“Mặc dù hung dữ khi phát bệnh nhưng bệnh nhân tâm thần cũng có những lúc rất hiền dịu, vui tươi lạc quan. Và trong những khoảng thời gian chợt tỉnh ấy, khát vọng lớn nhất với họ là được về lại với cuộc sống bình thường không còn điên loạn”…Đó là chia sẻ của bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Lương Ngọc Cương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì, khi bắt đầu câu chuyện với tôi. Ông là một người có hơn 30 năm công tác trong cơ sở quản lý, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần - những người, yếu thế trong xã hội.

Bác sĩ Cương cho biết, Trung tâm Điều dưỡng, phục hồi chức năng tâm thần Việt Trì hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân với các dạng bệnh lý như: Tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, rối loạn tâm thần do sử dụng rượu, ma túy... Trong những năm qua, các y, bác sĩ và điều dưỡng nơi đây đã nỗ lực cố gắng, vượt lên mọi vất vả khó khăn và cả sự hiểm nguy để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Có không ít trường hợp, bệnh nhân không ý thức được hành vi của mình nên thường bỏ ăn, không uống thuốc, không cho khám bệnh. Chuyện bác sĩ bị bệnh nhân giật kính, ống nghe, thậm chí bị lăng mạ, đuổi đánh xảy ra thường xuyên. Bởi vậy như lời bác sĩ Cương, điều trị bệnh nhân tâm thần có cả trăm cái khó, cán bộ y bác sĩ phải luôn quan tâm, động viên để bệnh nhân hợp tác, vượt qua được những mặc cảm bệnh tật. “Tôi nghĩ việc đầu tiên là phải có cán bộ y bác sĩ có chuyên môn sâu được đào tạo đúng chuyên ngành và bên cạnh đó phải họ phải có cái tâm thì mới vượt qua được”, Bác sĩ Cương tâm sự.

Cũng theo Bác sĩ Cương, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, ngoài yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ thì yếu tố tâm lý chiếm hơn 50%. Bởi vậy, đôi khi các bác sĩ phải “hóa thân” thành người bệnh, hoặc các chuyên gia tâm lý để cùng nói, cười, tâm sự, dỗ dành bệnh nhân ăn, uống thuốc...và kịp thời xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra.

“Những bác sĩ của bệnh viện cũng như các trung tâm tâm thần thì chúng tôi vừa là bác sĩ vừa là người nhà và đồng thời cũng là nhà tâm lý. Nếu chỉ đơn thuần là chữa bệnh mà không tâm lý không chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ thì người bệnh không ổn định toàn diện được. Các bác sĩ ở chuyên ngành nội ngoại sản nhi thì khi người bệnh khỏi bệnh còn được câu cám ơn, nhưng chúng tôi thì chỉ nhận được những lời chửi bố, chửi mẹ, thậm chí có cả nắm đấm”, Bác sĩ Cương ngậm ngùi.

Cùng chung nỗi niềm này, điều dưỡng Trần Mai Hoa, Khoa Lâm sàng, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, niềm vui của bệnh nhân khi tâm lý và sức khỏe dần ổn định là món quà vô giá mà những y bác sĩ điều trị bệnh nhân tâm thần luôn mong muốn nhận được”. Hơn 20 năm gắn bó trực tiếp với người bệnh tâm thần là bấy nhiêu năm chị được trải nghiệm với nhiều trạng thái, tâm lý, tình cảm khác nhau. Cho Hoa cho rằng, để chăm sóc tốt bệnh nhân nhiều khi phải “giấu nhẹm” nỗi bực tức của mình, gặp họ là luôn phải tươi cười, vui vẻ và thậm chí có lúc phải “nịnh” bởi thực sự họ rất đáng thương, cô đơn, cần người quan tâm, chăm sóc.

Với chị Hoa, 20 năm gắn bó với nghề, không ít lần chị bị chính những bệnh nhân của mình tấn công, mắng chửi, hay thậm chí phải bỏ chạy khi bệnh nhân lên cơn kích động rượt đuổi… Tủi thân mặc cảm, nhiều lúc chị định bỏ nghề, nhưng rồi chính sự đồng cảm, tình yêu thương với bệnh nhân lại giúp chị vượt qua. Và chị xem đó là những kỷ niệm không thể nào quên.

“Trong lúc bệnh nhân kích động, không làm chủ được hành vi của mình thì họ có thể đánh, chửi nhưng mình phải hiểu điều đó và phải chia sẻ nhiều hơn”, chị Hoa chia sẻ.

Một trái tim yêu thương, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, họ - những cán bộ y bác sĩ điều trị bệnh nhân tâm thần đã và đang nỗ lực từng ngày lan tỏa tình người ấm áp để giúp người bệnh trở về với cuộc sống đời thường.

Nghe phóng sự tại đây