Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nửa đầu năm 2024, với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế nước ta vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Một trong những điểm nhấn nổi bật, mang niềm vui tới hàng chục triệu người, đó là quyết định tăng mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024. Đây là mức tăng cao nhất trong lịch sử từ trước đến nay.

Công chức viên chức với niềm vui tăng lương

Tốt nghiệp đại học và làm việc tại một cơ quan nhà nước được một năm, mức lương của Lê Thị Tú ở Hà Nam đang ở bậc 1. Nếu trừ bảo hiểm hàng tháng, thực lĩnh vào tài khoản của Tú là hơn 3 triệu đồng, một khoản tiền còn khá khiêm tốn. Bởi vậy thông tin tăng lương từ ngày 1/7 năm nay khiến Tú vui mừng khi mức lương được tăng lên 5 triệu đồng mỗi tháng.

“Không những em mà cả gia đình đều vui vì thông tin này. Việc tăng lương sẽ khuyến khích những bạn trẻ mới ra trường như em lựa chọn có thể nộp đơn vào nhà nước vì mức lương ban đầu cũng gần bằng với khu vực tư”, Lê Thị Tú chia sẻ.

Chị Nguyễn Minh Ngọc, cán bộ chính sách ở một phường của Hà Nội cũng chung tâm trạng phấn khởi này. Theo chị Ngọc, việc tăng 30% lương là mức tăng đáng ghi nhận trong quá trình điều chỉnh tiền lương hướng đến mục tiêu cán bộ công chức, viên chức có thể sống bằng chính đồng lương, thu nhập của mình.

Còn với cô giáo Lê Thị Nhân ở Hiệp Hòa, Bắc Giang, một người có thâm niền hơn 10 năm trong nghề bày tỏ, việc tăng lương kịp thời của nhà nước góp phần xoa dịu những áp lực cuộc sống của các gia đình công chức như chị.

“Không chỉ vợ chồng tôi được tăng lương mà ông bà nội cũng được tăng lương hưu. Cả gia đình vui lắm. Sau những tác động của covid- 19, giá cả các mặt hàng lại tăng cao khiến kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Giờ được tăng lương sẽ giúp cải thiện cuộc sống, đáp ứng nhu cầu cơ bản hàng ngày”. Thậm chí theo chị Nhân nếu khéo co kéo có thể có sẽ dành ra được một khoản tiền tích lũy, phòng khi ốm đau.

Tăng lương cơ sở, bước điều chỉnh phù hợp…

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 giữa Bộ Nội vụ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1.7 là chính sách có tính bao trùm, góp phần tạo nên tâm trạng xã hội vui tươi, phấn khởi, hài lòng.

"Sự hài lòng này là điều mà chúng ta cảm thấy hạnh phúc nhất vì không chỉ khu vực công mà còn hơn 50 triệu người gắn với mức lương cơ sở và các chế độ phụ cấp, trợ cấp xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội", Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, mức tăng lương lần này là một điểm nhấn rất đáng phấn khởi vì thực tế từ khi thành lập nước đến nay đây là lần đầu tiên có mức tăng lương cho cán bộ, viên chức ở mức 30%. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ để có thể thực hiện chính sách tiền lương, tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1.7.2024. Tuy nhiên, ông Thịnh rằng mức tăng này cũng mới chỉ tương xứng với mặt bằng lương của những người làm ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

“Việc tăng lương cơ sở lần này sẽ tạo động lực để họ có hứng thú làm việc, thúc đẩy tăng năng suất lao động, gắn bó với khu vực Nhà nước. Và khi đã có mức lương đủ để đảm bảo duy trì cuộc sống, lo cho vợ con và gia đình thì hiện tượng tham nhũng, tiêu cực sẽ giảm đi. Tình trạng cán bộ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về cũng sẽ cải thiện. Đây là một ý nghĩa quan trọng của việc cải cách chính sách tiền lương", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Cũng theo phân tích của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để cải cách tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm thì phải đưa ra được các tiêu chí, định mức công việc cụ thể của rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực mà cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước đang đảm nhiệm. Điều này không thể làm trong một sớm một chiều. Đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang thay đổi về cơ chế quản lý thì rõ ràng các vị trí công việc cũng chưa ổn định để có thể đưa ra các tiêu chuẩn định mức rõ ràng. Bởi vậy nếu cứ chờ đợi vị trí việc làm theo đúng tiêu chuẩn, định mức để trả lương thì còn rất lâu mới có thể làm được. Cho nên việc tăng lương 30%, theo TS Đinh Trọng Thịnh là việc có thể làm luôn và sẽ giải quyết ngay lập tức việc cải thiện đời sống cho cán bộ công chức, viên chức đang rất khó khăn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhấn mạnh, mặc dù việc tăng lương cơ sở ở thời điểm này là hợp lý, tuy nhiên các cơ quan chức năng cũng cần thiết phải sớm triển khai tiếp việc cải cách tiền lương…Và một trong những việc đầu tiên cần phải quan tâm là chuẩn bị nguồn lực để cải cách tiền lương đảm bảo tính khả thi.

“Có nhiều cách để thực hiện việc này thông qua việc tăng năng suất lao động cũng như tính toán triển khai các giải pháp chống thất thu ngân sách Nhà nước, tăng thu thông qua thương mại điện tử và rất nhiều thứ khác”. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng kỳ vọng trong thời gian tới, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cần phải được đối xử một cách bình đẳng. Bởi họ là những người có năng lực được tuyển chọn một cách đầy đủ và nghiêm ngặt cho nên họ phải được trả một mức lương xứng đáng để không những đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của bản thân, nuôi sống gia đình mà còn có thể tạo điều kiện cho các thế hệ tương lai.