mỗi địa phương, đặc biệt đối với các đô thị lớn. Tuy nhiên, cho đến nay nhà ở xã hội vẫn chưa phát huy hết được tầm quan trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng từng thừa nhận trong một phiên chất vấn trước Quốc hội, mặc dù đạt được những kết quả ban đầu song việc phát triển nhà ở xã hội chưa đáp ứng như kỳ vọng. Đến nay cả nước mới có 7,79 triệu m2 nhà ở xã hội trong khi yêu cầu đặt ra là 12,5 triệu m2. Như vậy, nhà ở xã hội mới đạt được hơn 36% so với nhu cầu.

Nhà ở xã hội- giấc mơ vẫn xa vời

Chị Nguyễn Hồng Trúc, công nhân Khu công nghiệp ở quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh cho biết, gần 10 năm qua để thuận tiện cho công việc chị phải ở thuê trọ trong căn nhà rộng hơn 10 mét vuông với giá gần 2 triệu đồng/tháng. Giờ đây không chỉ với bản thân chị mà đại đa số người lao động, công nhân đều có mong muốn được tiếp cận nhà ở xã hội với thủ tục đơn giản nhất, nhanh nhất. Ấy thế nhưng với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng, không tăng ca, giá cả leo thang, thì có cơ hội mua, thuê mua nhà ở xã hội ngày càng xa vời.

“Nhiều lúc mình cũng suy nghĩ, cố gắng kiếm tiền để mua một căn nhà nhỏ nhỏ để ở chứ thuê nhà chật chội quá. Nhưng với mức lương như hiện tại quá thấp lại thêm giá cả sinh hoạt tăng cao thì không biết đến bao giờ mới tiết kiệm đủ tiền để mua được nhà, đó là còn chưa tính tới những khó khăn về thủ tục hành chính, giấy tờ hồ sơ để đủ điều kiện mua nhà ở xã hội”, chị Trúc trải lòng.

Chung một nỗi niềm như chị Trúc, chị Lê Thị Hằng, công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã quá thấm nỗi vất vả khổ cực khi sống trong những căn nhà trọ chật chội, ẩm thấp hàng chục năm qua. Chấp nhận sống kham khổ, tằn tiện với mong muốn gia đình chị sẽ tích cóp mua được một căn hộ nhà ở xã hội. Thế nhưng, với các điều kiện về giá cả, thủ tục giấy tờ như hiện nay thì không biết ước mơ “an cư” của chị đến bao giờ mới thực hiện được.

Dù đã có quy định về đối tượng và điều kiện được mua nhà ở xã hội (Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP) thế nhưng trên thực tế đa số người có nhu cầu thực mua nhà ở xã hội khó đáp ứng đúng đối tượng và điều kiện. Đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đều phải đảm bảo đủ 3 điều kiện (nhà ở, cư trú, thu nhập), điều này hạn chế quyền tiếp cận thuê nhà của những người thu nhập thấp khi phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ (xác nhận chưa có nhà ở, xác nhận cư trú, xác nhận thu nhập, vay ngân hàng…). Đây chính là yếu tố hàng đầu làm nản lòng cả chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những điểm yếu nhất của hệ thống quản lý Việt Nam chính là thủ tục hành chính, trong đó có cả vấn đề thụ hưởng nhà ở xã hội. Bởi vậy, dù là phân khúc dành riêng cho người thu nhập thấp, song, việc tiếp cận để được mua, thuê mua và thuê nhà ở xã hội luôn khiến người lao động gặp vô số khó khăn bởi thủ tục.

Xét về “chiếc bánh thị phần”, rõ ràng nhà ở xã hội dành cho đối tượng có thu nhập thấp còn dư địa rất lớn để phát triển, nhưng tại sao các doanh nghiệp bất động sản đều không mặn mà với phân khúc này?

Trả lời cho câu hỏi này, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, nhà ở xã hội không những lợi nhuận thấp mà lại bị quản lý một cách rất chặt chẽ. Trong khi suy cho cùng, các doanh nghiệp bất động sản cũng chỉ có một phần nhỏ trách nhiệm xã hội đóng góp với Chính phủ và các bộ ngành liên quan, các địa phương có mức độ đô thị hóa lớn để xây dựng nhà ở xã hội.

Đó là chưa kể, quỹ đất cho nhà ở xã hội vẫn không đáp ứng được nhu cầu, các địa phương chưa ưu tiên quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Theo GS Võ, một số địa phương hiện nay chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, chưa chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo theo quy định của Luật Nhà ở.

Quy trình đầu tư và cấp đất phức tạp, chồng chéo với nhiều thủ tục bất tiện, chưa rõ ràng. Nhiều dự án nhà ở xã hội thủ tục bị kéo dài, từ khi được phê duyệt – cấp phép đến khi đưa ra thị trường (mở bán chính thức cho người mua đúng đối tượng theo quy định) thường mất thời gian khá lâu.

Ngoài ra việc bố trí nguồn vốn xây nhà xã hội cũng gặp khó khăn, mới đáp ứng được khoảng 35% yêu cầu.

Trong hơn 10 năm qua, điểm sáng duy nhất của quá trình này là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (trong 3 năm 2014-2016). Kể từ khi kết thúc gói hỗ trợ, chương trình nhà ở xã hội đã giảm hẳn số lượng.

GS Đặng Hùng Võ cho biết, 3 năm sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ thì lập tức nhờ xã hội là rơi vào im lặng, không còn triển khai được nữa. Điều đó cho thấy trong chính sách xã hội của nước ta chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống

“Có thể chính sách của ta mong muốn quá cao so với tiềm năng nguồn vốn cũng như đất đai” GS Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.

Cơ chế chính sách nào để hoá giải điểm nghẽn trong chương trình nhà ở xã hội?

Không thể phủ nhận những thành công bước đầu của chương trình nhà ở xã hội mang lại, cũng như đóng góp một số doanh nghiệp bất động sản vì đã và đang tiên phong vào lĩnh vực này. Nhưng nếu không có một chính sách đột phá đột phá để hoá giải các điểm nghẽn đang tồn tại, thì chương trình phát triển nhà ở xã hội vẫn tiếp tục giậm chân tại chỗ.

GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, hiện nay chính sách phát triển tiếp tục được quan tâm trong Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (2023). Trên thực tế, có thể thấy chính sách giao đất không thu tiền sử dụng đất đã tạo ra các dự án nhà ở xã hội chỉ được các địa phương bố trí theo quy hoạch ở những khu vực không đầy đủ điều kiện sống nên không thu hút được ngưởi mua. Mặt khác, cách quản lý mua - bán nhà ở xã hội theo kiểu “bao cấp” cũng làm cho người dân không muốn ở trong các dự án nhà ở xã hội. Bởi thế nhiều dự án nhà ở xã hội đã xin chuyển sang nhà ở thương mại vì không thu hút được người mua.

GS Đặng Hùng Võ cũng chia sẻ, theo một nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới khi tham gia giúp Việt Nam xây dựng chính sách xã hội phù hợp đã từng khuyến cáo: Việt Nam không nên dùng thuật ngữ nhà xã hội mà nên chuyển sang nhà ở giá phù hợp hoặc nhà ở giá phải chăng. Với cách gọi nhà sẽ giúp đưa chính sách nhà ở xã hội tiếp cận với thị trường, lúc đó động lực sẽ phát sinh từ cơ chế thị trường, thuận lợi cho cả bên có nhu cầu và bên cung cấp.

Nêu giải pháp để hoá giải điểm nghẽn trong chương trình nhà ở xã hội, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, để khơi thông được nhà ở xã hội cần phải có đủ 3 yếu tố gồm: nguồn vốn, quỹ đất và chính sách.

Trước hết về vốn, nếu chỉ kêu gọi Ngân hàng Nhà nước phải nới room tín dụng, phải giảm lãi suất vay thì sẽ rất khó. Bởi các ngân hàng thương mại cũng là những doanh nghiệp kinh doanh nên phải có lợi nhuận. Vì thế nên chăng hãy tìm nguồn vốn khác để vay phục vụ các chương trình xây dựng nhà ở xã hội.

Thứ hai về quỹ đất GS Đặng Hùng Võ cho rằng, nên đưa ra cơ chế tiền đất trả chậm sẽ hiệu quả hơn là cơ chế giao đất không thu tiền. Khi giao đất không thu tiền các địa phương sẽ không mặn mà bố trí quy hoạch cho các dự án nhà ở xã hội theo quy định. Đặc biệt cần sớm cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục để triển khai dự án nhà ở xã hội phải được thực hiện nhanh hơn dự án thương mại thông thường như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư.

Thứ ba, về chính sách cần phải phải thay đổi cách thức quản lý nhà ở xã hội. Và muốn làm tốt điều này, đòi hỏi phải có sự đồng hành của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và sự dấn thân của các chủ đầu tư, kể cả người dân.

Đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã vừa có Quyết định 338 phê duyệt Đề án "Đầu tư ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2023". Cùng với đó các doanh nghiệp và người có thu nhập thấp muốn mua nhà ở xã hội cũng bày tỏ sự vui mừng khi tiếp nhận thông tin về gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng dành cho phân khúc nhà ở xã hội.

Đây là một trong chính sách thiết thực được chờ đợi trong nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hỗ trợ người dân cải thiện chỗ ở và an sinh xã hội.