Chỉ trong vòng hơn 2 tháng qua, cả nước đã xảy ra 47 trận sạt lở đất, đá gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Điều đáng nói, không chỉ khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ, Tây Bắc, mà ngay cả Hà Nội cũng đã xuất hiện những trận sạt lở lớn. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này? Cần có những giải pháp hữu hiệu nào để phòng tránh những vụ sạt lở tương tự?

Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV2, PGS.TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những nhận định và phân tích khá thẳng thắn xung quanh vấn đề này.

Thưa PGS.TS Trần Tân Văn, ông đánh giá thế nào về tình trạng sạt lở đất gây hậu quả đau lòng ở nhiều địa phương như thời gian vừa qua?

PGS.TS Trần Tân Văn: Như chúng tôi theo dõi vấn đề này trong một thời gian rất dài thì năm nay có một vài điểm khác thường. Thứ nhất, chúng ta vừa mới trải qua một đợt nắng nóng lịch sử thiếu điện, thiếu nước nghiêm trọng và theo như các chuyên gia khí tượng thủy văn đánh giá thì đây là một năm thuộc chuỗi enino, tức cơ bản là mưa ít nắng nhiều. Tuy nhiên tiếp theo đợt nắng nóng lịch sử đó thì đến một đợt mưa rộng rất lớn và rất dài. Đặc biệt xảy ra ở những khu vực mà từ trước đến nay được cho rằng tương đối an toàn về thiên tai. Thí dụ như là các tỉnh Tây Nguyên hay Nam Trung Bộ và thậm chí là Hà Nội cho nên đó là những chi tiết rất bất thường. Thông thường nghe đến thiên tai thường nghĩ ngay đến các vùng miền núi Tây Bắc hay là các tỉnh ven biển miền Trung, thế nhưng bây giờ đã lên tận Tây Nguyên, các tỉnh Nam Trung Bộ như là Lâm Đồng và thậm chí là cả Hà Nội.

PV: Không chỉ ở Tây Bắc những nơi có nguy cơ cao phải gánh chịu thảm hoạ thiên tai mà cả nhiều khu vực của Tây Nguyên, miền Tây, rồi thậm chí là cả Hà Nội cũng liên tiếp xảy ra sạt lở. Theo ông đâu là nguyên nhân khiến các thảm họa này xảy ra dồn dập như vậy?

PGS.TS Trần Tân Văn: Có 2 nhóm nguyên nhân khách quan và chủ quan: Khách quan là do gần đây thường nói đến vấn đề biến đổi khí hậu, cho đây là nguyên nhân gây ra những thảm họa này. Tuy nhiên về biến đổi khí hậu, thì hậu quả hay được nhắc đến là nhiệt độ trái đất tăng lên hay mực nước biển dâng cao. Nhưng bên cạnh đó các nhà khoa học còn để ý đến một chi tiết nữa vô cùng quan trọng liên quan trực tiếp đến thiên tai, đó là biến đổi khí hậu làm cho hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ càng bất thường hơn, kể cả về mặt thời gian xảy ra, cường độ quy mô lẫn tần suất và nó có thể xảy ra ở bất kỳ lúc nào, và bất kỳ ở đâu.

Còn nhóm nguyên nhân thứ hai, thẳng thắn phải nói chính xác là do các hoạt động nhân sinh của con người. Không chỉ riêng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới nhiều năm gần đây, các nhà khoa học lên tiếng rất nhiều lần và rất mạnh mẽ rằng, vai trò của các hoạt động nhân sinh trong việc gây ra hoặc là làm trầm trọng thêm các dạng thiên tai ngày càng rõ hơn và đã đến lúc chúng ta không thể chỉ nói rằng đấy là thiên tai, mà trong nhiều trường hợp cần phải nói đến đấy là do cả nhân tai.

PV: Một trong những vụ sạt lở được dư luận rất quan tâm trong thời gian vừa qua, đó là vụ sạt lở xảy ra ở thôn Phú Ninh, xã Minh Phú huyện Sóc Sơn, Hà Nội (gần hồ Ban Tiện), trong đó điều đáng nói là tại quanh khu vực điểm sạt lở có nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng vì nằm trong quy hoạch đất rừng. Ông nhìn nhận và đánh giá vụ việc này như thế nào?

PGS.TS Trần Tân Văn: Vụ sạt lở ở Sóc Sơn, thứ nhất nhìn vào dòng bùn đá dọc đường lấp các ô tô thì trông khá giống như một trận lũ bùn đá, trượt dạng dòng. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra xung quanh một chút thì cơ bản là nhà cửa xung quanh, cây cối thì có vẻ như vẫn còn nguyên. Trong khi đó thì nếu mà một trận lũ quét sạt lở đất hay lũ bùn đá xảy ra thì khả năng nhiều là nó sẽ xảy ra trên diện rộng, càn quét cả một khu vực lớn chứ không chỉ tập trung vào trong phạm vi một con đường nhỏ hẹp thế. Cho nên tôi có một cảm nhận rằng ở khu vực này, thứ nhất là một số diện tích rừng đã được chuyển sang thành trang trại và các chủ trang trại lại xây tường chắn, be bờ đắp lại và không để cho nước mưa từ trên sườn dốc chảy xuống qua khu đất trang trại. Cho nên vô hình chung nước mưa khi đổ xuống sẽ bị làm mất một số các đường chảy tự nhiên và bắt buộc phải tìm một dòng duy nhất, chính là con đường đấy. Cho nên nhiều dấu hiệu thì có vẻ như là một trận lũ quét, sạt lở đất do thiên tai thế nhưng một số dấu hiệu khác lại cho thấy rằng ảnh hưởng của hoạt động nhân sinh là vô cùng lớn trong trường hợp này.

