Là một trong những cơ sở công tác xã hội được thành lập sớm nhất trong cả nước, đến nay sau hơn 10 năm thành lập, Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đã trở thành một trong những địa chỉ thân thiện của những người yếu thế trên địa bàn. Ông Trương Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết: Là một đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trung tâm vừa nỗ lực làm tròn vai trò tham mưu vừa là đơn vị cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho người yếu thế, trẻ em và người khuyết tật. Bên cạnh đó, trung tâm cũng tích cực huy động sự vào cuộc của các cơ sở cung cấp dịch vụ, vận động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, phi chính phủ để nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, cũng như ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ trẻ em và trợ giúp người khuyết tật.
“Hiện ngoài việc tiếp nhận và giải đáp cho hàng nghìn trường hợp gặp những khúc mắc trong cuộc sống thông qua tổng đài tư vấn miễn phí... trung tâm còn triển khai rất nhiều mô hình có hiệu quả như: Mô hình Tâm lý trị liệu trẻ em rối nhiễu tâm trí thông qua phòng khám tâm lý trị liệu cho trẻ em; Mô hình Thí điểm cá nhân và gia đình nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Mô hình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật…”, ông Trương Mạnh Hùng cho biết và nhấn mạnh để đạt được kết quả này là do có sự quan tâm vào cuộc của lãnh đạo các cấp từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đến tỉnh trong việc định hướng hoạt động. Đồng thời cũng là một may mắn của trung tâm khi là tỉnh đầu tiên triển khai lĩnh vực công tác xã hội nên được bố trí nguồn lực phù hợp. Đây là điều kiện rất thuận tiện để triển khai các hoạt động trợ giúp. Ngoài ra một yếu tố nữa cũng được ông Hùng nhắc tới đó là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn có sự phối hợp với các chuyên gia về công tác xã hội để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp
Không chỉ Trung tâm công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, đến nay, có rất nhiều mô hình trung tâm công tác xã hội khác cũng đã và đang vận hành rất hiệu quả. Có thể kể đến: Trung tâm công tác xã hội thành phố Đà Nẵng, Bến Tre, Long An, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh…Có thể nói sự hình thành của các trung tâm này đã đưa nghề công tác xã hội thể hiện rõ hơn vai trò, ý nghĩa trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế sự thiếu hụt các công cụ, hành lang pháp lý hoàn chỉnh đang tạo nên nhiều rào cản cho sự phát triển của nghề công tác xã hội ở nước ta. Ông Trần Cảnh Tùng, Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, so với các nước phát triển trên thế giới, và ngay cả với nhiều nước trong khu vực, thì các quy định liên quan đến công tác xã hội ở Việt Nam còn một khoảng cách lớn. Bởi vậy, việc sớm xây dựng và ban hành Nghị định riêng về Công tác xã hội là cần thiết. Điều này không chỉ đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế và khu vực mà còn là sự quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật để hướng tới mục tiêu phát triển nghề công tác xã hội một cách bền vững, chuyên nghiệp.
Mời nghe bài viết tại đây: