75 năm trước, ngày 6/1/1946, giữa lúc đất nước đang thù trong, giặc ngoài, nhân dân ta, những người lần đầu là chủ nhân của một nước độc lập đã nô nức và hãnh diện cầm lá phiếu bầu đại biểu đại diện cho mình vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. 75 năm qua, Quốc hội Việt Nam không ngừng trưởng thành, đổi mới và phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần to lớn vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Mỗi kỳ họp Quốc hội đi qua, nhất là trong bối cảnh dịch covid-19 hiện nay, ngày càng để lại những dấu ấn mạnh mẽ, những đổi mới được cử tri cả nước ghi nhận. Quốc hội đổi mới cách thức điều hành, đổi mới phương thức chất vấn, đổi mới nội dung phiên họp, hay về công nghệ thông tin. Đó là điều mà ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc Hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV2:

Phóng viên: Thưa ông Bùi Văn Xuyền, ông nhìn nhận và đánh giá thế nào về chất lượng của các kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhất là trong bối cảnh phức tạo của đại dịch Covid-19?

Ông Bùi Văn Xuyền: Trong các kỳ họp Quốc hội vừa qua, kỳ họp thứ 10 là kỳ họp cuối của nhiệm kỳ khóa XIV, tôi cho rằng thành công của kỳ họp này cũng như là của Quốc hội khóa 14 cũng là sự kế tiếp của các khóa trước đây. Việc tổ chức đổi mới của Quốc hội ngày càng đáp ứng được yêu cầu và đáp ứng được mong mỏi của cử tri. Đây là thành công chung của cả Quốc hội và cả nhiệm kỳ.

Phóng viên: Tại kỳ họp Quốc hội thứ 9, khóa 14, ứng dụng công nghệ 4.0, Quốc hội đã có thể họp trực tuyến liên tục trong nhiều ngày. Dù là họp trực tuyến với nhiều điểm cầu trong cả nước nhưng kỳ họp đã diễn ra thông suốt, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Đây là kỳ họp Quốc hội điện tử với tổng thời gian làm việc của cả 2 đợt họp chỉ kéo dài trong 19 ngày, ngắn hơn so với các kỳ họp trước nhưng vẫn hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình kỳ họp với nhiều nội dung. Ông có nghĩ đây chính là khởi đầu cho sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc đổi mới, cải tiến, hoàn thiện phương thức hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới?

Ông Bùi Văn Xuyền: Như chúng ta đã biết, năm 2020 là năm đặc biệt hơn các năm khác vì đại dịch Covid -19 gây ảnh hưởng không nhỏ. Việc phải đảm bảo các kỳ họp được diễn ra hiệu quả nhưng vẫn tuân thủ đúng yêu cầu chống dịch thì tổ chức họp trực tuyến là tất yếu phải thực hiện. Hiến pháp Việt Nam cũng không quy định cấm họp trực tuyến, do vậy Quốc hội đã nhanh chóng chuyển trạng thái từ họp trực tiếp sang họp trực tuyến. Kỳ họp thứ 9 và kỳ họp thứ 10 chính là minh chứng cho việc chuyển đổi mạnh mẽ sang họp trực tuyến, đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch và yêu cầu tổ chức của Quốc hội một cách thông suốt. Kết quả của hai phiên họp trực tuyến cho thấy rằng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Quốc hội đem lại hiệu quả tốt và không ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường khác của kỳ họp, vẫn an toàn và hiệu quả, đảm bảo được tiến độ và thời gian đặt ra. Việc đăng ký tranh luận của đại biểu và các phiên điều hành của lãnh đạo Quốc hội đều diễn ra bình thường. Sau khi kết thúc kỳ họp, Quốc hội có lấy ý kiến của kỳ họp trực tuyến thì đa số các đại biểu Quốc hội đều đồng tình vì đáp ứng được yêu cầu của thời đại 4.0, tiết kiệm được chi phí đi lại. Tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, dù là có dịch hay không thì cần thiết vẫn có thể tổ chức họp trực tuyến.

Phóng viên: Ông có cho rằng, tiến hành họp trực tuyến, hay nói cách khác là Quốc hội điện tử cũng là một cách thức tốt và hiệu quả để thông tin trực tiếp và truyền tải những nội dung trong nghị trường của Quốc hội đến với nhân dân. Đồng thời, họp trực tuyến cũng tạo điều kiện để cử tri và nhân dân giám sát các đại biểu do mình bầu ra?

