Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, năm 2021, số người bán dâm ước tính là 11.066 người, trong đó, tập trung nhiều ở một số khu vực như: Đồng bằng sông Hồng: Đông Bắc; Bắc Trung bộ; Đông Nam Bộ; Đồng bằng Sông Cửu Long…Cả nước có 126.833 cơ sở kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, không loại trừ tệ nạn mại dâm đang hoạt động, tăng 1,12 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, do thực hiện biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh hoạt động mại dâm tạm dừng hoạt động nên đã hạn chế đáng kể điều kiện, khả năng hoạt động mại dâm. Tuy nhiên, từ quý II/2022 đến nay, các địa phương đã hết thực hiện giãn cách xã hội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm có xu hướng tăng trở lại. Mại dâm theo tour du lịch vẫn diễn biến phức tạp. biến tướng dưới hình thức “hợp đồng”, nhận con nuôi, bố nuôi (sugar baby- sugar dady) ngày càng phổ biến. Các đối tượng môi giới mại dâm, khiêu dâm, kích dục… sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, kín đáo thông qua mạng internet, mạng xã hội, các diễn đàn, nhóm kín gây nhiều khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Theo ghi nhận từ các cơ quan liên ngành về phòng, chống mại dâm tình trạng lợi dụng mạng internet, thông qua các trang mạng xã hội (zalo, facebook, Telegram), website đồi truỵ và các thiết bị di động thông minh để mời chào, quảng cáo, thoả thuận mua bán ngày càng phổ biến. Nhiều đối tượng thành lập các nhóm kín, lợi dụng các ứng dụng, thành tựu công nghệ, hoạt động trên không gian mạng để hoạt động với quy mô ngày càng rộng lớn, tính chất phức tạp, nên công tác phát hiện, đấu tranh xử lý vi phạm với các đối tượng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Là một tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh, mỗi năm thu hút lượng khách du lịch khá lớn nên Quảng Ninh được xem là địa bàn có nguy cơ tiềm ẩn tệ nạn mại dâm. Vì vậy, nhằm tăng cường các hoạt động phòng, chống mại dâm, giảm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường nhiều biện pháp nghiệp vụ như: chủ động tham mưu cho Giám đốc công an tỉnh, ban hành các văn bản chỉ đạo công an các địa phương, đặc biệt là lực lượng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, xác định rõ phạm vi trách nhiệm, tăng cường công tác nắm tình hình, diễn biến, biểu hiện hoạt động của từng cơ sở kinh doanh, từng đối tượng trong diện nghi vấn để áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp - Đội trưởng Nguyễn Đoàn Hanh, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Để tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn mại dâm, ngày 05/9/2022 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 808/QĐ-LĐTBXH Kế hoạch tổng về phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025. Kế hoạch này cụ thể hoá các nhiệm vụ đã được quy định trong Chương trình phòng chống mại dâm của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm thực hiện từng nhiệm vụ đối với mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan. Theo ông Nguyễn Đức Chung - Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm - Cục phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động thương binh và xã hội, kế hoạch được thiết kế dựa trên 5 hoạt động chính của Chương trình phòng chống mại dâm, đó là: nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình có liên quan tại địa bàn cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm, điều tra, truy tố các tội phạm liên quan đến mại dâm; xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm. Có thể nói kế hoạch tổng thể này là xương sống để giúp cho các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt công tác phòng chống mại dâm được theo đúng định hướng Chương trình phòng chống mại dâm của Chính phủ và phù hợp với đường lối chủ chương của Đảng và nhà nước - ông Nguyễn Đức Chung cho biết.

Mục tiêu mà kế hoạch đề ra là ít nhất 70% số xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền phòng ngừa mại dâm; 50% các tỉnh, thành phố lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, kiểm tra ít nhất 20% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm…Đến thời điểm hiện tại đã có 22 địa phương đạt trên 80% số xã, phường, thị trấn tổ chức ít nhất một hình thức truyền thông về phòng ngừa mại dâm; 100% tỉnh, thành phố có thông tin về phòng chống mại dâm được đăng tải trên các cơ quan báo chí cấp Trung ương và cấp tỉnh ít nhất 1 tháng một lần. 37 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện lồng ghép nhiệm vụ phòng chống mại dâm với thực hiện chương trình có liên quan ở địa phương (đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch). Năm 2021 Đội kiểm tra liên ngành phòng chống mại dâm 178 các địa phương đã tiến hành kiểm tra 36.059 lượt, 6 tháng đầu năm là 10.321 lượt cơ sở dinh doanh dịch vụ về phát sinh tệ nạn mại dâm, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đặt ra.

Với đặc trưng là địa bàn vùng biên giới, có nhiều người di cư, dễ phát sinh tệ nạn xã hội trong đó có tệ nạn mại dâm nên hội phụ nữ phường Hòa Lạc, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh luôn chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm tới từng địa bàn dân cư. Những câu lạc bộ như: "gia đình hạnh phúc"; "phụ nữ với pháp luật" đã kip thời phổ biến những thông tin, kiến thức về phòng, chống mại dâm tới toàn thể chị em phụ nữ và người dân - bà Nguyễn Thanh Trà, Chủ tịch Hội phụ nữ phường Hòa Lạc, thành phố Móng Cái cho biết.

Trong 5 năm qua, có 77.781 lượt người bán dâm được hỗ trợ, trong đó có 66.862 lượt người bán dâm được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; 7.772 lượt người được tư vấn, trợ giúp pháp lý; 1.812 lượt người được hỗ trợ giáo dục; 556 lượt người được tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 457 triệu đồng; 779 lượt người được học nghề, tạo việc làm.

Truyền thông là một phần trong công tác phòng ngừa phòng chống mại dâm và cần phải làm thường xuyên định kỳ hàng năm. Do vậy trong Chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 Chính phủ đã đưa ra 06 nhiệm vụ về truyền thông cụ thể: xây dựng và thực hiện các chiến lược truyền thông về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống mại dâm; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người bán dâm; tăng cường tuyên truyền phòng ngừa đến toàn xã hội, chú trọng ở các khu vực miền núi, địa phương có nhiều người di cư để hạn chế phát sinh mới số người tham gia mại dâm; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, các tiểu phẩm, ký sự, bài viết và tăng thời lượng truyền thông về tình hình tệ nạn mại dâm, công tác phòng, chống mại dâm trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương; đổi mới cách thức, nội dung công tác truyền thông theo hướng sinh động để thu hút giới trẻ, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, qua mạng Internet và mạng xã hội; các hình thức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, có tính tương tác cao tại các khu công nghiệp, trường học; lồng ghép, thiết kế, phát triển các chương trình, tài liệu, công cụ truyền thông, tuyên truyền về phòng, chống mại dâm phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa phương, cộng đồng, tập trung vào các đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, người lao động trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, người lao động trong các khu công nghiệp về tác hại của tệ nạn mại dâm, pháp luật về phòng, chống mại dâm, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn; tổ chức biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác phòng, chống mại dâm theo quy định hiện hành.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Chung muốn xã hội công tác phòng, chống mại dâm hiện tại cần thiết phải xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật hỗ trợ cho người bán dâm hoà nhập cộng đồng hay đơn giản hơn và hình thành các dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm. Mà khó khăn hiện nay chưa có cơ sở nào dành riêng để hỗ trợ cho người bán dâm chủ yếu phải thông qua lồng ghép các dịch vụ hiện có để hỗ trợ cho người bán dâm. Cụ thể muốn cung cấp dịch vụ y tế cho người bán dâm cần phải chuyển qua các trung tâm y tế, bệnh viện…muốn cung cấp dịch vụ tư vấn dạy nghề phải đưa họ sang trung tâm tư vấn nghề… Do vậy việc tính toán định mức kinh tế kỹ thuật hỗ trợ xã hội người bán dâm gặp rất nhiều khó khăn do nó không nằm trong một đơn vị sự nghiệp công lập.

Phòng chống mại dâm là công việc hết sức phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các giải pháp thì mới có kết quả. Cuộc đấu tranh này chỉ thực sự có hiệu quả khi chúng ta làm tốt tất cả các giải pháp góp phần nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, mối hiểm họa của các loại tội phạm này trong xã hội./.

Mời nghe chương trình tại đây: