Theo tư liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, tháng 11 năm 1951, quân Pháp tập trung lực lượng lớn mở cuộc tiến công đánh chiếm Hòa Bình nhằm giành lại quyền chủ động chiến lược, âm mưu lập “Xứ Mường tự trị” mở rộng khu chiếm đóng, bịt chặt cửa ngõ phía Tây Nam đồng bằng Bắc Bộ, chặn đường liên lạc vận chuyển của ta giữa Việt Bắc và các liên khu 3, 4. Do đó, từ ngày 9/11/1951, quân Pháp đã tăng cường quân đội mở cuộc hành quân Lotus đánh chiếm thị xã Hòa Bình, Đường 6, Ba Vì.

Đánh giá tình hình và âm mưu của địch, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân ta đã mở màn Chiến dịch Hòa Bình vào ngày 10/12/1951.

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hòa Bình gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch; Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng; đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Chính trị kiêm Phó Bí thư Đảng ủy Chiến dịch. Lực lượng tham gia chiến dịch trên mặt trận chính gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 304) và Đại đoàn Công pháo 351. Trên mặt trận phối hợp là 2 đại đoàn bộ binh 316, 320 tiến sâu vào vùng sau lưng địch ở trung du và đồng bằng Sông Hồng cùng các lực lượng tại chỗ tiến công địch, diệt tề trừ gian, mở rộng các khu du kích và căn cứ du kích.

Trong vòng hơn 2 tháng, đến ngày 25/2/1952, sau 3 đợt tiến công, chiến dịch Hòa Bình đã giành thắng lợi. Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, chiến dịch Hòa Bình đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam và nghệ thuật quân sự rất riêng của Việt Nam. Cách đánh chiến dịch được xác định là “đánh điểm diệt viện”, kết hợp đánh địch trong công sự với đánh địch vận động, càn quét hoặc tăng viện, ứng cứu bằng đường bộ, đường sông, đường không, sẵn sàng đánh địch rút chạy. Đây là một trong những cách đánh sở trường đã được bộ đội ta vận dụng sớm và có hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu cuộc chiến tranh cũng như trong suốt chiến dịch Hòa Bình.

“Đó là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn với thực tiễn chiến dịch. Chính nhờ việc thực hiện tốt phương châm tác chiến đánh điểm diệt viện mà qua 2 tháng rưỡi chiến đấu liên tục chúng ta đã giành thắng lợi vang dội trong chiến dịch Hòa Bình"- Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên phân tích.

Sau hơn 2 tháng chiến đấu, ở mặt trận Hòa Bình, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6 nghìn địch, bắn rơi 9 máy bay, bắn chìm 17 tàu, xuồng, phá huỷ 12 pháo và hơn 200 xe quân sự, thu 24 pháo và gần 800 súng các loại; giải phóng khu vực Hòa Bình - Sông Đà, giữ vững đường giao thông chiến lược giữa Việt Bắc và các liên khu 3, 4; đập tan âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược, mở rộng vùng chiếm đóng và lập “Xứ Mường tự trị” của quân Pháp.

Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình đã góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường chính Bắc Bộ có lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đồng thời, ghi nhận bước tiến mới về nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cùng với chiến dịch Hoà Bình, một chiến dịch lớn nữa có ý nghĩa quan trọng đóng góp vào chiến thắng Điện Biên Phủ sau này đó là chiến dịch Tây Bắc vào mùa thu-đông năm 1952 (từ 14/10 đến 10/12/1952).

Vào mùa thu đông 1952, sau hơn 6 năm thực hiện cuộc xâm chiếm vùng Đông Dương, trên chiến trường Việt Nam, quân Pháp chủ trương thực hiện chiến lược phòng ngự, ráo riết bình định các vùng tạm chiếm. Về phía quân ta, sau khi mở các chiến dịch ở đồng bằng Bắc Bộ năm 1951 không thành công, rút kinh nghiệm qua các chiến dịch tiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam kể từ sau Chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Hòa Bình 1951, đồng thời phân tích tình hình trên chiến trường, đánh giá khách quan hơn về tương quan lực lượng.

Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã nhận định phương hướng chiến lược có lợi lúc này là chiến trường rừng núi. Vì vậy, ngày 17 tháng 7 năm 1952, Trung ương Đảng quyết định thành lập khu Tây Bắc, gồm bốn tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, rộng 44.300 km², dân số 44 vạn người. Đây là một vùng rừng núi trùng điệp, nhiều dãy núi cao hơn 1000 mét; giữ vị trí chiến lược quan trọng đối với Đông Dương.

Căn cứ vào thế và lực giữa địch - ta trên chiến trường, đầu tháng 9/1952, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc, nhằm mục đích tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân vùng Tây Bắc- giải phóng một phần đất đai. Phương châm tiến công của chiến dịch được xác định là “Đánh linh hoạt, tránh chỗ mạnh đánh chỗ yếu, vây điểm, diệt viện, phá điểm, đánh dài ngày, đánh liên tục, đánh từng bước chắc, sẵn sàng nắm thời cơ thuận lợi để phát triển, nhanh chóng phục kích, tập kích, kiên trì kết hợp chặt chẽ giữa du kích chiến và tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng để giành thắng lợi”.

Chiến dịch Tây Bắc được chuẩn bị chu đáo và diễn ra với 3 đợt chiến đấu quyết liệt (đợt 1 từ ngày 14-23/10/1952, đợt 2 từ ngày 17-22/11/1952 và đợt 3 từ ngày 30/11-10/12/1952). Kết quả, toàn chiến dịch, ta đã xóa bỏ và chiếm 85 vị trí, thu gần 3.800 súng các loại, nhiều máy vô tuyến điện… Đặc biệt quân ta đã mở rộng kiểm soát thêm 28.000 km² với hơn 250.000 người dân, trong đó có thị xã Sơn La và toàn tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản). Ở đồng bằng Liên khu 3, ta đã tiêu diệt 12 vị trí cỡ đại đội, diệt hơn 4.000 quân Pháp và chư hầu, bắt hơn 1.700 lính và mở rộng nhiều khu căn cứ ở tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng, nối liền vùng kiểm soát Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào, giữ vững thế chủ động tiến công, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng của Pháp.

Đại tá, TS Lê Thanh Bài, Viện Lịch sử Quân sự phân tích, nếu như chiến dịch biên giới 1950 chúng ta giành được quyền chủ động thì đến chiến dịch Hòa Bình ta khẳng định quyền chủ động và chiến dịch Tây Bắc 1952 phát huy được quyền chủ động.

Cũng theo Đại tá, TS Lê Thanh Bài, chiến thắng của chiến dịch Tây Bắc là tổng hòa của các chiến dịch trước đó: “Nguyên nhân thành công là do chúng ta đánh vào địa bàn tập trung rất đông. Thứ hai là phát huy được hỏa lực. Thứ ba là phát huy quyền cơ động. Sau chiến dịch Hòa Bình chúng ta mới thấy rằng bộ đội ta sở trường là đánh ở rừng núi, sở trường tác chiến của quân đội nhân dân Việt Nam là đánh ban đêm. Và như vậy chúng ta phải chuyển lên Tây Bắc, nơi địa bàn rừng núi duy nhất còn lại mà Pháp chiếm đóng. Và với sự chuyển hướng chiến lược ấy, chúng ta đã thành công”.

Có thể khẳng định thắng lợi của chiến dịch Hòa Bình (1951) và chiến dịch Tây Bắc (1952) có ý nghĩa to lớn cả về quân sự và chính trị, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta, tạo bước ngoặt quan trọng trên chiến trường Bắc bộ, tiến tới kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.

Mời nghe âm thanh tại đây: