Gần 20 năm làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, bà Lộc Thị Liên, dân tộc Bố Y ở thôn Nậm Lương, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang có lẽ không nhận ra sự thay đổi của chính mình về nhận thức, tư duy. Những ngày đầu, tổ của bà chỉ có 5-7 tổ viên thì tới nay đã là 48 tổ viên với dư nợ tại ngân hàng chính sách xã hội là 1 tỷ 681 triệu đồng. Lúc cao điểm, tổ tiết kiệm của bà lên tới 60 hội viên. Từ chỗ chỉ dám vay tiền ngân hàng chính sách xã hội mua 1 con trâu sinh sản, nay bà Liên cũng như nhiều bà con người Bố Y đã biết tính toán nuôi thêm lợn lấy phân bón trồng rau trái vụ, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Bà Lộc Thị Liên kể về sự thay đổi trong cuộc sống của bản thân và các hội viên tổ TKVV:

Cùng nhờ vay vốn ngân hàng chính sách mà gia đình anh Vương Văn Tinh nuôi được 4 con ăn học, trong đó có một người con đang học đàn bầu tại Nhạc viện Hà Nội, mỗi tháng anh chị gửi cho con 3 triệu đồng tiền sinh hoạt. Ban đầu vay tiền mua trâu sinh sản, có nghé con, anh chị bán bớt trâu lấy tiền đầu tư trồng cà chua, dưa chuột trái vụ. Vụ dưa năm nay, có ngày anh hái bán được 2 tạ dưa với giá bán 7 nghìn/kg. 3 tháng một vụ rau, thu nhập cao hơn hẳn trước nên anh Tinh còn mạnh dạn đi thuê thêm 5000m2 đất để trồng cà chua, bắp cải.

Theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều, năm 2022, thôn Nậm Lương của xã Quyết Tiến có tới 130/286 hộ là hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo nhưng ông Chu Mìn Phù, trưởng thôn cho biết nếu chỉ tính về thu nhập như trước kia, thôn chỉ có 4 hộ là thu nhập thấp. Theo lời ông Phù, bà con ở đây giờ đã giỏi tính toán làm ăn, chuyển đổi cây trồng, cứ đà này, chẳng mấy chốc mà đời sống khấm khá và không ít gia đình, từ chỗ phải mượn vốn nhà nước để làm ăn, nay đã có tiền gửi lại ngân hàng. Đến nay, thôn Nậm Lương đã có 10ha trồng rau củ quả, đem lại nguồn thu gấp 5 lần so với chỉ trồng lúa, ngô như trước kia.

Sự thay đổi ở Nậm Lương qua lời kể của ông Chu Mìn Phù:

Nậm Lương chỉ là 1 trong số 13 thôn của xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Ông Nguyễn Việt Tiến, chủ tịch UBND xã Quyết Tiến cho biết, toàn xã có 1.815 hộ thì có tới 1.010 hộ là hộ nghèo và 203 hộ cận nghèo. Chính vì vậy, nguồn vốn lãi suất thấp ưu đãi của Nhà nước giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội là kênh quan trọng giúp xã thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế. Trên địa bàn xã đang thực hiện 14 chương trình tín dụng với số tiền dư nợ 44,1 tỷ đồng cho 1.267 khách hàng vay vốn, là địa phương có dư nợ vốn cấp xã lớn nhất toàn huyện Quản Bạ. Hiện nay có 69% số hộ gia đình tại xã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi tại NHCSXH, giúp cho hơn 300 hộ thoát nghèo. Nguồn vốn được quay vòng và tích luỹ, đời sông nhân dân được cải thiện rõ rệt, đạt được mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu của Chủ tịch UBND xã Quyết Tiến, ông Nguyễn Việt Tiến về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn:

Chị Trần Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quyết Tiến cho biết, việc vay vốn tại NHCSXH giúp hội viên nông dân có vốn đầu tư vào chuyển đổi cây trồng vật nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cũng đã đặt ra yêu cầu cho các cấp hội hỗ trợ bà con về kiến thức, khoa học kỹ thuật. Không chỉ giúp các cán bộ hội năng động, tích cực, đi sâu đi sát cơ sở, nguồn vốn nhận ủy thác từ NHCSXH còn giúp cho hoạt động hội nông dân phong phú, đa dạng, thu hút thêm nhiều hội viên tham gia. Chị Hiền cho biết, nếu như trước đây thu nhập bình quân đầu người ở Quyết Tiến chỉ vào khoảng 20 triệu/năm thì hiện nay đã lên tới 38 triệu đồng/người/năm.

20 năm qua, tín dụng chính sách triển khai ở Hà Giang thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nhiều hộ gia đình, nhất là chị em phụ nữ ở vùng cao tự tạo thu nhập, thoát nghèo và đặc biệt là thay đổi nhận thức như đánh giá của bà Chu Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang. Từ chỗ vay vốn về cũng không biết dùng tiền làm gì, “vay tiền giắt ở mái nhà” đến hẹn đem trả, đến nay, nhiều chị em đã biết tính toán nuôi trâu bò sinh sản, vỗ béo ra sao, trồng rau trái vụ như nào để có hiệu quả cao nhất, trả được vốn vay, lấy lãi đầu tư cho con cái học hành, mua sắm đồ dùng gia đình. Đây là cả một bước tiến lớn, là sự cố gắng không mệt mỏi của các cán bộ NHCSXH, chính quyền địa phương và các hội đoàn thể nhận ủy thác. Thực tế đã cho thấy, nguồn vốn chính sách đặc biệt phù hợp với chị em phụ nữ nghèo, cận nghèo, đời sống khó khăn ở miền núi bởi lãi suất thấp, cách thức vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp. Đến nay, Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã phối hợp với NHCSXH nhận ủy thác gần 1.079 tỷ đồng cho 23.838 khách hàng vay vốn, quản lý 672 tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc triển khai hiệu quả nguồn vốn chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tiếp thêm động lực cho chị em phụ nữ mạnh dạn thay đổi cách nghĩ cách làm vươn lên làm giàu góp phần tích cực cho việc xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Bà Chu Thị Ngọc Diệp đánh giá về tác động của việc triển khai tín dụng ưu đãi theo NĐ 78/2002:

Sau 20 năm triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, với 02 chương trình ban đầu là cho vay hộ nghèo nhận bàn giao từ Ngân hàng phục vụ người nghèo và cho vay giải quyết việc làm nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hà Giang đang thực hiện trên 18 chương trình tín dụng ưu đãi. Tính đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn của NHCSXH Hà Giang đạt 4.061 tỷ đồng, tăng 34,7 lần so với khi mới thành lập. Tổng doanh số cho vay trong 20 năm là 10.769 tỷ đồng; Doanh số thu nợ 6.698 tỷ đồng. Tổng d­ư nợ đến 30/6/2022 là 4.046 tỷ đồng, tăng 3.929 tỷ đồng so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng bình quân 21,3%/năm. Hệ số sử dụng vốn hàng năm đạt trên 99%, tỷ lệ thu lãi đạt trên 98%.

Trong 20 năm qua, đã có 508.817 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với số tiền 10.769 tỷ đồng. Trong đó, đã cho vay được 267.721 lượt hộ nghèo, 26.054 lượt hộ cận nghèo, 13.447 lượt hộ mới thoát nghèo có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh với mục đích không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu; giúp cho 30.195 lao động có công ăn việc làm ổn định thuộc chương trình cho vay giải quyết việc làm; 2.360 lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động có nguồn thu nhập ngoại tệ gửi về trả nợ ngân hàng và giúp đỡ gia đình; 16.748 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, chuyển đổi nghề, cải tạo và khai hoang đất; 14.740 hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở; trên 15.124 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; 80.892 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường.