Chị Lê Mai Anh – một phụ huynh có con học lớp 2 ở quận Đống Đa – Hà Nội cho biết, dù con chưa được nghỉ hè nhưng chị đã chủ động đăng ký cho con học bơi tại Trung tâm thể dục thể thao gần nhà chứ chờ trường tổ chức dạy bơi cho học sinh thì không biết đến bao giờ. Nỗi lo của chị Mai Anh cũng là điều dễ hiểu bởi hiện nay trên cả nước rất ít trường tổ chức dạy bơi cho học sinh.

Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, trung bình mỗi năm ở nước ta có khoảng 370.000 trẻ em bị tai nạn, thương tích. Trong đó, số trẻ tử vong do đuối nước lên tới khoảng 3.500 em. Riêng năm 2022, dù chỉ mới đầu hè nhưng đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng.

Trước thực trạng này, ngày 2/5, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các UBND tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, trong đó phổ cập bơi lội cho học sinh được xem là giải pháp quan trọng để phòng đuối nước ở trẻ em. Tuy nhiên, cho đến nay, mục tiêu phổ cập bơi lội cho trẻ em vẫn còn nhiều trở ngại.

Lý giải về những khó khăn này ông Nguyễn Nho Huy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất – Bộ Giáo dục và đào tạo cho rằng: Có 3 nguyên nhân chính khiến việc phổ cập bơi cho trẻ không đạt hiệu quả. Thứ nhất là về kinh phí và cơ sở vật chất. Trường có điều kiện về kinh phí thì không có mặt bằng; trường có mặt bằng nhưng lại không đủ kinh phí. Nguyên nhân thứ hai là về nhân lực, đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất còn thiếu đặc biệt là ở cấp tiểu học. Bên cạnh đó, một lượng lớn đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất chưa được đào tạo huấn luyện, cấp chứng chỉ dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh. Vấn đề thứ ba là sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành về dạy bơi cho học sinh còn hạn chế.

Dưới góc độ của một giáo viên, từng nhiều năm dạy môn giáo dục thể chất, thầy Dương Ngọc Sơn – trường Tiểu học Tràng An – Hà Nội cho rằng, với những trường dù có bể bơi thì việc hàng tuần đưa học sinh xuống bể để tập cũng là điều khó khăn do chương trình và thời lượng dành cho môn giáo dục thể chất quá ít. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới đang thực hiện đều có nội dung bơi lặn (lớp 3 đối với bậc tiểu học và lớp 7 ở bậc THCS) nhưng mỗi tuần chỉ có 1 tiết với thời lượng 35 phút. Bên cạnh đó, do đặc thù của môn bơi là phải có môi trường nước để thực hành nên nhiều giáo viên dù có được đào tạo, tập huấn cơ bản nhưng nếu không được luyện tập thường xuyên thì kiến thức chuyên môn cũng sẽ dần mai một.

Một khó khăn nữa cũng phải kể đến đó là khi các trường phối hợp với các Trung tâm thể dục thể thao để tuyển sinh nếu chẳng may xảy ra những tình huống không mong đợi thì các trường cũng sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm. Đây cũng là điều khiến các trường còn e dè trong việc phối hợp để dạy bơi cho trẻ.

Để tháo gỡ những khó khăn này, năm 2018, khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao, nhiều người đề xuất đưa môn bơi trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường, bên cạnh các môn văn hóa khác hoặc phải có chứng chỉ biết bơi khi tốt nghiệp bậc tiểu học hoặc PTCS.

Tuy nhiên, với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là khó khả thi. Thống kê của Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến cuối năm 2020, nước ta chỉ đạt 0,47 bể bơi/trường học. Ngay cả ở bậc đại học, chỉ có khoảng 13% các trường có xây dựng bể bơi trong trường. Đó là chưa kể việc vận hành, duy trì, bảo dưỡng bể khi đi vào hoạt động, đây cũng là một thách thức không nhỏ.

Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em – Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng chống đuối nước, các Bộ, ban ngành cần có sự phối hợp với nhau trong việc tuyên truyền phòng chống đuối nước. Trước mắt, Bộ đã phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn hóa các tài liệu dạy bơi an toàn, tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay các tài liệu dạy bơi và kỹ năng an toàn đã được triển khai tại 10 tỉnh có tỷ lệ trẻ đuối nước cao, nhờ đó tỷ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ đã giảm và kỹ năng của cha mẹ và của trẻ em về phòng tránh đuối nước cũng được tăng lên.

Còn dưới góc độ là cơ quan chủ quản, ông Nguyễn Nho Huy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, có 3 việc mà các trường, cơ sở giáo dục cần làm ngay. Thứ nhất là phải mở đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức cho học sinh, những quy định về an toàn phòng chống đuối nước, hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước đến từng lớp, từng trường trước khi các em bước vào kỳ nghỉ hè. Thứ 2 cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào dạy bơi và kỹ năng an toàn cho học sinh trong trường học. Thứ 3 là cần có sự phối hợp quản lý giữa nhà trường, gia đình, tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương để giám sát học sinh trong thời gian các em được nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Bơi lội không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, thể chất mà còn là kỹ năng sinh tồn. Tuy nhiên, với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là rất khó khả thi. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao đã quy định trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc phối hợp giữa cơ sở thể thao công lập do mình quản lý với cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường. Như vậy, chỉ cần các địa phương thực hiện đúng trách nhiệm của mình, thì việc phổ cập bơi cho học sinh sẽ không còn khó khăn, trở ngại./.

Mời nghe chương trình tại đây: