Tên gọi một vùng đất không chỉ là chữ trên giấy tờ, mà còn là sợi dây vô hình gắn kết con người với quê hương của họ. Nó lưu giữ lịch sử, phản ánh bản sắc và nuôi dưỡng niềm tự hào của cộng đồng. Vì vậy, khi một địa danh thay đổi, sự tác động không chỉ dừng ở bộ máy hành chính mà còn chạm đến tâm thức của mỗi con người.

Trong quá khứ, nhiều địa phương đã trải qua sự thay đổi danh xưng: Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, Bắc Giang – Bắc Ninh từng chung một tỉnh. Giờ đây, câu chuyện ấy lặp lại khi các tỉnh tiếp tục quá trình hợp nhất.

Nhìn lại lịch sử, nước ta từng có hai mô hình đặt tên sau sáp nhập:

Ghép tên các tỉnh cũ – như Vĩnh Phú (Vĩnh Phúc + Phú Thọ), Hà Nam Ninh (Hà Nam + Nam Định + Ninh Bình).

Lấy tên địa danh đặc trưng – như Hoàng Liên Sơn (Yên Bái + Lào Cai), Cửu Long (các tỉnh miền Tây).

Lần này, sẽ chọn mô hình nào? Không khó để nhận ra hai luồng quan điểm trái ngược. Những người muốn giữ lại tên cũ cho rằng tên gọi không chỉ là một địa danh mà còn là một phần của bản sắc.

Những người muốn đổi sang tên mới bảo vệ quan điểm: đây là cơ hội để tạo ra một danh xưng mang tính biểu tượng hơn, phù hợp với tầm nhìn phát triển.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, xã hội của Quốc hội đề xuất 4 tiêu chí để đặt tên tỉnh: Phản ánh lịch sử và bản sắc văn hóa; thể hiện tầm nhìn và khát vọng phát triển; đảm bảo sự đồng thuận của nhân dân; tránh trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn.

Một số ý kiến cho rằng, nên tổ chức khảo sát trực tuyến, để lấy ý kiến từ các chuyên gia lịch sử, văn hóa. Điều này giúp đảm bảo tính đại diện, đồng thời vẫn giữ được tính khoa học trong quá trình quyết định.

Lịch sử đã chứng minh, một cái tên có thể thay đổi, nhưng ký ức về nó thì không bao giờ mất đi.

Nếu một cái tên được chọn thật ý nghĩa nó sẽ trở thành biểu tượng của sự đoàn kết, góp phần trở thành động lực phát triển trong tương lai, nhưng tên gọi tỉnh mới cũng khó có thể chiều lòng được số đông.

Sáp nhập tỉnh là một chủ trương lớn, phù hợp với xu thế phát triển trong kỷ nguyên số, thế hệ trẻ sẽ là những công dân toàn cầu, tên gọi quê hương nghĩ rộng ra chính là đất nước,Việt Nam chúng ta./.