Câu chuyện người dân sống lân cận khu xử lý rác Nam Sơn, Hà Nội chặn xe chở rác vào năm 2020 đã khiến bà Trần Thu Hương, ở phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội không thể không quan tâm đến cách ứng xử với rác của mình. Bởi lẽ, khi cứ có việc cần ra ngoài, bà đều phải đeo khẩu trang để tránh hít phải không khí ô nhiễm từ chính những gì người dân trong khu phố thải ra mà công nhân môi trường chưa thể chuyển đi. Cũng từ đó, nghe truyền thông trên báo, đài, bà Hương đã tạo cho mình một thói quen mới nhằm bảo vệ môi trường. “Trước đây, tất cả các loại rác tôi đều cho vào một túi. Từ ngày biết được lợi ích của việc phân loại rác cũng như hệ lụy của việc ô nhiễm rác thải khó phân hủy, tôi đã phân loại rác ra các túi khác nhau”, bà Hương cho biết.

Từ khi trong nhà có 2 thùng chứa rác, các thành viên trong gia đình bà Hương cũng hình thành thói quen mới. Đó là phân loại trước khi cho rác vào thùng. Cứ như vậy, hơn hai năm nay, không những góp một phần nhỏ hạn chế lượng chất thải khó phân hủy ra môi trường, bà Hương còn cùng với một số chị em trong khu phố gây quỹ từ thiện với nguồn thu từ việc bán phế liệu. Theo bà Hương, ngoài những lợi ích có thể đong đếm được ấy, thói quen phân loại rác của gia đình bà và người dân trong khu phố còn đem lại sự thay đổi “không thể tính bằng tiền”. “Từ lâu, hàng tuần, cứ sáng thứ 7, bà con trong khu phố lại bảo nhau mang chổi ra quét dọn. Cảnh quan nơi đây vì thế luôn xanh, sạch, đẹp, là nơi ai cũng muốn trở về sau ngày làm việc căng thẳng”, bà Hương tự hào.

Ở khu vực nông thôn cũng vậy, từ lâu, nhiều người đã thay đổi cách ứng xử với rác thải. Xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội là một điển hình. Từng là nơi có nhiều “điểm đen” về ô nhiễm với những đống rác thải chất cao như núi, giờ đây xã Ninh Sở trở thành điểm sáng về bảo vệ môi trường với những con đường xanh, sạch và đẹp. Tự hào về sự đổi thay này của địa phương, bà Nguyễn Thị Hằng, ở thôn Xâm Dương 2, xã Ninh Sở cho biết, trước kia có một số người dân chưa nhận thức được tác hại của việc xả rác bừa bãi nên hay vứt rác ra đường. Qua tuyên truyền, giờ bà con đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, đồng thời thường xuyên tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Vì thế, đường xá giờ sạch sẽ, không bốc mùi như xưa.

Nhận thấy việc xả rác bừa bãi sẽ ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của chính mình, bà con tại một số địa phương thuộc khu vực vùng cao, miền núi, cũng từng bước thay đổi thói quen. Có thể kể đến là chững chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành vi của người dân xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Chị Lý Thị Nhất là một trong những người như thế. “Nếu mình không tạo thói quen giữ cho môi trường xanh, sạch, ô nhiễm sẽ tạo ra những hệ lụy như động đất, sóng thần. Không chỉ mình mà đời con cháu mình sẽ phải gánh chịu những hệ lụy đó. Còn nếu mình giữ gìn cho nhà cửa của mình sạch sẽ, xóm làng sạch đẹp thì mình là người được hưởng không gian an lành đó. Người nơi khác đến chơi, mình cũng không cảm thấy xấu hổ vì nhà cửa bề bộn, bẩn thỉu”, chị Nhất chia sẻ quan điểm.

Ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt gây ra vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người dân từ thành thị đến nông thôn đã có những thay đổi tích cực trong nhận thức cũng như hành vi về bảo vệ môi trường.

Nghe bài viết dưới đây: