Chiều nay (23/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong một tháng và trong một năm của người lao động. Theo đó, số giờ làm thêm trong 1 năm không quá 300 giờ và số giờ làm thêm trong 1 tháng là không quá 60 giờ. Phóng viên VOV2 đã có cuộc trao đổi với nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân về nội dung này.

PV: Thưa ông Phạm Minh Huân, chiều nay, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong một tháng và trong một năm của người lao động. Theo đó số giờ làm thêm trong một năm không quá 300 giờ và số giờ làm thêm trong một tháng là không quá 60 giờ. Ông có bình luận gì về quyết định này?

Ông Phạm Minh Huân: Trong bối cảnh hiện nay có nhiều nơi đang rơi vào tình trạng thiếu lao động cục bộ, bởi vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong một tháng và trong một năm của người lao động, trong đó có trần giờ làm thêm từ 40 giờ/tháng lên 60 giờ/tháng là hoàn toàn hợp lý. Điều này vừa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch nhưng vừa đảm bảo được sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người lao động. Có thể Chính phủ thì tha thiết đề nghị ở mức cao hơn, nhưng quyết định này cũng phải đảm bảo hài hòa của các bên. Làm thêm giờ không phải là vấn đề mới, nhưng là vấn đề thời sự cho nên lần nào sửa luật, nội dung làm thêm giờ cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Thực tế thì các doanh nghiệp cũng rất mong muốn có linh hoạt trong sử dụng làm thêm giờ để tăng năng suất lao động, giải quyết kịp các đơn hàng theo kế hoạch. Và không những thế, bản thân người lao động cũng muốn làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rõ là thể chất của người lao động Việt Nam cũng chưa phải là tốt lắm, nếu kéo dài giờ làm thêm, tăng cường độ lao động, tất nhiên về mặt thu nhập thì sẽ cải thiện nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người lao động. Cho nên giữa mong muốn của Chính phủ, của doanh nghiệp và quyền lợi của người lao động thì đòi hỏi các cơ quan quản lý, phải nghiên cứu, xem xét cân nhắc kỹ lương. Và tôi cho rằng quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là hợp lý.

PV: Theo ông, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm một cách kịp thời như thế này có ý nghĩa và góp phần như thế nào vào quá trình phục hồi kinh tế của nước ta sau đại dịch?

Ông Phạm Minh Huân: Trong bối cảnh chúng ta đang phục hồi nền kinh tế sau đại dịch việc thông qua một cách kịp thời như thế có ý nghĩa rất quan trọng. Trước bối cảnh thực tế, khi nền kinh tế chịu tác động của dịch bệnh, đối mặt với việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong sản xuất kinh doanh thì việc tăng tốc sản xuất để bù đắp đơn hàng là việc cần thiết. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp lại đang thiếu hụt nguồn nhân lực rất trầm trọng. Vì vậy khi được nới trần làm thêm trong tháng sẽ giúp các doanh nghiệp bảo đảm tiến độ các đơn hàng và người lao động cũng tăng thêm thu nhập. Quy định này thực hiện trong vòng một năm sẽ tùy điều kiện thực tế lúc đó sẽ đánh giá lại và căn cứ vào nguyện vọng của doanh nghiệp thì có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và thực hiện tiếp.

PV: Theo ông cần quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát ra sao để tránh tính trạng các doanh nghiệp lách luật, ép người lao động làm thêm giờ vượt mức trần quy định là 60 giờ/tháng?

Ông Phạm Minh Huân: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ: Nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong một tháng. Như vậy, doanh nghiệp và người lao động phải thỏa thuận với nhau trên nguyên tắc tự nguyện. Trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thực hiện trả lương làm thêm giờ theo đúng quy định của pháp luật, các chế độ phúc lợi đảm bảo cho người lao động. đặc biệt giới tổ chức công đoàn giám sát tình hình cụ thể của doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện đó phải tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức công đoàn, và cả sự giám sát các tổ chức xã hội, tổ chức đoàn thể để doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.