Tổng cục Thống kê cho biết: Tình hình lao động, việc làm quý II/2022 tiếp tục duy trì đà phục hồi, lực lượng lao động, số người đang làm việc, thu nhập bình quân tháng tăng so với quy trước và so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước 51,6 triệu người, tăng 444,7 nghìn người so với quý trước và tăng 558,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước 6 tháng đầu năm ước tính 2,39%.

Tuy nhiên, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao kéo theo giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển là nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, riêng trong tháng 6 CPI chỉ tăng 0,69% so với tháng trước.

Các nguyên nhân làm tăng lạm phát trong 6 tháng đầu năm nay, theo Tổng cục Thống kê, là do giá xăng dầu được điều chỉnh 16 lần. Bình quân 6 tháng giá xăng dầu trong nước tăng 54,92% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,98%. Bên cạnh đó, giá gas trong nước biến động theo giá thế giới, trong 6 tháng đầu năm nay giá gas tăng 30,99% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng thêm 0,45%.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II năm 2022 ước tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%. Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, số soanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong 6 tháng đầu năm cũng có nhiều tín hiệu khởi sắc. Lần đầu tiên, số doanh nghiệp vượt mốc 100.000 doanh nghiệp gia nhập và hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp đều lạc quan về tình hình sản xuất, kinh doanh trong quý III sắp tới.

Đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng xã hội và kinh tế, đặc biệt sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19, kinh tế Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng, kinh tế phát triển chậm lại. Nguồn vốn đầu tư công đưa vào thực hiện sẽ là nguồn vốn “mồi” thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như nguồn vốn để thu hút doanh nghiệp FDI. Đánh giá đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư công ước đạt 35,34% kế hoạch vốn được giao năm 2022, đây cũng là mức đạt cao nhất trong 5 năm qua, nhưng chưa đạt được con số như kỳ vọng (đạt 42% kế hoạch năm). Mặc dù các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công nhưng do vướng mắc trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng, tái định cư và đơn giá đền bù. Thứ hai là do kế hoạch chuẩn bị dự án đầu tư công chưa sát với khả năng thực hiện nên không phân bổ hết được vốn đầu tư công được giao. Thứ ba là công tác lựa chọn nhà thầu, năng lực thẩm định còn nhiều hạn chế. Việc quy định về thời gian thẩm định còn nhiều bất cập, phê duyệt dự án còn chưa tuân thủ thời gian quy định./.