PV: Dù rằng, vụ sạt lở ở Sóc Sơn tuy không gây thiệt hại về người nhưng ông có nghĩ rằng đây cũng là một vụ việc đáng báo động cho các cấp quản lý ở địa phương?

PGS.TS Trần Tân Văn: Chắc chắn là như vậy. Đây là một tiếng chuông cảnh báo rất nghiêm túc. Bởi vì từ góc độ địa chất thì vùng đất Sóc Sơn không phải là nơi có nguy cơ cao về thiên tai. Đây là vùng đất mà nền móng địa chất khá ổn định vững chắc. Một vùng đất cổ, địa hình cũng không phải quá hiểm trở, quá chót vót. Hơn nữa lại có rừng phòng hộ. Thế cho nên từ góc độ tự nhiên thì đây không phải là khu vực tiềm ẩn nhiều dạng thiên tai. Thế nhưng rồi thảm hoạ cũng vẫn xảy ra. Và chắc chắn là tiếng chuông cảnh báo rất nghiêm khắc. Vấn đề vi phạm rừng phòng hộ thì kể từ trước khi xảy ra những sự cố này vốn đã nóng và chúng ta vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết. Còn trong trường hợp này thì rõ ràng vai trò của các hoạt động nhân sinh mà có thể nói rằng là chưa được phép đã rất rõ và đã đến lúc cần phải nghiêm túc chấn chỉnh những vi phạm như kiểu này.

PV: Vậy còn những hiện tượng sụp lún, nứt gãy nghiêm trọng tại Lâm Đồng thì sao, thưa ông?

PGS.TS Trần Tân Văn: Tôi cũng cho rằng trong trường hợp này thì vai trò của các hoạt động nhân sinh là rất lớn. Có nhiều nhà khoa học cho rằng ở các khu vực đó có nhiều đứt gãy, đất đỏ bazan vỏ phong hóa nó rất dày nên dễ trôi trượt khi mưa to gió lớn. Tuy nhiên từ trước đến nay khu vực này cũng ít xảy ra. Và đất đỏ bazan vỏ phong hóa dày dày thì nhiều nơi khác cũng có, thế nhưng tại sao nó lại xảy ra đúng chỗ đấy đúng chỗ mà con người làm đường, đắp đập, làm hồ thủy điện, thủy lợi, thì tôi nghĩ rằng trong quá trình triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng có thể đã mắc một số các sai sót gây ra thảm hoạ như vừa qua.

PV: Vậy trước hàng loạt vụ sạt lở gây hậu quả nghiêm trọng liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương, vùng miền chỉ trong thời gian ngắn, theo ông đâu là giải pháp để phòng tránh, giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do sạt lở gây ra?

PGS.TS Trần Tân Văn: Tôi nghĩ rằng thứ nhất là truyền thông kịp thời, rộng khắp và thường trực như thế này cũng là một giải pháp rất hữu hiệu để nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng tránh giảm nhẹ thiên tai. Ngày nào cũng một vài lần cảnh báo nhắc nhở về thiên tai thì muốn hay không muốn là người dân cũng sẽ có dịp nghe lưu lại trong trí nhớ và có ý thức hơn. Thứ hai là công tác điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng tìm hiểu nguyên nhân, phân vùng cảnh báo sẽ cần phải tiếp tục triển khai và triển khai đồng đều rộng khắp hơn nữa trên tất cả các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, biến đổi địa chất. Cho đến lúc này có thể nói là không còn một chỗ nào trên đất Việt Nam là an toàn trước các dạng thiên tai.

Gần đây tôi có thấy Công điện của Thủ tướng Chính phủ và thấy rằng rất đầy đủ, rất toàn diện. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có mong muốn thêm, thứ nhất những Công điện, Chỉ thị đó cần ban hành sớm hơn nữa; hai là những Chỉ thị, Công điện đó phải có sự ràng buộc về mặt pháp luật để các năm sau không phải nhắc lại. Các bộ, ngành cứ thế mà triển khai thôi. Đối với chính quyền địa phương thì cũng biết rằng họ bận trăm công nghìn việc nhưng cũng đã đến lúc phải nhận thức rằng việc phòng chống thiên tai phải trở thành một nhiệm vụ thường trực, không thể bỏ qua.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS.TS Trần Tân Văn.