Với dân số gần 10 triệu người, Hà Nội là một thị trường lớn và cũng là nơi tập kết, trung chuyển rất nhiều hàng hóa. Vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát dịp Tết nguyên đán càng trở nên khó khăn và đòi hỏi sự sát sao của lực lượng chức năng. Phóng viên VOV2 (Đài Tiếng nói Việt Nam) đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Việt Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố HN - về vấn đề này:

Phóng viên: Thưa ông, qua quá trình giám sát, lực lượng chức năng nhận định về thị trường hàng hóa năm nay như thế nào? Có những vấn đề gì đã được cải thiện và còn vấn đề gì mà lực lượng chức năng vẫn cần phải tiếp tục đấu tranh?

Ông Trần Việt Hùng: Sau đợt cao điểm dịch Covid-19 từ đầu quý I năm 2022, thị trường hàng hóa trong nước diễn ra khá sôi động, hoạt động thương mại và dịch vụ phục hồi tích cực. Nguồn cung hàng hóa nhất là các hàng hóa thiết yếu về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn. Giá của các mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng tăng giảm theo giá thế giới, giá của các nhóm hàng khác tương đối ổn định.

Đặc biệt cuối tháng 10/2022 xảy ra tình trạng nguồn cung xăng dầu bị gián đoạn cục bộ tại một số thời điểm; một số cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.

Mặc dù hiện nay, nguồn cung mặt hàng xăng dầu trên địa bàn Thành phố được đảm bảo, nhưng Cục Quản lý thị trường Tp HN tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

Phóng viên: Mới đây, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Hà Giang đã bắt giữ một lô hàng mứt Tết ghi hạn ngày sản xuất trong “tương lai” để kéo dài hạn sử dụng, đánh lừa người tiêu dùng. Liệu đây có phải là một trong những hành vi gian lận mới? Và ông đánh giá như thế nào về các chiêu thức mới của các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái?

Ông Trần Việt Hùng: Theo quy định của pháp luật, các loại hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là dược phẩm, thực phẩm đều có quy định về thời hạn sử dụng rất rõ ràng, cụ thể và cần phải thu hồi, tiêu hủy khi hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, vẫn có một số cơ sở sử dụng “mánh lới” để không phải tiêu hủy mà tái sử dụng bằng việc lén lút đưa ra thị trường tiêu thụ, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Một số khác “tinh vi” hơn thì tẩy xóa hạn dùng, thay bằng hạn dùng mới để đánh lừa người dùng.

Thủ đoạn này thực ra không phải mới, trước đây Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phát hiện và xử lý một cơ sở ở huyện Sóc Sơn có dấu hiệu tẩy xóa hạn sử dụng, dán hạn sử dụng mới đối với hàng chục nghìn sản phẩm nước đóng chai các loại. Tang vật thu được là hơn chục nghìn chiếc tem ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng các loại, các lọ dung dịch tẩy rửa và chiếc máy dùng để dập hạn sử dụng.

Hay trong năm 2019, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện hàng chục tấn đùi gà hun khói Hàn Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều đặc biệt số đùi gà đã hết hạn sử dụng và được chủ cơ sở “tự gia hạn” thêm 01 năm sử dụng trong khi đánh giá cảm quan đã chảy nước, có mùi hôi thối.

Thủ đoạn dập lại hạn sử dụng mới hiện được tiến hành khá đơn giản. Theo đó, nếu cơ sở sản xuất đã sử dụng công nghệ dập nổi lên bao bì thì có thể dễ dàng tẩy hạn bằng javen hoặc aceton, sau đó dập hạn mới lên sản phẩm. Với sản phẩm dập hạn bằng mực thì những chiếc máy in dập hạn sử dụng thủ công hoặc tự động với đủ kích cỡ, tiện dụng có thể “phù phép” hạn cũ thành hạn mới một cách dễ dàng. Còn các loại sản phẩm sử dụng bao bì nilon, giấy, chủ cơ sở hoặc người kinh doanh thường sử dụng cách dán nhãn, tem tự chế lên chỗ hạn sử dụng để che mắt người tiêu dùng.

Với việc tẩy xóa hạn dùng các sản phẩm sử dụng trực tiếp vào cơ thể con người như dược phẩm, thực phẩm, nước uống sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe con người. Đặc biệt với các loại hàng hóa như thuốc, thực phẩm... nếu sử dụng sản phẩm hết hạn, quá hạn sẽ dẫn đến hậu quả, hệ lụy khôn lường.

Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ rất đa dạng. Đối với hàng hoá đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt sản xuất gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ; đối với hàng hoá không đòi hỏi kỹ thuật cao, mẫu mã đơn giản, giá rẻ phù hợp với đa số người lao động có thu nhập thấp thường được sản xuất ngay trong nước, tại các khu công nghiệp, làng nghề… Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Phóng viên: Thị trường có hàng trăm mặt hàng khác nhau phục vụ Tết nguyên đán, vậy lực lượng chức năng xác định đâu là nhóm mặt hàng thường và dễ bị làm giả, làm nhái và có các gian lận thương mại để cảnh báo đến người dân?

Ông Trần Việt Hùng: Cục Quản lý thị trường HN chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi trà trộn hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ đưa vào tiêu thụ tại các Hội chợ Tết, Hội chợ hàng tiêu dùng, Hội chợ hàng khuyến mại, các chương trình, chuyến xe đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Tập trung kiểm tra hàng hóa vi phạm giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ hàng Việt Nam, ở một số mặt hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ gia dụng... chú trọng kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh đầu mối bán buôn số lượng lớn, cung cấp nguyên liệu, đồng thời thông tin cảnh báo cho người tiêu dùng biết và tránh sử dụng.

Thời gian qua, thông qua kiểm tra, phát hiện và xử lý, lực lượng quản lý thị trường nhận thấy nhóm mặt hàng được các đối tượng tập trung làm giả chủ yếu là thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, đồ thời trang, đồ gia dụng, điện tử, điện máy, hàng tiêu dùng...

Đặc biệt, tập trung kiểm tra các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hoá tại địa bàn các quận huyện như Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Long Biên…; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan kiểm tra trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung, phía Nam ra Hà Nội tiêu thụ và ngược lại; hoạt động vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp giao nhận, chuyển phát nhanh, tăng cường chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá tại cảng hàng không sân bay quốc tế Nội Bài.

Phóng viên: Hiện nay, để đảm bảo thị trường ổn định, chất lượng an toàn phục vụ Tết nguyên đán Quý Mão, cùng một lúc có nhiều lực lượng chức năng cùng đồng loạt ra quân. Thưa ông, việc phối hợp các lực lượng đang được tiến hành như thế nào để không tạo sự, chồng chéo và bao quát được tất cả các vấn đề?

Ông Trần Việt Hùng: Để thực hiện tốt nhiệm vụ được nêu trong kế hoạch, Cục Quản lý thị trường Hà Nội yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tập trung kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, không trùng lặp, chồng chéo, tuân thủ đúng quy định, quy trình, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý nghiêm nhằm răn đe các đối tượng, kết hợp với các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đặc biệt không gây phiền hà, trở ngại đối với các hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân.

Lực lượng quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và có các hành vi gian lận thương mại, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn ngừa tận gốc tình trạng này.

Phóng viên: Một vấn đề nữa mà người dân quan tâm đó là năng lực và đạo đức của những người chấp pháp. Thưa ông/bà, điều này được Cục quản lý thị trường HN quán triệt như thế nào để tạo được niềm tin của nhân dân?

Ông Trần Việt Hùng: Trong điều kiện lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, để thực hiện hiệu quả kế hoạch cao điểm, Cục quản lý thị trường đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị phòng, đội, đề cao trách nhiệm thực thi công vụ của từng cán bộ, công chức, kiên quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân tha hóa, biến chất, có biểu hiện bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!