Ông Bùi Văn Xuyền: Họp trực tuyến hay trực tuyến thì thông tin đến cử tri cũng như nhau mà thôi, đặc biệt tôi thấy ở các đầu cầu ở địa phương ó sự tham gia của lãnh đạo địa phương và các cơ quan ban ngành. Thậm chí là cán bộ văn phòng các cơ quan phục vụ cho Quốc hội, rồi Hội đồng nhân dân cũng có thể ngồi tham dự và hiểu rõ hơn về các hoạt động của Quốc hội. Họ cũng là những cử tri, đánh giá được các hoạt động của Quốc hội, của từng đại biểu Quốc hội, như vậy sẽ mang lại hiệu ứng rất là tốt, mọi người có thể giám sát được hoạt động của Quốc hội cũng như là các đại biểu Quốc hội.

Phóng viên: Trước tình hình mới, thời cơ vận hội đi liền khó khăn, thách thức, theo ông nhiệm vụ cải tiến, đổi mới mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Quốc hội đóng vai trò quan trọng như thế nào?

Ông Bùi Văn Xuyền: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thay người dân quyết định mọi vấn đề và giám sát tối cao đối với các hoạt động của các cơ quan nhà nước. Trước những đòi hỏi thực tiễn thì chắc chắn khóa XV và những khóa tiếp theo của Quốc hội lại cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa để có thể đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của cử tri và của thực tiễn. Đây là yêu cầu khách quan và chắc chắn trong thời gian tới, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và trước những yêu cầu thách thức mới càng đòi hỏi phải đổi mới tốt hơn nữa.

Phóng viên: Thưa ông Bùi Văn Xuyền, tinh thần dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội đã được thể hiện ngay trong những cuộc thảo luận đầy trí tuệ và có trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội tại những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa I. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I, kỳ họp dài ngày đầu tiên của Quốc hội, người dân đã được vào dự thính và theo dõi diễn biến của các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Trong phiên chất vấn Chính phủ đầu tiên, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi, tranh luận với các thành viên Chính phủ về những vấn đề rất quan trọng cả về đối nội và đối ngoại. Trong việc xem xét, thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc,các đại biểu Quốc hội cũng đã tranh luận một cách dân chủ, thấu đáo về tất cả những vấn đề cơ bản của một bản Hiến pháp tiến bộ cùng nhìn lại những kỳ họp đầu tiên cho đến nay, thì theo ông tinh thần dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội được phát huy như thế nào?

Ông Bùi Văn Xuyền: Đúng như thế, tinh thần dân chủ, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội tham gia vào nghị trường, đóng góp cũng như là tranh luận, chất vấn là sự kế thừa kết quả ngay từ khóa I cho đến các khóa tiếp theo của Quốc hội. Trong các điều kiện hoàn cảnh khác nhau sẽ có những nội dung phù hợp. Đặc biệt những khóa gần đây, việc đổi mới trong các kỳ họp được thực hiện rất mạnh mẽ. Sau mỗi kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội lại chỉ đạo lấy ý kiến đại biểu Quốc hội và rút kinh nghiệm, những nội dung nào chưa đạt, cần phải đổi mới, cần phải bổ sung và đáp ứng yêu cầu thực tiễn thì lại tiếp tục cải tiến. Những điều nay đem lại hiệu quả tốt và đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Quốc hội phải thực sự là diễn đàn của người dân và các đại biểu Quốc hội phải nói lên được tiếng nói của người dân ở trên diễn đàn Quốc hội, giám sát tốt cao tất cả các hoạt động của nhà nước.

Phóng viên: Một trong những dấu ấn của kỳ họp Quốc hội vừa qua chính là nội dung tranh luận rất rõ, không chỉ đại biểu tranh luận với các thành viên Chính phủ mà là các đại biểu Quốc hội tranh luận với nhau. Tranh luận để tìm tiếng nói chung, tìm ra quyết sách đúng để đưa đất nước phát triển. Tại các kỳ họp của Quốc hội khoá XIV, có thể thấy những cuộc chất vấn, tranh luận trên nghị trường rất sôi nổi, khi cần thiết thì các đại biểu có thể giơ biển tranh luận ngay. Ông có suy nghĩ gì về tính dân chủ trong các kỳ họp Quốc hội và việc giải quyết những vấn đề cử tri đặt ra hiện nay?

Ông Bùi Văn Xuyền: Đây là bước chuyển quan trọng từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận từ khóa XII, khóa XIII rồi sang khóa XIV. Đặc biệt, các hoạt động chất vấn của Quốc hội cũng được đổi mới qua từng kỳ họp. Lúc đầu là thực hiện chất vấn theo từng nhóm vấn đề để tìm ra giải pháp tốt nhất giải quyết những vấn đề cử tri nêu, sau đó lại chất vấn trở lại. Sau này thì như phiên chất vấn vừa rồi là tổng kết lại khi hết nhiệm kỳ, những nội dung gì mà đại biểu Quốc hội đưa ra đã được giải quyết, nội dung gì đưa ra chưa được giải quyết, xem xét đánh giá một lần nữa để thấy được hiệu quả hoạt động, thấy được các cơ quan chức năng giải quyết các nguyện vọng của cử tri như thế nào. Làm như thế thì tất cả các thành viên Chính phủ, những người được chất vấn cũng phải suy nghĩ, xem xét. Kể cả Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cũng phải tự mình đánh giá lại hoạt động của mình trong từng khóa. Cuối cùng Quốc hội mới lấy ý kiến biểu quyết của các đại biểu Quốc hội và đưa ra quyết định. Đây là tiền đề cho các năm tiếp theo, các khóa tiếp theo sẽ phải tiếp tục cố gắng làm tốt. Việc đổi mới dân chủ như vậy đáp ứng rất tốt nguyện vọng của cử tri và qua tiếp xúc cử tri cho thấy cử tri đánh giá cao điều này.

