Xây dựng nông thôn mới là một trong 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 được kỳ vọng góp phần chuyển đổi nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân và người dân nông thôn, tiếp cận mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Sau gần 2 năm triển khai chương trình, đến nay, cả nước có hơn 6.000 trên tổng số gần 8.200 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 74%, tăng 11,6% so với cuối năm 2020, trong đó, có 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có 04 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới, 1.528 xã (chiếm 25,3%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 20,1% so với cuối năm 2020) và 230 xã (chiếm 3,8%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu(tăng 3,4% so với cuối năm 2020). Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.

Đặc biệt hiện có 265 đơn vị cấp huyện (chiếm 41,1%) thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới. 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 08 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ước thực hiện đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 78% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành kế hoạch được giao; khoảng 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó các địa phương cũng đã nỗ lực tập trung chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thực hiện các chương trình chuyên đề được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết ở cơ sở, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững, điển hình như: Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn (như ở Nam Định, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Tiền Giang); thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới thông minh (như ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bình Dương), phát triển sản phẩm OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống (Bắc Giang, Nam Định, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Kon Tum, Đồng Tháp...), phát triển du lịch nông thôn (Hà Giang, Sơn La, Quảng Nam, Lâm Đồng, Cần Thơ, An Giang); phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Hà Nội, Lâm Đồng, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai), xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu)...

Kết quả dù đã được ghi nhận ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV2, ông Trần Nhật Lam, Phó cục trưởng, Phó chánh Văn phòng, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương thẳng thắn nhận diện rất nhiều khó khăn thách thức trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trước hết, đó là hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình ở cấp trung ương chậm được ban hành, ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn ngân sách trung ương.

Số lượng xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực II, III) vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới còn rất hạn chế. Đến nay chưa có huyện nào thuộc danh sách các huyện nghèo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, hiệu quả sản xuất chưa đồng đều; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; làng nghề chưa phát triển mạnh, năng lực hoạt động của Hợp tác xã còn một số hạn chế, chưa mạnh dạn mở rộng phát triển và thực hiện liên kết chuỗi giá trị… Nhiều địa phương chưa chú trọng quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với sản phẩm chủ lực, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức, thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp còn gặp khó khăn.

Một số địa phương còn lúng túng, chậm ban hành các văn bản cụ thể hóa bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo phân cấp. Đặc biệt tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2021 chuyển sang thực hiện năm 2022) và giai đoạn 2021-2025 còn chậm. Nhiều địa phương chưa thực hiện việc giải ngân ngay sau khi hoàn thành công tác giao kế hoạch vốn.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 25/2021và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định số 263 ngày 22.2.2022. Chương trình có tổng kinh phí tối thiểu là 196.332 tỉ đồng (vốn ngân sách Trung ương: 39.632 tỉ đồng; vốn ngân sách địa phương: 156.700 tỉ đồng).

- Tuy nhiên, mới đây theo báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia, tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với yêu cầu. Từ năm 2022 đến tháng 6/2023 chỉ đạt 18,9% so với kế hoạch trung hạn; vốn sự nghiệp tính đến ngày 30/6/2023 mới giải ngân được 9,17% kế hoạch vốn của năm...

- Nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương phân bổ chậm, tỉ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo. Chẳng hạn như tại Quảng Ngãi, đã gần hết năm, song tỉ lệ giải ngân còn quá thấp. Huyện Sơn Tịnh, chưa giải ngân được đồng nào.

Theo ông Trần Nhật Lam, nguyên nhân đầu tiên khiến tốc độ giải ngân nguồn vốn của chương trình chậm, không đạt yêu cầu, đó là do trung ương giao vốn chậm: Đến tháng 5 năm 2022 mới có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Đến tháng 9 năm 2022 Bộ Tài chính mới có Quyết định giao kinh phí sự nghiệp cho các bộ, ngành trung ương và địa phương. Ngoài ra, do một số địa phương chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư và các thủ tục chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm nên mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định. Một số nội dung hỗ trợ, định mức hỗ trợ trung ương phân cấp cho địa phương cần phải có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Do đó chưa có đủ cơ sở để triển khai phân bổ, giải ngân vốn ngân sách trung ương ngay khi được giao.

Vậy giải pháp nào để tháo gỡ những điểm nghẽn này, ông Trần Nhật Lam Lam cho biết, trong thời gian tới cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả chương trình. Chỉ đạo các địa phương còn lại khẩn trương hoàn thành ban hành các văn bản, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của trung ương, nhất là quy định các chỉ tiêu, tiêu chí thuộc bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo phân cấp.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị.

Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai chương trình. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ thực hiện 06 chương trình chuyên đề, nhất là các mô hình chỉ đạo điểm của trung ương; đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền. Thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới được Quốc hội phê duyệt, nhất là mục tiêu không còn xã dưới 15 tiêu chí; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích cho vay ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện chương trình.

Ông Trần Nhật Lam cũng cho rằng, việc xem xét lại cơ chế ủy quyền, phân cấp, nhất là về nguồn vốn cho cấp huyện là một giải pháp có thể cân nhắc và trong quá trình làm thí điểm sẽ rút ra các bài học, kinh nghiệm để trong thời gian tới tăng số lượng giao phân cấp, trao quyền cho các huyện nhiều hơn. Đồng thời theo ông Lam nên có cơ chế đặc thù về vốn thực hiện Chương trình cho các tỉnh khó khăn miền núi để tập trung nguồn lực, nhất là với 3 chương trình mục tiêu quốc gia cần lồng nghép với mục tiêu chung là xây dựng nông thôn mới.

Theo mục tiêu đặt ra của chương trình là đến năm 2025 cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 6.542 xã), trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tương đương 654 xã); có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Trần Nhật Lam thông tin, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tổng hợp dự kiến kết quả phấn đấu xây dựng nông thôn mới đến hết năm 2023, đăng ký mục tiêu phấn đấu năm 2024 và rà soát, đề xuất phương án điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 của các địa phương.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực hỗ trợ trực tiếp của Chương trình rất hạn chế, địa phương cũng gặp khó khăn trong cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương các cấp để thực hiện thì để hoàn thành toàn bộ các mục tiêu của Chương trình đến 2025 cần phải có nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương và sự tham gia tích cực của cộng đồng và người dân”, ông Trần Nhật Lam nhấn mạnh.