Yoga và những rủi ro tiềm ẩn
Hàng ngày đều đặn 6h sáng, cô Bảo Ngọc, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội luôn có mặt đúng giờ tại một phòng tập yoga gần nhà do các thầy giáo người Ấn Độ giảng dạy. Ở độ tuổi 67, nhanh nhẹn, khỏe mạnh với những động tác yoga thuần thục nhưng đã có một thời gian cô Ngọc phải tạm gác niềm đam mê của mình vì gặp những sự cố về sức khỏe khi tập yoga. Khi đó, do đã bị một đợt đâu cổ vai gáy rất nặng, phải đi trị liệu, châm cứu, bấm huyệt một thời gian.
Lớp tập yoga của cô Ngọc có khoảng 25-30 học viên. Người đã tập thuần thục tập chung với những người mới bắt đầu và giáo viên áp dụng các bài dạy cho mọi học viên như nhau mà hầu như không có sự uốn chỉnh tư thế cho người mới. Là một trong những học viên lâu năm nhất tại đây, cô Bảo Ngọc cũng chứng kiến nhiều người đang tập nhưng phải bỏ dở giữa chừng do gặp phải những chấn thương như rách cơ đùi, cơ háng, chấn thương cột sống...
Với kinh nghiệm tập luyện yoga hơn 10 năm, giờ đây đã chinh phục được những tư thế khó nhưng theo cô Bảo Ngọc, luyện tập yoga không thể thành thạo trong một sớm một chiều mà đó là cả một quá trình dài, cần sự kiên nhẫn và tiến bộ dần dần.
Yoga mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nếu không thực hiện đúng kỹ thuật và thiếu sự kiên nhẫn, người tập có thể gặp phải những chấn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả cơ thể và tinh thần.
Xác định mục tiêu tập luyện yoga là điều rất quan trọng
Theo ông Đặng Hùng, Giám đốc Học viện yoga Việt Nam, thành viên sáng lập Hiệp hội yoga trị liệu châu Á Thái Bình Dương, trong 6-7 năm trở lại đây, yoga Việt Nam có một tín hiệu mừng, đó là được Nhà nước quản lý và công nhận, thành lập Liên đoàn yoga Việt Nam. Cùng với đó, việc kết hợp với Đại sứ quán của Ấn Độ khiến yoga tại Việt Nam rất thịnh hành.
Tuy vậy, bên cạnh đó cũng phát sinh những vấn đề khiến những người làm chuyên như ông Hùng phải trăn trở và suy nghĩ. Có những người thực hành mà không hiểu về cơ địa của mình, có những giáo viên yoga lại chưa có kinh nghiệm trong quá trình huấn luyện giảng dạy và thấu hiểu đến cơ thể của học viên. Họ cứ áp chính suy nghĩ của mình, cảm xúc của mình đến cơ thể của học viên. Điều này có thể dẫn đến những chấn thương về mặt cơ học như cơ xương khớp. Một vấn đề nữa là rối loạn như là hơi thở, lỗi nhịp trong hơi thở do nhiều người tập chưa hiểu sâu về nguyên lý thở. Thậm chí, có những người ngồi thiền nhưng không được huấn luyện một cách chuẩn chỉ, có thể dẫn đến tình trạng tẩu hỏa nhập ma, rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, ông Hùng cho biết, có những người quá tôn thờ yoga, điều này hoàn toàn không đúng. “Có những người nói yoga là nhất, cuối cùng không chịu kết hợp với Tây y để uống thuốc, cũng gây ra là những cái đáng tiếc về mặt sức khỏe.”
Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu về yoga, ông Đặng Hùng khuyên những ai tập yoga, đặc biệt là những người mới tập hãy tìm hiểu kỹ về mặt thông tin, tìm những nơi địa chỉ tin cậy và tìm những người thầy có trải nghiệm lâu năm.
Một điều rất quan trọng, chính bạn là người hiểu mình nhất, hãy lắng nghe cơ thể, hãy tập theo khả năng của mình. Bạn hãy trang bị các kiến thức nền tảng về yoga để không bị quá phụ thuộc vào các thầy cô giáo hướng dẫn, họ chỉ là người xúc tác, người đồng hành với mình thôi.
Ông Hùng cũng lưu ý mọi người, việc xác định mục tiêu khi tìm đến với yoga rất quan trọng. Nếu mục tiêu của bạn học yoga đơn giản giúp cơ thể khỏe mạnh thì bạn chỉ cần học những tư thế đơn giản, thở cho sâu, thả lỏng cơ thể. “Chỉ cần bạn kiên trì, tập luyện chăm chỉ, lắng nghe cơ thể, một thời gian sau bạn sẽ khỏe, khỏe về thân, khỏe về tâm, trí, khỏe về tâm hồn nội tâm bên trong. Cho nên xác định mục tiêu vô cùng quan trọng”, ông Hùng nhấn mạnh.
Nghe chương trình tại đây: