Dự thảo Luật quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn có 9 điểm mới trong đó có 3 điểm mới nổi bật gồm: 1. Định vị rõ vị trí Quy hoạch đô thị và nông thôn trong hệ thống quy hoạch hiện hành; 2. Tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch; 3. Đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong công tác quy hoạch…

Bên cạnh đó, Dự luật cũng bổ sung quy định rõ về quy hoạch không gian ngầm; chặt chẽ hơn về điều kiện điều chỉnh quy hoạch; đảm bảo nguồn lực để thực hiện quy hoạch. Bổ sung các quy định về điều kiện, năng lực của tổ chức tư vấn quy hoạch; Quy định trách nhiệm của chính phủ; Tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện quy hoạch.

Cần thêm quy định, cơ chế cho nhà ở xã hội

Về các loại hình điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn, nhiều đại biểu cho rằng cần có thêm những quy định, cơ chế đối với trường hợp điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, nông thôn để thực hiện dự án nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư tại chỗ. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đề xuất “Tại điều 46 cần bổ sung nội dung đối với nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư tại chỗ được ưu đãi về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất theo quy định của pháp luật về nhà ở để đảm bảo rthwcj hiện dự án và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện dự án nhà ở xã hội, xây dựng lại chung cư, tái định cư tại chỗ, đẩy nhanh tiến độ dự án, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động”.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng cần quy hoạch để nhà ở xã hội không ở những nơi quá xa, dân cư thưa thớt, không thuận lợi về giao thông. Bởi thực tế đã có không ít khu tái định cư, nhà ở xã hội không có người ở. “Bây giờ nhà ở xã hội phải tính đến cả yếu tố thuận tiện cho việc đi làm và đi học của con cái. Nếu ở quá xa nơi người ta mưu sinh, chỉ nói đến tiền xăng cũng không đủ tiền. Chúng ta đừng nghĩ nhà ở xã hội chỉ cần nhà ở là xong mà cần phải tính toán đến nhiều yếu tố khác nhau như hạ tầng giao thông phải như thế nào, hạ tầng cơ sở dân sinh thì như thế nào…bởi vì nhu cầu của người ta không chỉ có một chỗ ở mà là cần một chỗ ở ổn định, thuận tiện cho sinh hoạt cuộc sống”.

Quy hoạch phải đảm bảo lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Việt Nam hiện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Sự đan xen giữa 2 khu vực đô thị và nông thôn đặt ra yêu cầu kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới. Do đó công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần có tư duy đổi mới nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quy hoạch. Đặc biệt trong xu thế mở cửa hiện nay, nước ta dung nạp ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đang đứng trước thách thức lớn.

Dễ nhận thấy nhất là về mặt kiến trúc, toàn cầu hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa làm nảy sinh một số tác động tiêu cực đến giá trị kiến trúc truyền thống. Cảnh quan nông thôn cũng dần mất biểu tượng đặc trưng văn hóa như cây đa, bến nước, đình làng, nhà theo kiến trúc truyền thống… thay thế bằng nhà ống, nhà theo kiểu kiến trúc ngoại lai, kiến trúc ngoại lại, rập khuôn.

Trong khi đó, nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 của ban chấp hành trung ương Đảng khóa 13, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng quy hoạch đô thị, nông thôn phù hợp với truyền thống văn hóa, cảnh quan môi trường, điều kiện thực tế của từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại, gắn với đô thị hóa, do đó đại biểu Dương Khắc Mai đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đăck Nông đề xuất “Để đảm bảo phát triển quy hoạch bền vững tại điều 7 về nguyên tắc hoạt động quy hoạch cần nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc về việc bảo vệ, kế thừa, phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tôn trọng không gian văn hóa vùng miền. Đề nghị rà soát khoản 6, điều 2 về giải thích từ ngữ nhằm bổ sung yếu tố văn hóa đi liền với yếu tố kinh tế xã hội. Cần rà soát tổng thể mối liên hệ giữa dự thảo Luật quy hoạch đô thị nông thôn với Luật kiến trúc, Luật xây dựng để thống nhất trong quá trình áp dụng vào thực tiễn”.

Tăng cường phân cấp, phân quyền trong tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới.

Một điểm mới trong Dự thảo luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, là tăng cường phân cấp, phân quyền trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn. Các đại biểu cho rằng cần tăng cường hơn nữa việc phân cấp, phân quyền trong tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới.

Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam ngày càng nhanh và phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng - làng trong phố và phố trong làng. Vì vậy,các đại biểu đề xuất nên quy định rõ chỗ nào thuộc thẩm quyền trung ương, còn lại nên giao cho địa phương điều chỉnh quy hoạch chung sẽ phù hợp hơn với thực tế từng nơi. Đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng “Việc tăng cường phân cấp cho các địa phương tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới sẽ tạo điều kiện để các địa phương, cơ quan chủ động trong công tác quy hoạch, đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, từng khu vực theo từng giai đoạn cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ lập, thực hiện dự án đầu tư xây dựng.”

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh khẳng định việc phân cấp, phân quyền là cần thiết để các địa phương có thể tự quyết định trong một số quy hoạch đô thị, nông thôn liên quan đến địa phương mình. “Trong dự thảo luật lần này đã có chú ý nội dung đó rồi nhưng tôi nghĩ cần phải đẩy mạnh hơn, phân cấp phân quyền nhiều hơn và đặc biệt dành cho thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì có phân cấp mạnh mẽ hơn."

Các đại biểu nhấn mạnh, dù phát triển đô thị hay phát triển nông thôn đều phải hướng đến phát triển bền vững, gắn với ứng dụng công nghệ, đồng thời bảo tồn những giá trị tự nhiên, thiên nhiên, sinh thái không chỉ ở vùng nông thôn mà cả ở đô thị. Quan tâm xử lý các vấn đề đặt ra như ngập nước, giao thông, xử lý nước thải - rác thải, thích ứng với biến đổi khí hậu.../