Rác thải nhựa đã có thể "hóa thạch"

Túi ni-lông (hay còn gọi là túi nhựa, túi bóng) là cụm từ phổ biến và là "nhận dạng" điển hình của thế kỷ 20, 21 và có thể nhiều hơn thế nữa.

Theo The Guardian, nghiên cứu mới chỉ ra rằng rác thải nhựa có thể có danh hiệu “hóa thạch”, khi mà nhựa đã liên tục làm vấy bẩn trái đất từ năm 1945 tới giờ.

Túi ni-lông được làm từ các nguyên liệu khác nhau nhưng chủ yếu được sản xuất từ hạt nhựa polyetilen (PE) và polypropilen (PP) có nguồn gốc từ dầu mỏ cùng với một số hóa chất phụ gia khác như chì, cadimi… để tạo màu, tăng tính chống thấm nước, chống ẩm và khả năng chịu lực. Vì thế, sức sống bền lâu của loại túi này có thể đánh bại nhiều vật liệu khác. Có nghiên cứu chỉ ra rằng phải mất 1000 năm, ni lông mới phân hủy.

Vì vậy, lớp nhựa trong đất có tiềm năng trở thành mốc đánh dấu sự hình thành của Kỷ Nhân sinh – Anthropecene. Sau Thời kỳ Đồ đồng và Thời kỳ Đồ sắt, chúng ta bước vào Kỷ Đồ nhựa và cái tên này chẳng đáng tự hào gì.

Ni-lông được phát minh vào năm 1935 bởi Wallace Hume Carothers, một nhà phát minh người Mỹ - người có hơn 100 bằng phát minh và là tác giả của hơn 50 tài liệu kỹ thuật được phổ biến trên toàn thế giới.

Nhựa bắt đầu được ứng dụng vào sản xuất chiếc bàn chải đánh răng, tất da chân... Tính ưu việt: mỏng, nhẹ, không thấm nước, tiện dùng...đã khiến ni-lông "phủ sóng" khắp mọi nơi trên thế giới, nhanh hơn bất kỳ loại virus nào.

Trang web theworldcounts.com phân tích: Chúng ta sử dụng 5 nghìn tỷ túi nhựa mỗi năm! Đó là 160.000 túi/một giây! Và mỗi người trên hành tinh sử dụng hơn 700 túi/năm. "Đặt lần lượt, họ sẽ đi vòng quanh thế giới 7 lần mỗi giờ và có diện tích rộng gấp đôi nước Pháp" - theo theworldcounts.com.

Điều gì xảy ra với túi nhựa? Trung bình, một túi nhựa mua sắm được sử dụng chỉ trong 12 phút. Phần lớn là được vứt vào thùng rác, số ít được tái chế.

Hầu hết các túi chỉ đơn giản là ném ra ngoài. Ít hơn 1 phần trăm được tái chế. Chúng thường được làm từ Polyethylene phải mất hàng thế kỷ để phân hủy. Mỗi tấn túi nhựa tái chế tiết kiệm năng lượng tương đương với 11 thùng dầu.

Tổng cộng, chúng ta sử dụng 100 triệu tấn nhựa mỗi năm. Khoảng 10% lượng nhựa này cuối cùng ở các đại dương. Ước tính có khoảng 300 triệu túi nhựa mỗi năm chỉ riêng ở Đại Tây Dương. Tất cả những gì nhựa kết thúc trong các đại dương không phải là không có hậu quả.

Báo cáo khoa học này là bản phân tích đầu tiên về sự xuất hiện của nhựa trong các lớp trầm tích, nhóm các nhà nghiên cứu khảo sát kỹ các lớp đất đá hình thành hàng năm ngoài khơi California, suốt từ năm 1934 cho tới thời điểm lấy mẫu nghiên cứu, vào năm 2010. Họ phát hiện ra dấu vết của nhựa trùng khớp hoàn toàn với nhựa thời điểm hiện tại.

“Đây là thảm cảnh với động vật ăn đáy như san hô, trai, sò và nhiều loài khác nữa. Nhưng việc nhựa đã trở thành một dấu vết hóa thạch dấy lên những câu hỏi cao xa hơn" - bà Jennifer Brandon, người chịu trách nhiệm nghiên cứu nói.

Rất có thể con người sẽ được "vinh danh" là sống trong thời kỳ đồ nhựa!

Nhựa "phân hủy" hay "phân rã"?

Đây là câu hỏi lớn trong giới khoa học. Bởi thực tế "nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời một chiếc túi ni lông sẽ phải mất từ 500 – 1.000 năm mới có thể phân hủy" - kết quả nghiên cứu này chỉ là ước tính. Túi ni-lông mới song hành cùng con người khoảng 80 năm - tính đến nay.

Một loạt các giải pháp đưa ra, các vật liệu thay thế. "Loài người rất khó khước từ hình thức "mỹ miều" mỏng gọn nhẹ và công dụng tuyệt vời của túi ni-lông. Dịch covid-19 vừa qua, ni-lông đã phát huy công dụng tuyệt vời của nó trong việc bảo hộ ngăn chặn sự lây lan của virus" - Thạc sĩ Lê Năng Hùng (Hội Bảo vệ Thiên nhiên - Môi trường TPHCM) khẳng định.

Nhưng nếu cứ tiếp tục tiêu thụ sản phẩm ni-lông dùng một lần như hiện nay thì con người sẽ đối diện với thảm họa "trắng". Nhiều người gọi ni-lông là tội phạm môi trường.

Loại túi ni-lông phân hủy sinh học được ca ngợi như "ngôi sao sáng" trong giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Nếu sống ở thành phố, nhà bạn chắc chắn cũng đã từng mua nó ở siêu thị.

Năm 2019, truyền thông thế giới nhắc đến một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology khiến đảo ngược mọi suy nghĩ của chúng ta về "túi tự hủy sinh học" (biodegradable).

Tuy nhiên, bản thân loại túi này có tác dụng thật sự hay không thì vẫn còn đang gây tranh cãi. Và theo như một nghiên cứu mới đây về tính "thân thiện" cho môi trường của loại túi này, có vẻ như tranh cãi sẽ không thể kết thúc sớm được.

Các chuyên gia từ ĐH Plymouth đã chôn một số túi mang nhãn "tự hủy sinh học" xuống đất từ 3 năm trước. "Mục đích của thí nghiệm là giải quyết câu hỏi về thành phần có trong những chiếc túi này. Nếu sau 3 năm chúng không bị phân hủy, thì đó vẫn là một loại rác cực kỳ có hại cho môi trường" - Imogen Napper chuyên gia đứng đầu nghiên cứu cho biết.

Khi đào lên thì bất ngờ thay, những chiếc túi này vẫn mang công dụng chẳng khác gì túi mới tinh, có thể đựng đầy một giỏ đồ. Dù có một chút phân hủy, nhưng tốc độ không hề được như mong đợi.

"Sau 3 năm, tôi thực sự sốc khi những chiếc túi này vẫn đủ chắc để chứa cả một bọc đồ" - Napper cho biết. "Với một chiếc túi loại phân hủy sinh học, kết quả này thực sự đáng kinh ngạc".

"Tôi đã đi các siêu thị, xem thành phần in trên các loại sản phẩm túi tự phân hủy sinh học. Thực ra nhựa chiếm 45-55%, số còn lại là tinh bột và một số chất khác. Điều đó cho thấy nhựa vẫn là thành phần chính" - Thạc sĩ Lê Năng Hùng lý giải.

Việc sử dụng tinh bột và các phụ chất sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình phân hủy túi ni-lông. Không. Phải gọi là "phân rã" mới chính xác. Ni-lông không thể phân hủy hoàn toàn trong thời gian vài tháng, vài năm như kỳ vọng.

"Việc phân rã nhựa thành những mảnh nhỏ, thậm chí rất nhỏ thành những hạt vi nhựa còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Vi nhựa rất khó kiểm soát trong đất, nước, không khí"- ông Hùng nhấn mạnh.

Vi nhựa (microplastics) là những hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm, có nguồn gốc từ các hoạt động nhân sinh, gây tác động mạnh mẽ đến môi trường và các loài sinh vật biển.

Dưới tác động bức xạ UV của mặt trời, gió, nước, đất, độ ẩm không khí...những chiếc túi này mủn ra và tự vùi xuống ngay chân nó. Túi nhựa “tự hủy” đó tan rã kết cấu ra thành những vi hạt nhựa xâm nhập vào đất, nước rồi đi vào chuỗi thức ăn làm khả năng nhiễm độc cơ thể của “động vật” đứng cuối chuỗi thức ăn là con người càng kinh khủng hơn.

Sản phẩm nhựa có bản chất phục vụ tiện ích cho nhu cầu xã hội. Tội đồ của "ô nhiễm trắng" không phải là sản phẩm từ nhựa mà thủ phạm của tình trạng này là chính chúng ta và chúng ta phải chịu trách nhiệm duy nhất cho hành vi xả thải bừa bãi này.Theo trực quan ta thấy “dường như không gây ô nhiễm” nhưng chính ra nó còn nguy hại hơn cái ô nhiễm mà người ta có thể thấy được mà xử lý. "Sản phẩm nhựa “thân thiện môi trường” nửa vời này làm ta khó kiểm soát hơn cái ô nhiễm thực sự cho môi sinh và sức khỏe con người" - ông Nguyễn Như Khuê - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Hóa nhựa Bông Sen nhận định.

Sau rất nhiều nghiên cứu, sự sống cuối cùng của nhựa vẫn là nhựa. Ý thức tiêu dùng và hành vi xả rác của con người cần phải thay đổi.