Trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội, năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi với kinh tế Việt Nam hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV2, ông Nguyễn Tùng Lâm, Phó viện trưởng phụ trách Viện Năng suất Việt Nam nhấn mạnh, một nền kinh tế có năng suất cao nghĩa là nền kinh tế đó có thể sản xuất ra nhiều hàng hóa hoặc dịch vụ hơn với cùng một lượng nguyên liệu/yếu tố đầu vào hoặc sản xuất ra số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ tương đương với lượng nguyên liệu/yếu tố đầu vào ít hơn. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, năng suất lao động chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp. Đối với Việt Nam, nâng cao năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Năng suất lao động Việt Nam có cải thiện nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 188,1 triệu đồng/lao động. Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2022 tăng 4,81%. Năm 2022, năng suất lao động của Việt Nam theo GDP danh nghĩa ước tính vào khoảng 7.398 USD/ lao động. Nếu tính theo sức mua tương đương, năng suất lao động của Việt Nam ước tính vào khoảng 21.860 USD/lao động. Trong thập kỷ qua, năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá là có tốc độ tăng cao nhất trong các nước ASEAN. Tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2010-2020 tăng bình quân 5,0%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Singapore (2,4%/năm); Malaysia (2,1%/năm); Thái Lan (3,7%/năm); Indonesia (2,7%/năm); Philippines (2,7%/năm); Brunei (giảm 1,2%/năm).

Với những nỗ lực cải thiện năng suất trong thập kỷ qua đã giúp cho Việt Nam những kết quả đáng khích lệ về tăng trưởng năng suất, tạo cơ hội thu hẹp dần khoảng cách về mức năng suất so với các nước có nền kinh tế tiên tiến hơn. Nhưng trên thực tế, mức năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở nhóm các nước có mức gần như thấp nhất trong khối. Tính theo GDP danh nghĩa, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt được 7.398 USD/người, bằng 1/15 của Singapore, 1/8 của Nhật Bản, Hàn Quốc. Tính theo PPP 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 bằng 13,3% mức năng suất của Singapre; 37,5% của Malaysia; 68,4% của Thái Lan; 86,2% của Indonesia. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước ASEAN.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, nhìn từ các quốc gia đã đạt được mức năng suất vượt trội, như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc, để duy trì được tốc độ tăng năng suất, các quốc gia này đã trải qua những thay đổi cơ cấu mạnh mẽ, gồm những thay đổi công nghệ nhanh chóng, tăng hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và sự hiện diện của các ngành công nghiệp chế biến sâu. Tất cả các yếu tố quyết định này đóng một vai trò quan trọng trong việc kết hợp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng suất.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam chưa đạt được những thay đổi lớn về tái cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và các ngành chế biến sâu. Điều này hạn chế cải thiện năng suất lao động chung của quốc gia. Không những thế, lao động trong nông nghiệp và lao động phi chính thức chiếm tỷ trọng cao, có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp; máy móc thiết bị, quy trình công nghệ dùng trong sản xuất lạc hậu; khu vực doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô không hợp lý để đạt năng suất lao động cao hơn; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập. Đặc biệt các rào cản về thể chế, cải cách hành chính cũng là một điểm nghẽn ảnh hưởng đến tăng năng suất lao động của nền kinh tế nước ta.

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 kéo dài ảnh hưởng nặng nề, hoạt động kinh tế toàn cầu đang trải qua một cuộc suy thoái trên diện rộng và mạnh hơn dự kiến, với lạm phát cao hơn mức từng thấy trong vài thập kỷ. Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, thắt chặt điều kiện tài chính ở hầu hết các khu vực do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Từ 2020 đến nay, nền kinh tế vẫn chịu nhiều áp lực từ nguy cơ suy thoái toàn cầu. Xuất khẩu - một trong những động lực tăng trưởng chính của kinh tế - bị ảnh hưởng. Số đơn hàng giảm dần, rơi mạnh ở 2 quý cuối năm 2022 và tình trạng này kéo dài đến giữa 2023. Điều này khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động hàng loạt. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao trong khi các kênh huy động vốn bị ách tắc cũng đang bủa vây, tạo nhiều thế khó cho doanh nghiệp.

Thúc đẩy kinh tế số, liên kết vùng sẽ là những giải pháp có tính đột phá

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế, chỉ có nâng cao năng suất lao động mới có thể đứng vững, đưa kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững.

Đối với Việt Nam, để từng bước rút ngắn khoảng cách về mức năng suất lao động với các nước trong khu vực và trên thế giới, ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiếp cận, ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy kinh tế số, thúc đẩy liên kết vùng sẽ là những giải pháp có tính đột phá.

Việt Nam cần có những cải cách thể chế, chính sách giúp khơi thông việc ứng dụng công nghệ tiên tiến. Thúc đẩy nâng cao năng suất của các doanh nghiệp nhà nước có vốn lớn. Tạo nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; Kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, ông Lâm cũng phân tích giải pháp nhìn từ góc độ con người. Theo đó, ông Lâm phân tích: Chất lượng nguồn nhân lực sẽ trở thành nền tảng của tất cả các giải pháp thúc đẩy năng suất ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Bài toán nguồn nhân lực được xem xét giải quyết cả 2 phương diện: đào tạo, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Các giải pháp sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn với nhu cầu thực tiễn và tăng cường các nội dung đào tạo cải tiến năng suất. Cải thiện cơ chế lương và các chính sách khuyến khích lao động sáng tạo.

Hiện nay, cơ cấu thể chế và quản lý đổi mới sáng tạo tại Việt Nam bị phân tán với nhiều bên tham gia và hạn chế về điều phối. Do đó, cần tập trung, giải quyết các vấn đề của quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo trong thời gian tới nhằm đạt hiệu quả trong việc thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”, ông Lâm đề xuất.

Để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cần thống nhất quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; có sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các ngành, các cấp trung ương và địa phương trong bối cảnh mới nhằm thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia... Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp giữa cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo là Bộ Khoa học và Công nghệ với các bộ, ngành, địa phương để tạo sự thống nhất, hiệu quả, xuyên suốt trong quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo. Đồng thời, hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Các nước có nền kinh tế tiên tiến ở Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…) đã thành công trọng việc xây dựng và triển khai lược phát triển năng suất quốc gia theo từng giai đoạn phát triển. Cơ quan năng suất quốc gia được đặt đúng với tầm quan trọng của nó để thực thi chiến lược và xây dựng và triển khai các chính sách quan trọng và mạnh mẽ để phát triển năng suất. Đồng thời, huy động các thành phần kinh tế cộng đồng tham gia một cách tích cực vào các chương trình năng suất quốc gia.

"Đây cũng là những kinh nghiệm, là bài học mà Việt Nam có thể tham khảo để thúc đẩy tăng suất lao động một cách ấn tượng hơn trong thời gian tới, ông Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.