90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Nếu cứ tiếp tục tiêu thụ sản phẩm túi nilon và nhựa dùng một lần như hiện nay thì con người sẽ đối diện với thảm họa "trắng" là ô nhiễm nhựa.

Nhiều người đặt niềm tin vào những sản phẩm nilon tự phân hủy. Thạc sĩ Lê Năng Hùng-Hội bảo vệ thiên nhiên - môi trường cho rằng, cái nguy hiểm là con người vẫn nghĩ túi nilon có thể thay thế bằng loại phân hủy sinh học.

"Tôi đã đi các siêu thị, xem thành phần in trên các loại sản phẩm túi tự phân hủy sinh học. Thực ra nhựa chiếm 45-55%, số còn lại là tinh bột và một số chất khác. Điều đó cho thấy nhựa vẫn là thành phần chính" - Thạc sĩ Lê Năng Hùng trả lời phóng viên VOV2.

Tự thay đổi nhu cầu sử dụng

Khi chưa có một sản phẩm tối ưu thay thế được hoàn toàn túi nilon như hiện nay thì ý thức tiêu dùng vẫn là quan trọng để có thể đánh bại rác thải nhựa.

Một ngày nọ, Phạm Thị Kim Hằng hiện đang sinh sống ở TP.HCM muốn đi mua bàn chải tre. “Tôi đã phải đi 45 phút để mua được món đồ mình cần. Sống xanh khó vậy sao?” – Hằng tự đặt câu hỏi và tự mình trả lời.

"Mình nghĩ sao mình không sẵn sàng làm gì đó. Càng làm cho sống xanh dễ dàng thì người ta càng dễ tiếp cận và lan tỏa được nhiều hơn. Môi trường là vấn đề cần nhiều người chung tay" .

Vậy là Hằng thành lập doanh nghiệp xã hội với khát khao lan tỏa lối sống xanh, tái chế rác chỉ để mong ngày sống xanh trở nên dễ dàng, thuận tiện. Cô gái được mệnh danh “thích làm bạn với rác” bắt đầu thử nghiệm những sản phẩm tái chế từ chính đồ mà người khác không dùng nữa.

"Tiệm tạp hóa xanh" của Limart - Zero waste nằm trên đường Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM). Chủ nhân là cô gái tốt nghiệp Học viện Hàng không và trước đó làm trợ lý giám đốc một công ty logistics với mức lương cao. "Tiệm tạp hóa xanh" không chỉ kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng liên quan đến chăm sóc nhà cửa, chăm sóc cá nhân, quà tặng... xanh, thân thiện với môi trường mà còn là nơi tạo dựng việc làm cho người khuyết tật. Hằng nói sự kết hợp này khiến cô cảm thấy con đường mình đi không cô đơn.

"Từ lúc bắt đầu đến bây giờ mình chưa bỏ ra đồng tiền marketing nào hết. Mọi người đến mua, thích những ý nghĩa đằng sau dự án mình làm thì họ ủng hộ. Đến tiệm mua thì mang theo bạn bè. Có nhiều người đến mua xin làm cộng tác viên để lan tỏa dự án" - Hằng kể.

Đi chợ không túi nilon

Kim Hằng đã tạo ra sản phẩm túi xách, các vật phẩm quà tặng từ túi nilon đã qua sử dụng và còn rất nhiều người khác đã và đang từng bước thay đổi thói quen đi chợ. “Không túi nilon đi chợ” đó là quan điểm của Nguyễn Thị Hải – sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội.

"Em đi học, tiện mua xôi sáng thì em luôn mang theo một hộp nhựa vừa đủ để đựng, rất sạch và tiện". Hải kể trước em cứ để cô gói xôi, gói vào lá chuối rồi đựng vào túi nilon. Tháng nào cũng cả chục cái túi như thế bỏ đi, thấy áy náy, Hải quyết định thay đổi.

Mặc dù cũng là nhựa nhưng các loại hộp nhựa lại được xem là sự thay thế cho các túi ni lông kém an toàn. Các loại hộp đựng này được làm từ nhựa định hình, sở hữu nhiều ưu điểm khác biệt về độ an toàn để làm bao bì đóng gói sản phẩm tốt nhất. Những chiếc hộp được thiết kế với đủ mẫu mã, kiểu dáng, phục vụ cho nhiều nhu cầu như đựng thực phẩm, đồ ăn chế biến sẵn, đựng bánh kẹo, hoặc các sản phẩm khác (giày, dép). Kết hợp chiếc nắp đóng kín, cho khả năng bảo quản tối ưu. Vì thế, Hải luôn có các hộp để đi chợ mua, cá thịt hoặc những thực phẩm nấu chín.

"Nó sẽ hơi cồng kềnh chút nhưng tiện hơn túi nilon. Đi chợ, đựng vào hộp xong về rửa để nấu luôn hoặc cất vào tủi lạnh" - Hải thấy vui khi thùng rác đã giảm rác nhựa dùng một lần.

Một xu hướng nữa của giới trẻ là đựng đồ bằng túi vải bố. Loại túi này rất đa dụng, vừa có thể đựng đi chợ, đi mua sắm ở cửa hàng, siêu thị và đi học. Không chỉ mềm nhẹ, bền chắc mà những chiếc túi vải bố còn được làm từ nguyên liệu là sợi thiên nhiên, cực an toàn với sức khỏe và môi trường sống. Túi có độ bền cao, chịu lực tốt, dễ dàng gấp gọn bảo quản khi không sử dụng. Ngoài ra, nhiều người trẻ còn lựa chọn làn, túi cói hoặc loại làn làm bằng tre nữa để đi chợ. Đây giống như sự quay trở lại thời ông bà xưa khi chưa bị nilon bủa vây.

Chị Hoàng Thảo – người sáng lập group “Nói không với túi nilon” cho rằng lợi ích của túi nilon là không thể phủ nhận, tuy nhiên việc dùng bữa bãi, quá nhiều là làm hại chính cuộc sống chúng ta.

"Tôi cho rằng chất liệu không quan trọng bằng việc bạn sử dụng nó như thế nào. Ví dụ, túi nilon nhưng bạn dùng lại 2-3 lần cũng là tốt rồi" - chị Hoàng Thảo gợi ý.

Thế hệ trẻ sẽ là người tiếp tục song hành cùng Trái Đất. Hiểu được điều này, họ đang thể hiện mối quan tâm và trách nhiệm của mình bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, với mong muốn, góp một phần nhỏ bé, chung tay bảo vệ môi trường, vì chất lượng cuộc sống, vì tương lai của đất nước./.

Nghe phóng sự tại đây: