Sau 30 lần tổ chức, Tháng hành động Vì trẻ em hàng năm trở thành dịp để các cấp, ngành, gia đình, xã hội có những phong trào, hành động mang ý nghĩa, thiết thực, tạo lập môi trường an toàn, cơ hội phát triển toàn diện cho trẻ em. Những năm qua, nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, công trình phúc lợi, cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao dành cho trẻ em, nhất là ở những địa bàn kinh tế -xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, biển, hải đảo ngày càng được quan tâm.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 có chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” đã thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Nhiều tỉnh, thành phố đã có những hoạt động thiết thực dành cho trẻ như: Bình Dương đã mở 32 lớp dạy bơi miễn phí cho gần 2.100 trẻ. Tỉnh Quảng Nam đã tổ chức 41 khóa dạy bơi cho trẻ, tổ chức hàng trăm buổi sinh hoạt hè cho trẻ, thu hút hàng nghìn em trên địa bàn tham gia. Yên Bái, Bình Phước, Quảng Trị.... cũng triển khai nhiều hoạt động dành cho trẻ. Tới nay, các địa phương đã bố trí ngân sách và huy động nguồn lực được gần 300 tỷ dành cho trẻ nhân Tháng hành động Vì trẻ em 2024. Qua đó, hàng triệu trẻ em được hưởng lợi từ các hoạt động và các công trình dành cho trẻ.
Một trong những hoạt động bảo vệ trẻ em được cơ quan chức năng và xã hội chú ý thời gian là bảo vệ các em trên môi trường mạng. Giờ đây, mạng xã hội đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của các em với nhiều mục đích khác nhau như: học tập; xem phim, tìm kiếm thông tin…. Bên cạnh những lợi ích trong học tập và phát triển, các em phải đối mặt với những rủi ro và nguy cơ trên mạng. Chính vì vậy, cùng với những hoạt động thiết thực bảo vệ trẻ, các ngành, các cấp cũng đã có những giải pháp cụ thể để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Cùng với đó, các tổ chức trong và ngoài nước thời gian qua đã góp phần đáng kể trong công tác bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ trên môi trường mạng nói riêng. Ông Đỗ Dương Hiển, Chuyên gia Bảo vệ Trẻ em trên Môi trường Mạng, tổ chức ChildFund Việt Nam cho biết: Những năm qua, ChildFund Việt Nam đã có nhiều hoạt động bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó đã phối hợp triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả hệ thống bảo vệ trẻ em Việt Nam”, nâng cấp ứng dụng Tổng đài 111 bảo vệ các em. Không chỉ là một trợ thủ đắc lực của các cán bộ Tổng đài 111, ứng dụng Tổng đài Bảo vệ trẻ em còn là một người bạn thân thiết của trẻ em.
"Thông điệp mà ChildFund Việt Nam muốn gửi tới gia đình, nhà trường trong việc bảo vệ trẻ trên không gian mạng là Phụ huynh hãy đồng hành cùng con trẻ trên môi trường mạng; Cha mẹ hãy quan tâm tới trải nghiệm của con trên mạng và hãy nhớ mình chính là tấm gương cho trẻ khi sử dụng internet an toàn. Hãy là bạn, cùng học cùng chơi và cùng phát triển. Đối với nhà trường, cần tạo điều kiện cho các con học tập và hoàn thiện kỹ năng số, tiếp cận internet an toàn; đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số trong thời kỳ mới" - ông Đỗ Dương Hiển nhấn mạnh.
Mời các bạn nghe phóng viên VOV2 trao đổi với bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại đây: