Aime Linh Vương (tên thật Vương Diệu Linh) – người sáng lập ra dự án Reborn – không giấu nỗi ám ảnh về tình trạng ô nhiễm môi trường từ khi còn nhỏ. Lớn lên trong khu tập thể cạnh chợ cá với mùi tanh nồng và rác thải bủa vây, cô luôn khao khát tìm cách cải thiện không gian sống. Khi đam mê thời trang trỗi dậy cùng với mối quan tâm về môi trường, Linh đã quyết tâm phải làm một điều gì đó để chung tay bảo vệ môi trường và Reborn – dự án biến quần áo cũ thành tác phẩm nghệ thuật đã ra đời.

Chia sẻ về sự ra đời của Reborn, Linh muốn có một giải pháp mà có thể vừa cải thiện môi trường sống cũng như được kết hợp với đam mê của mình là thời trang. Vậy nên mục đích của dự án chính là sử dụng vật liệu cũ và ứng dụng nó vào trong những dự án nghệ thuật. Vì vậy, Reborn không chỉ là một dự án mang tính thời trang mà nó còn mang tính hợp mỹ, bên cạnh đấy là cải thiện ý thức của người dùng.
Đồng hành với Linh là Trần Đức Nhật - đồng sáng lập kiêm Art Director của dự án. Nhật từ bé cũng ở gần với khu chợ nên anh nhận thức các vấn đề về môi trường khá là sớm. Nhìn thấy bố mẹ thường tái sử dụng lại những chiếc quần áo cũ, trong tiềm thức của anh dần hình thành nên mối quan tâm lớn về việc tái chế quần áo. Đối với Nhật, việc mang cho sản phẩm một vòng đời mới sau khi nó đã kết thúc một cái vòng đời cũ là một câu chuyện hay, đấy cũng là lý do mà Nhật toàn tâm toàn ý, góp sức vào dự án để có thể đưa Reborn đến thực tế, tạo thành tiếng nói của một cộng đồng nhỏ bằng cách sử dụng hình ảnh, sử dụng video, sử dụng thời trang.

Reborn không dừng lại ở việc “vá víu” đồ cũ. Dự án còn chú trọng nâng tầm quần áo tái chế qua thiết kế nghệ thuật, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Dự án “Tân Xà” là minh chứng rõ nét khi phá cách áo dài với cổ tàu, đường cắt cách điệu, tạo nên sự đối lập giữa cũ – mới. Để truyền cảm hứng, Nhật sử dụng hình ảnh và video nghệ thuật, như tạo hình con mắt-biểu tượng cho sự tái sinh từ vải denim cũ, một loại vải thô 100% cotton được dệt đan chéo vào nhau rất bền. Anh tâm niệm rằng nghệ thuật nên ‘show don’t tell’ nghĩa là hãy để tác phẩm tự nói thay lời. Linh với Nhật cũng khẳng định, những cái mà mọi người coi là mâu thuẫn thì với hai bạn là một sự kết hợp mà sẽ khiến cho Reborn nhiều chiều sâu hơn để khai thác.

"Đồ cũ là đồ bỏ đi" – câu nói này từng ám ảnh ngành thời trang Việt, nhưng Reborn đang thay đổi điều đó. Linh Vương cho biết, 80% người gửi quần áo cũ ủng hộ dự án là Gen Z. Có bạn gửi chiếc chân váy mẹ may từ xưa, kèm lời nhắn hy vọng dự án có thể hồi sinh quà tặng của mẹ bạn ấy hay lại có người gửi áo từ mối tình cũ với yêu cầu hãy xé nát nó đi. Những câu chuyện ấy được Reborn biến thành nguồn cảm hứng, tạo nên những tác phẩm không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị phía sau.
Trong làn sóng Gen Z quan tâm đến môi trường, Vũ Phạm Linh Chi (sinh viên Học viện Ngoại giao) là một trong những người trẻ tích cực ủng hộ Reborn. Qua một lần lướt đọc thông tin về dự án trên Tiktok, Linh Chi đã bị ấn tượng bởi giá trị mà Reborn mang lại.
"Không chỉ là thiết kế đẹp, mà còn là cách họ tôn trọng câu chuyện đằng sau món đồ. Sản phẩm của họ em thấy vừa thời trang, vừa nhắc nhở về lối sống bền vững. Nhiều bạn nghĩ thời trang tái chế là 'đồ second-hand giá rẻ', nhưng qua Reborn, em thấy nó sang trọng và đầy cá tính”, Linh Chi chia sẻ.
Câu chuyện của Linh Chi cũng đại diện cho suy nghĩ của Gen Z hiện nay: tiêu dùng thông minh không phải là từ bỏ sở thích, mà là sáng tạo để cân bằng giữa cái đẹp và trách nhiệm. Cho tới nay, dự án đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các bạn trẻ. Không chỉ riêng Hà Nội, có những bạn từ miền Nam, miền Trung rất thích và cũng rất muốn ủng hộ dự án nên đã gửi quần áo cũ ra.
Cả Linh và Nhật đều không tự nhận mình là "người hùng môi trường" mà chỉ nghĩ mình là một cá nhân nhỏ bé đang cố gắng góp sức cùng cộng đồng để có thể tạo nên một bức tranh tổng thể về bảo vệ môi trường, thời trang bền vững và tái chế sản phẩm.
Trong thế giới mà thời trang thường bị đo bằng độ "hot" nhất thời, Reborn chọn đi ngược dòng – biến rác thải thành nghệ thuật. Dự án không chỉ đơn thuần là một dự án thời trang mà còn là câu chuyện về lối sống trách nhiệm, nơi nghệ thuật và môi trường hòa làm một, là lời nhắc nhở: nghệ thuật thực sự phải chạm đến trái tim hoặc đánh thức lương tri của con người./.