Hôm nay (26/3), tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam tổ chức chương trình tập huấn “Chính sách hỗ trợ về y tế đối với người khuyết tật” do Liên minh châu Âu tài trợ thông qua Tổ chức Oxfam. Đây là một hoạt động trong chuỗi thực hiện dự án “Nâng cao nhận thức pháp luật và trợ giúp pháp lí về lao động, việc làm, thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục cho người khuyết tật”. Buổi tập huấn có sự tham gia của các cán bộ, hội viên nòng cốt thuộc Hội Người mù TP Hà Nội, Hội Người khuyết tật TP Hà Nội, Chi hội người điếc Hà Nội, gia đình Người khuyết tật, các cơ sở có người khuyết tật, các sở, ngành liên quan trên địa bàn TP Hà Nội.

Phát biểu tại buổi tập huấn, Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam khẳng định: “Thông qua buổi tập huấn này chúng tôi mong muốn các cán bộ, hội viên nòng cốt của Hội Người mù TP Hà Nội, Hội Người khuyết tật TP Hà Nội, Chi hội người điếc Hà Nội...cũng như đại diện các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở giáo dục đào tạo, đại diện người khuyết tật trên địa bàn TP Hà Nội có thêm kiến thức, kỹ năng hết sức hữu ích giúp cho bản thân, giúp cho người thân của mình được thụ hưởng đầy đủ chính sách về y tế dành cho người khuyết tật. Qua đó người khuyết tật có cuộc sống tốt đẹp hơn, được tham gia đầy đủ các hoạt động học văn hóa, học nghề, có việc làm, thu nhập, đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội.”

Những chính sách về y tế cho người khuyết tật là một công cụ quan trọng giúp nhà nước thực hiện hỗ trợ đời sống cho những người khuyết tật. Những chính sách này không chỉ thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của nhà nước, cộng đồng đến với người khuyết tật mà còn giúp họ có cơ hội được chăm sóc, điều trị và cải thiện đời sống. Từ đó góp phần xây dựng nên một môi trường tốt nhất cho người khuyết tật, giúp họ trở lại cuộc sống bình thường như bao người khác.

Bà Đinh Việt Anh chia sẻ thêm: “Chính sách y tế với người tật chẳng hạn những chính sách về cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí dành cho đối tượng người khuyết tật được nhận chế độ bảo trợ xã hội, chính sách ưu tiên về khám chữa bệnh dành cho người khuyết tật...Đây là những điều kiện hết sức quan trọng vì người khuyết tật gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Khi có chính sách của nhà nước, họ có điều kiện tốt hơn tiếp cận dịch vụ y tế để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của bản thân. Đó là vốn quý hàng đầu của con người. Khi có sức khỏe, người khuyết tật có thể phát huy khả năng của bản thân để vươn lên hòa nhập cộng đồng.”

Ông Lê Tuấn Đống, Nguyên Trưởng phòng phục hồi chức năng và giám định của Cục quản lý khám chữa bệnh, Chuyên viên cao cấp của Bộ y tế - Giảng viên lớp tập huấn cho rằng, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người khuyết tật về các chính sách y tế là vô cùng quan trọng. Ông Đống chia sẻ: “Tập huấn Chính sách hỗ trợ y tế với người khuyết tật là hoạt động rất ý nghĩa. Bởi người khuyết tật là người yếu thế, việc tiếp cận các phương tiện thông tin, các văn bản, chế độ chính sách của nhà nước không được nhiều. Buổi tập huấn này góp phần trang bị những kiến thức để người khuyết tật hiểu được quyền lợi được chăm sóc bảo vệ sức khỏe như thế nào, mặc dù những chính sách này quy định rất rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước”. Ông Đống cũng mong muốn qua buổi tập huấn sẽ cung cấp, bổ sung thêm những thông tin, chính sách về y tế mới nhất giúp người khuyết tật hiểu rõ những quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Từ đó người khuyết tật biết tự bảo vệ những quyền lợi về y tế họ được hưởng.

Theo Báo cáo Điều tra Quốc gia người khuyết tật, có sự khác biệt đáng kể giữa người khuyết tật và không khuyết tật trong sử dụng dịch vụ y tế: Khám bệnh (69,4% so với 51,1%), điều trị bệnh (57,4% so với 36,5%) và phục hồi chức năng (2,3% so với 0,3%). Kết quả Điều tra Quốc gia về người khuyết tật cũng cho thấy, khi không sử dụng dụng cụ trợ giúp, có 15,14% người khuyết tật gặp khó khăn về sức khỏe. Khi sử dụng dụng cụ trợ giúp, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,94%. Do đó, nếu duy trì tốt việc cung cấp các hỗ trợ về y tế cho người khuyết tật sẽ tạo ra những khác biệt lớn về khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội.

Buổi tập huấn về chính sách y tế mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực như chia sẻ của bà Trần Thị Liễu, người khuyết tật: “Trước đây có những chế độ của người khuyết tật được hưởng chưa nắm rõ thì giờ hiểu được thêm, ví dụ là người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng 100% về y tế khi đi khám bệnh. Là người khuyết tật, chúng tôi mong muốn có thêm nhiều buổi tập huấn nữa về nhiều lĩnh vực như giáo dục, công nghệ thông tin, về việc làm...để người khuyết tật được tiếp cận tốt hơn với những thông tin, nâng cao hiểu biết để phục vụ cuộc sống tốt hơn”.

Bên cạnh việc thực hiện các lớp tập huấn về chính sách lao động việc làm, giáo dục, y tế... Hội Người mù Việt Nam còn tổ chức các buổi tư vấn và trợ giúp pháp lý, xây dựng các câu lạc bộ, diễn đàn để người khuyết tật có thể chia sẻ, trao đổi, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình. Đồng thời thông qua số điện thoại hotline 0986759369, Hội tiếp nhận các đề nghị tư vấn cũng như trực tiếp trao đổi, kết nối với các Đoàn Luật sư, các trung tâm trợ giúp pháp lý, giúp người khuyết tật được thụ hưởng những chế độ, chính sách của nhà nước.

Các cẩm nang hướng dẫn, hỗ trợ pháp lý trong các lĩnh vực lao động việc làm, y tế, giáo dục...được xây dựng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người khuyết tật. Từ đó có những đánh giá thực trạng, đưa ra các kiến nghị đến cơ quan chức năng để có những sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật phù hợp trong thực tế.