Hiện nay, dù các loại hình truyền thông xã hội có phát triển mạnh mẽ đến đâu thì phát thanh vẫn luôn có một vị trí không thể thay thế trong đời sống con người. Sự đa dạng về ngôn ngữ trên sóng phát thanh đóng vai trò quan trọng, giúp mọi người có quyền bày tỏ quan điểm bằng ngôn ngữ riêng của mình. Trong kỷ nguyên số, phát thanh đã có sự đổi mới không ngừng để thích ứng với xu thế phát triển của thời đại.

PGS.TS Đinh Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng phát thanh đã có sự chuyển đổi, đổi mới rất sáng tạo, các đài phát thanh đã tiếp cận mạng xã hội, các app và các hình thức phát thanh như Podcast…. Đặc biệt là theo dõi các kỳ liên hoan phát thanh toàn quốc gần đây, tôi nhận thấy với sự dẫn đầu của Đài Tiếng nói Việt Nam - Đài phát thanh quốc gia - thì các đài phát thanh địa phương cũng có sự đổi mới rất ấn tượng để gắn kết công chúng trên các nền tảng khác nhau và mang đến dòng thông tin tin cậy, chính xác.

Có thể thấy, bước vào thời kỳ chuyển đổi số, công chúng đã dành phần lớn thời gian cho việc nghe phát thanh trên Internet. Đây là một xu hướng phát triển cho phát thanh hiện nay ngày càng phát triển và thu hút thính giả, nhất là thính giả trẻ. “Một điều chúng ta khẳng định là tính tiện lợi, tính dễ tiếp nhận, gần gũi của phát thanh truyền thống vẫn thể hiện, phát huy được trên môi trường mạng. Nghĩa là với điện thoại di động hay máy tính bảng, máy tính cá nhân, công chúng vừa có thể nghe vừa làm những công việc khác và vừa tiếp nhận thông tin. Đặc biệt là lượng thông tin chính xác, tin cậy và bổ ích đã khiến phát thanh được yêu thích trên môi trường mạng. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chúng ta phát huy những thế mạnh của phát thanh truyền thống để tiếp cận với công chúng hiện đại”, PGS.TS Đinh Thu Hằng nhấn mạnh.

Mạng xã hội phát triển với việc truyền tải thông tin rất nhanh chóng là một thách thức lớn với các loại hình truyền thông, trong đó có phát thanh. Tuy nhiên, với những thế mạnh của mình, với những đặc trưng riêng có, rất nhiều thính giả lựa chọn phát thanh và tin tưởng vào các thông tin từ phát thanh. Nói cách khác là với nhiều người “phát thanh là sự thuyết phục”.

Theo PGS.TS Đinh Thu Hằng thì phát thanh là một kênh thông tin đáng tin cậy, đã tạo dựng một lòng tin rất sâu sắc, quan trọng với người dân Việt Nam. Điều này ghi nhận công sức của đài phát thanh trong việc thông tin trung thực, khách quan, chính xác đến với công chúng. Nhưng cũng đặt ra trọng trách phát thanh phải giữ được lòng tin đó và thể hiện được vai trò là người cung cấp thông tin tin cậy trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội thật, giả lẫn lộn như hiện nay.

Phát thanh có thế mạnh riêng và công chúng riêng – cho dù xã hội có biến chuyển thế nào. Chính những yếu tố gần gũi, đời thường, chính xác, tin cậy, thuyết phục, gắn bó mật thiết với đời sống của công chúng khiến phát thanh luôn có chỗ đứng vững trong lòng thính giả.

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Thu Hằng cho rằng trong kỷ nguyên số, khi mà thông tin phải nhanh nhạy để cạnh tranh với mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác thì ngoài việc nhân lên các giá trị cỗi lõi, những yếu tố làm nên bản sắc của phát thanh thì các đài phát thanh cần chuyển đổi số mạnh mẽ để các dòng sản phẩm của phát thanh sẽ thể hiện được tính hiện đại, thích ứng với cách thức tiếp nhận của công chúng trên môi trường số.

Giữa thời đại thông tin nhanh, nhiều chiều với nhiều phương tiện truyền thông hiện đại, phát thanh vẫn có chỗ đứng vững chắc của mình, thính giả vẫn thể hiện sự trung thành, trao trái tim, lòng hâm mộ cho những sản phẩm phát thanh. Quan trọng là các nhà báo phát thanh phải thực sự đổi mới tư duy, phong cách, không ngừng cải tiến nội dung và hình thức thể hiện để làm sao thông tin phát thanh không chỉ hay, hấp dẫn mà còn thuyết phục. Đây cũng chính là cái đích hướng đến của ngành phát thanh trong kỷ nguyên số.