Phóng viên: Quốc hội đổi mới đồng nghĩa với việc yêu cầu Đại biểu Quốc hội phải nỗ lực nhiều hơn, trách nhiệm cao hơn để có thể đáp ứng tốt hơn mong mỏi, tâm nguyện của cử tri và nhân dân, phải không thưa ông?

Ông Bùi Văn Xuyền: Rõ ràng để đáp ứng yêu cầu của cử tri và yêu cầu của người dân thì chắn chắn Quốc hội phải tiếp tục đổi mới hơn nữa chứ không thể dừng lại ở một nhiệm kì nào cả. Tùy từng thời điểm, tùy từng thời kì sẽ có những đặc điểm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi Quốc hội phải rất nhanh nhậy. Ví dụ như diễn biến của dịch Covid-19 vừa rồi thì chắc chắn Quốc hội không thể tập trung đông trong Nghị trường nên phải họp trực tuyến. Hiện nay sự phát triển của công nghệ rất nhanh, nhiều vấn đề đặt ra, chính vì thế thông tin giữa các đại biểu với nhau, rồi giữa các đại biểu với Quốc hội và cơ quan Chính phủ, kể cả tương tác của người dân với các đại biểu Quốc hội cũng diễn ra mạnh mẽ. Các đại biểu Quốc hội phải đáp ứng yêu cầu đó, phải tự học hỏi nâng cao năng lực trình độ của mình lên.

Phóng viên: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021) kết thúc và tiến tới là chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội khóa XV. Để Quốc hội khóa XV có thể đảm đương tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong hoạt động lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong bối cảnh, tình hình hiện nay, thì theo ông cả Quốc Hội và cử tri cần phải làm gì?

Ông Bùi Văn Xuyền: Luật tổ chức Quốc hội đã sửa đổi và có một số yêu cầu mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ví dụ như số đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được sửa đổi và tăng tối thiểu 35% - 40%, đây là một trong những nội quan trọng để đáp ứng yêu cầu ngày càng phải chuyên nghiệp hóa. Quốc hội của chúng ta là đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các vùng miền, do vậy không thể nói 100% là chuyên trách được mà phải có các đại diện, tuy nhiên thì tỷ lệ như thế nào cho hợp lý thì vừa rồi sửa đổi Luật cũng đã tính đến điều này. Thứ hai là đối với cử tri và người dân thì tôi nghĩ rằng sắp tới, chuẩn bị cho kì họp Quốc hội khóa XV thì các cơ quan Nhà nước, tổ chức đoàn thể đã có quy định trách nhiệm giới thiệu người có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức để ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Qua quá trình hiệp thương, giới thiệu đã có quy định chặt chẽ và tôi mong muốn các cử tri tích cực tham gia vào các hoạt động, dành nhiều thời gian hơn nữa trong việc xem xét, đánh giá toàn diện các đại biểu được đưa ra ứng cử để có thể đưa ra lựa chọn tốt nhất, đề cử được những người xứng đáng nhất, có năng lực trình độ và bản lĩnh. Đồng thời các cử tri cần tránh việc làm hình thức, đã làm thì phải làm thật tốt, lựa chọn được những người tốt.

Phóng viên: Để Quốc hội thực sự phát triển mạnh và tiến bộ, đổi mới hơn nữa thì cần phải bảo đảm vai trò làm chủ của nhân dân, sự kiểm tra, giám sát của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác chuẩn bị, giới thiệu nhân sự, bảo đảm công khai, minh bạch, tôn trọng ý kiến của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân đúng không thưa ông?

Ông Bùi Văn Xuyền: Hoàn toàn đúng, rõ ràng việc bầu cử là sinh hoạt chính trị của toàn thể người dân và người dân cần phải được tham gia vào hoạt động này. Nếu tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia được nhiều các cuộc họp trong các quy trình từ giới thiệu đến lúc bầu cử thì rõ ràng là sẽ thể hiên được sự dân chủ và chắc chắn sẽ lựa chọn được người xứng đáng để tham gia vào hoạt động của Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.