Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do sự gia tăng về chất thải nhựa. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, nước ta là 1 trong 5 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới, gồm Trung Quốc, Indonexia, Philippin, Việt Nam và Thái Lan, chiếm 55-60% tổng lượng rác thải nhựa ra đại dương.

Còn theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi người sử dụng, thải bỏ 1 túi nilon/ngày. Mỗi năm có khoảng hơn 31,4 tỷ túi nilon bị thải ra nhưng chỉ có khoảng 17% trong số này được tái sử dụng. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa "ô nhiễm trắng".

Rác thải nhựa như túi nylon, cốc nhựa, ống hút chỉ sau ít phút sử dụng sẽ bị vứt bỏ ra môi trường và phải mất từ 400 đến 1.000 năm mới có thể phân hủy. Vì vậy, nếu không có những giải pháp kịp thời thì rác thải nhựa sẽ tác động nghiêm trọng tới môi trường cũng như làm tổn hại tới sức khỏe con người. Một trong những giải pháp quan trọng chính là nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp xã hội, từ người dân tới doanh nghiệp, không sử dụng những đồ dùng bằng nhựa mà thay thế bằng những vật liệu thân thiện môi trường khác. Nhận thức như vậy nên thời gian qua, đông đảo người dân đã có những hành động thiết thực nhằm chung tay hạn chế loại rác thải này.

Bà Nguyễn Thị Túc, ở phường Xuân La, quận Tây Hồ là một điển hình. Từ lâu, mỗi khi ra chợ, thay vì đi tay không, bà luôn mang làn để đựng đồ. Không dừng lại ở đó, hơn 10 năm nay, bà còn vận động chị em phụ nữ trong phường cùng nhau đan làn từ những sợi dây dùng để buộc vật liệu xây dựng bị thải bỏ. Sản phẩm làm ra, bà tặng lại cho người dân dùng để đi chợ mỗi ngày. “Chị em chúng tôi hiểu rõ lợi ích của việc hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, nhất là túi ni-lon nên ai cũng hứng thú với việc đan làn, mang làn đi chợ thay vì đi vung vảy tay không rồi dùng túi ni-lon đựng đồ”, bà Túc tâm sự.

Mong muốn góp sức làm cho cuộc sống xanh hơn, mỗi khi đi bộ trên đường ông Nguyễn Xuân Thu, ở phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đều quan sát, thu gom các loại vỏ chai, vỏ lon đựng đồ uống. Sau mỗi tháng, ông mang đến những điểm thu mua phế liệu bán lại. Số tiền thu được, ông dành dụm rồi hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn. “Trước kia, gia đình nào cũng vậy, họ uống bia, uống nước ngọt xong là ném vỏ lon, vỏ chai ra đường, đi trên đường rất dễ bắt gặp. Giờ thì không còn cảnh này nữa”, ông Thu tự hào kể.

Để góp phần giải quyết những mối đe dọa từ rác thải nhựa, lãnh đạo một số doanh nghiệp cũng thay đổi từ nhận thức đến hành động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có thể kể đến là ông Hoàng Anh Dũng, Giám đốc Công ty Intraco. “Ai đã từng về Hải Dương, tôi tin là sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh rác thải nhựa chất cao như núi, hay về làng nghề sản xuất giấy Phong Khê ở tỉnh Bắc Ninh chẳng hạn, cũng sẽ được chứng kiến có đến hàng nghìn tấn rác đổ ra sông mà không được tái chế”, ông Dũng chia sẻ.

Hiểu rõ tác hại của rác thải nhựa nên ông Dũng luôn tâm niệm không đánh đổi môi trường lấy lợi nhuận. Theo đó, những năm qua dưới sự điều hành của ông, công ty Intraco thường xuyên nghiên cứu để cho ra các sản phẩm thân thiện môi trường. Cùng với đó, công ty còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiến hàng xây dựng mạng lưới thu gom rác thải nhựa để làm nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm của mình. “Chúng tôi cam kết xây dựng 250 phòng ăn, bếp ăn bằng vật liệu tái chế. Qua đây, chúng tôi muốn truyền tải thông điệp hãy tái chế những gì có thể để bảo vệ môi trường, từng bước tạo ra nền kinh tế tuần hoàn”, ông Dũng chia sẻ.

Công ty Cổ Phần Nhựa Vĩnh Thành do ông Hoàng Đức Vượng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa. Vì thế, ông Vượng rất hiểu cái giá phải trả nếu không tăng cường thu gom rác thải nhựa. “Chúng ta cứ nghĩ rác thải nhựa chủ yếu từ sinh hoạt, nhưng không phải vậy. Nhựa còn nằm trong ô tô, thiết bị điện, từ trần nhựa đến bàn ghế nhựa…Trong gia đình, vật dụng chúng ta đang dùng có đến 70-80% là nhựa. Từ cái cúc áo đến túi bim bim đều là nhựa”, ông Vượng cho biết.

Theo ông Vượng, thu gom, tái chế nhựa là rất cần thiết trong việc bảo vệ môi trường. Bản thân công ty Vĩnh Thành cũng tiến hành các hoạt động thu gom rác thải nhựa. Tuy nhiên, Chính phủ cần quy hoạch thành các khu tập trung, chuyên thu gom, tái chế nhựa. Cùng với đó, Nhà nước nên có thêm các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển “kinh tế tuần hoàn”. “Chúng tôi mong muốn nền kinh tế tuần hoàn được thúc đẩy nhanh hơn nữa. Khi đó, các sản phẩm nhựa sẽ thành rác thải nhựa rồi chúng lại quay lại trở thành sản phẩm nhựa. Các doanh nghiệp cũng sẽ được tạo điều kiện thuận lợi để không chỉ lớn mạnh về quy mô mà còn phát triển về khoa học và công nghệ”m ông Vượng bày tỏ.

Thực tế cho thấy nhựa có mặt ở khắp nơi trong cuộc sống. Ban đầu, nhựa được tạo ra cũng nhằm giải quyết các giới hạn về môi trường. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều các sản phẩm từ nhựa cùng với ý thức và việc quản lý chất thải nhựa yếu kém đã khiến nhựa trở thành hiểm họa, gây ô nhiễm môi trường. Để cải thiện vấn đề này, người dân, nhất là các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, thay đổi cách “ứng xử” với các sản phẩm từ nhựa.

Nghe bài viết dưới đây: